Vỉa hè nhiều tuyến phố trên địa bàn quận Cầu Giấy đang bị đào xới để cải tạo, thay đá. Trên phố Trần Thái Tông, một đoạn vỉa hè dài khoảng 500m, toàn bộ gạch lát vỉa hè cũ đã được phá bỏ để thay thế một loại gạch mới.
Các hộ dân sinh sống dọc các tuyến phố lớn có vỉa hè đang bị đào xới gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống hàng ngày như đi lại, kinh doanh buôn bán, bụi bẩn bay đầy nhà.
Ông Trần Minh Tâm (Cầu Giấy) chia sẻ: "Việc thi công trên vỉa hè kéo dài sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến người dân. Điều này gây khó khăn trong việc di chuyển, đặc biệt đối với các cửa hàng kinh doanh vốn phải đối mặt với sự cản trở của quá trình thi công ngay trước cửa cửa hàng."
Ông Tâm cho bết thêm, đơn vị thi công không phải ngày một ngày hai là xong, có khi họ còn kéo dài đến tận cuối năm gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân.
Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận trên tuyến phố Giảng Võ (quận Đống Đa), vỉa hè đang bị đào xới, cải tạo lại. Vật liệu xây dựng như cát, xi măng, đá... tập kết ngổn ngang đã gây cản trở cho giao thông, môi trường bụi bặm do thời tiết hanh khô và độ ẩm thấp.
Vật liệu xây dựng, thiết bị, máy móc nằm ngổn ngang trên vỉa hè chiếm diện tích của vỉa hè, khiến người dân phải để xe dưới lòng đường.
"Rất mất mỹ quan đô thị, vào giờ cao điểm gây khó khăn cho việc di chuyển của người dân, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. Công trường thì ngay sát trường học, khói bụi ảnh hưởng rất nhiều đến học sinh, nhất là vào giờ các cháu tan học" bà Lê Thị Xuân (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) bức xúc.
Trước đó, UBND TP đã có văn bản số 4236/UBND-ĐT ngày 16/12/2022 về việc chấn chỉnh công tác đầu tư và quản lý sau đầu tư hè đường các tuyến phố trên địa bàn thành phố.
Sở Xây dựng đang tiếp tục phối hợp với các sở, ngành thành phố kiểm tra, rà soát, đánh giá các nguyên nhân xảy ra tình trạng đá lát, bị bong bật lún nứt, vỡ... nghiên cứu các giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, bao gồm cả việc nâng cao vai trò giám sát của cộng đồng.