Ông Hiệp cho biết, tỉnh Lâm Đồng, với thủ phủ là TP. Đà Lạt – điểm kết nối quan trọng giữa vùng đất cao nguyên với TP.HCM.
"Dù có chê ông Chủ tịch cái tỉnh gần đây xảy ra sạt lở, thì mọi người cũng không thể không lên Lâm Đồng, lên Đà Lạt. Nhưng lên Đà Lạt, không thể lãng phí thời gian, lãng phí tiền bạc, phải mất tới 6-7 tiếng đồng hồ chỉ đi đoạn đường có 300km. Ba nhiệm kỳ không làm được, tới nhiệm kỳ của chúng tôi, phải quyết tâm làm cho bằng được đường cao tốc" – ông Hiệp nói.
Ông Hiệp khẳng định địa phương hoàn toàn tự tin có đủ tiềm lực để thực hiện 2 dự án đường cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc và Bảo Lộc-Liên Khương. Ông Hiệp phát biểu: "Vừa rồi báo chí nghi ngờ Lâm Đồng "viễn vông", khó làm đường cao tốc…Hiện tỉnh đã chuẩn bị khoảng 6.500 tỷ đồng vốn. Trong đó vốn của Trung ương hỗ trợ 2.000 tỷ đồng và ngân sách của tỉnh 4.500 tỷ đồng. Nhà đầu tư đã thu xếp 1.600 tỷ đồng... Ngân hàng Nam Á cam kết tín dụng 9.000 tỷ, BIDV hỗ trợ 2.0000 tỷ. Cơ sở về tài chính là đủ sức để đường cao tốc trở thành hiện thực, chứ không phải "viễn vông" gì".
Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết: Năm 2022, tỉnh Lâm Đồng thu ngân sách 13.500 tỷ đồng. Dự kiến năm 2023 phấn đấu thu 14.500 tỷ; đủ sức tập trung cho xây dựng đường cao tốc.
Theo ông Trần Văn Hiệp, cả tỉnh Lâm Đồng hiện mới có 19km đường cao tốc từ sân bay Liên Khương về TP.Đà Lạt. "Sân bay Liên Khương đến thời điểm này cũng hết công suất, với 3 triệu hành khách/năm (so với tiêu chuẩn đã vượt 1 triệu hành khách). Hiện Liên Khương là sân bay 4D, sắp tới lên 4E.
Hiện nay, sân bay Liên Khương chỉ cho hạ cánh loại máy bay Airbus A321, còn A350 và Boeing Dreamliner chưa hạ cánh được, do đường bay chưa đủ chuẩn. Vì vậy, cần tiếp tục đầu tư cho sân bay Liên Khương trong thời gian tới" – ông Hiệp cho biết thêm.
Được biết tỉnh Lâm Đồng đang tập trung nguồn lực để đầu tư 2 dự án xây dựng đường cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương, nhằm kết nối giao thông giữa Lâm Đồng với TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ.
Hai đoạn cao tốc này đi qua các huyện Đạ Huoai, Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng và thành phố Bảo Lộc với tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 140km.
Trong đó, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc có chiều dài khoảng 66km, có 11km đi trên địa phận huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai và 55km còn lại thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng.
Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 17.200 tỷ đồng. Vốn Nhà nước tham gia dự án là 6.500 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 2.000 tỷ đồng, ngân sách tỉnh Lâm Đồng 4.500 tỷ đồng); vốn chủ sở hữu nhà đầu tư là 1.605 tỷ đồng và 9.095 tỷ đồng từ các nguồn huy động.
Dự án thuộc nhóm A do UBND tỉnh Lâm Đồng làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư đề xuất dự án là Liên danh do Tập đoàn Đèo Cả làm đại diện. Dự án được đầu tư xây theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 80 km/h.
Đoạn cao tốc Bảo Lộc-Liên Khương nối với đoạn cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc, có chiều dài khoảng 74km, quy mô 4 làn xe, dự kiến tổng mức đầu tư 19.521 tỷ đồng; trong đó, vốn Nhà nước tham gia 7.761 tỷ đồng, phần vốn sở hữu các nhà đầu tư là 11.760 tỷ đồng, vốn huy động khác khoảng 9.996 tỷ đồng.