Cả nhà đều vui nhờ áp dụng "Học thông qua Chơi cùng nhau"

Tào Nga Thứ ba, ngày 31/10/2023 19:13 PM (GMT+7)
Nhờ hướng tiếp cận giáo dục Học thông qua Chơi, gia đình anh Trần Văn Kim (ở Đà Nẵng) thấy việc dạy con trở nên nhẹ nhàng hơn. Không chỉ say sưa học, các con còn dạn dĩ giao tiếp với mọi người.
Bình luận 0

Từ năm 2019, Tổ chức VVOB hợp tác cùng Bộ GDĐT với sự tài trợ từ Quỹ LEGO triển khai dự án "Lồng ghép các hoạt động Học thông qua Chơi trong giáo dục tiểu học tại Việt Nam" (iPLAY) tại 8 tỉnh, thành phố khắp cả nước. Dự án giúp học sinh được tương tác, trải nghiệm, khám phá và giải quyết vấn đề trong môi trường học tập vui vẻ, đồng thời góp phần vào việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đáp ứng các nhu cầu đổi mới trong giáo dục, hướng tới phát triển phẩm chất, năng lực toàn diện cho học sinh từ bậc tiểu học.

Là một trong hơn 370.000 cha mẹ được tiếp cận với "Học thông qua Chơi", anh Trần Văn Kim (sinh năm 1987, làm Quản trị dự án phần mềm) cùng vợ là chị Nguyễn Thị Hoa (sinh năm 1986, làm Kinh doanh), sinh sống tại Đà Nẵng đã thấy việc dạy học cho con không còn căng thẳng, áp lực mà ngược lại, cả gia đình cùng hào hứng.

Anh Kim có 2 con hiện học lớp 5 và lớp 2 tại Trường tiểu học Trần Văn Dư, Đà Nẵng. Thời gian qua, các con đi học về thường chia sẻ rất nhiều chuyện học được ở trường, trong đó có những hoạt động vừa chơi vừa học. Đây cũng là bước đầu giúp anh nhận biết hướng tiếp cận giáo dục HTQC "Con kể về những tiết học thú vị do các thầy cô giáo tổ chức và tự tin tham gia các hoạt động học nhóm, chủ động tương tác cùng các bạn trên lớp. Nhìn con vui vẻ, sôi nổi khiến gia đình tôi cũng bị cuốn theo câu chuyện con kể", anh Kim cho biết.

Cả nhà đều vui nhờ áp dụng Học thông qua Chơi cùng nhau - Ảnh 1.

Với hướng tiếp cận giáo dục HTQC thì các em được khuyến khích nêu góc nhìn và tự do sáng tạo. Ảnh: NVCC

Sau đó, vợ chồng anh Kim đã quyết định cùng con tham gia Ngày hội "Học thông qua Chơi" ở trường tổ chức. Cùng các con trải nghiệm nhiều hoạt động, nhìn thấy sự tương tác, hỗ trợ nhau từ hai phía gia đình và nhà trường để hoàn thành các thử thách, anh Kim thấy rất bất ngờ về hiệu quả mà HTQC mang lại.

Để hiểu sâu hơn về hướng tiếp cận giáo dục này, vợ chồng anh đã tìm hiểu thêm thông tin, tham khảo tài liệu "Hướng dẫn tổ chức hoạt động Học thông qua Chơi tại gia đình". Qua thực tế thấy con tiến bộ, phát triển tốt mỗi ngày, anh cảm thấy hoàn toàn tin tưởng và áp dụng mô hình này cho con tại nhà để có thêm nhiều trải nghiệm cùng con.

"Trong quá trình trải nghiệm HTQC tại nhà, các thành viên trong gia đình tương tác, nói chuyện với nhau nhiều hơn. Các con mạnh dạn hơn nhiều so với thời gian trước. Khi chơi, ngoài việc đặt nhiều câu hỏi cho các thành viên trong gia đình, các con cũng thường đưa ra ý tưởng của mình. Khi tiếp xúc với mọi người xung quanh, các con cũng dạn dĩ hơn, không còn rụt rè như trước".

Anh cũng nhấn mạnh HTQC giúp gia đình có dịp để hiểu thêm về sở thích học tập của các con. Qua đó biết được các con hứng thú với những môn học nào và tích cực khuyến khích, trở thành hậu phương vững chắc để con thỏa sức phát huy thế mạnh. Hiện tại, ngoài việc tiến bộ hơn trong học tập, các con cũng thích thú với các hoạt động ngoại khóa, học múa, học vẽ, và tham gia các hoạt động văn nghệ của trường", anh Kim hào hứng nói.

Để con phát triển toàn diện nhất, anh Kim thẳng thắn bày tỏ đó là kết quả của sự song hành giữa nhà trường và gia đình: "Nhờ HTQC, ba mẹ ngày càng tích cực tham gia trao đổi với giáo viên để hiểu thêm và thống nhất hướng giáo dục con cùng với đó là chủ động hỗ trợ giáo viên trong việc tổ chức các hoạt động dạy và học tại trường. Tất cả cũng là vì sự phát triển toàn diện của các con".

Không chỉ riêng vợ chồng anh Kim, ngay cả ba mẹ anh dù lớn tuổi cũng vui vẻ áp dụng hướng tiếp cận giáo dục này để đồng hành cùng các cháu, tăng khả năng gắn kết giữa các thế hệ trong gia đình.

Ông Trần Văn Long (sinh năm 1959) và bà Hoàng Thị Tình (sinh năm 1961), ba mẹ anh Kim, cho hay: "Chúng tôi là người trông các cháu những lúc ba mẹ các cháu đi làm. Những lúc như thế, chúng tôi hướng dẫn và cùng các cháu tưới cây, trồng rau, hái rau. Thỉnh thoảng, chúng tôi kể cho các cháu nghe các câu chuyện ngụ ngôn, cổ tích.

Những ngày đầu áp dụng hướng tiếp cận giáo dục HTQC, chúng tôi thấy các cháu say sưa trong việc học và ngày càng tiến bộ trong việc giao tiếp với mọi người. Đây chính là điểm tích cực mà HTQC đã mang lại".

Cả nhà đều vui nhờ áp dụng Học thông qua Chơi cùng nhau - Ảnh 2.

Trong quá trình trải nghiệm HTQC tại nhà, các thành viên trong gia đình tương tác, nói chuyện với nhau nhiều hơn. Ảnh: NVCC

Có thể nói, người vui nhất khi áp dụng hướng tiếp cận giáo dục này là các con của anh Kim hiện đang học tại trường Trần Văn Dư, các con tiết lộ: "Con cảm thấy rất vui khi vừa học vừa chơi ở nhà cùng ba mẹ, ông bà. Con có nhiều thời gian hơn để gần gũi các thành viên trong gia đình".

Trong 4 năm (2019 - 2023), dự án iPLAY đã tiếp cận thành công 2.000 trường học, 60.000 giáo viên, 733.000 học sinh và 370.000 cha mẹ học sinh trên phạm vi toàn quốc.

HTQC là hướng tiếp cận giáo dục bền vững, việc áp dụng hướng tiếp cận giáo dục này không chỉ giới hạn trong lớp học mà còn mở rộng tới gia đình. Theo đó, VVOB đã biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn đặc biệt dành riêng cho các bậc phụ huynh, HTQC được cụ thể hoá thành các hoạt động đơn giản, gần gũi để cha mẹ áp dụng dễ dàng và linh hoạt.

Việc lồng ghép HTQC vào các buổi họp phụ huynh và tổ chức Ngày hội HTQC dành cho cha mẹ học sinh là một trong những nỗ lực của VVOB cùng với nhà trường và Bộ GDĐT trong việc hỗ trợ các bậc phụ huynh hiểu một cách đúng đắn để có cách giáo dục con phù hợp, dựa trên mong muốn của con. Từ đó, tạo ra sự hứng thú trong các hoạt động, giúp cha mẹ gần gũi và thấy sự thay đổi tích cực của con qua từng ngày.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem