Dân Việt

Trồng 600 cây nho Hạ đen kiểu gì mà một ông nông dân Hà Nội "đút túi" nửa tỷ/năm?

Nguyễn Nam 04/11/2023 18:52 GMT+7
Từng bị người thân ngăn cản nhưng quyết đổi mới trong cách làm nông nghiệp, ông nông dân Nguyễn Văn Mỡ, xã Thượng Cốc, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) đã trồng thành công cây nho Hạ đen trên mảnh đất phì nhiêu ven sông Đáy. Hiện, ông Mỡ sở hữu 600 cây nho, cho thu nhập nửa tỷ đồng mỗi năm.


CLIP: Ông Nguyễn Văn Mỡ giới thiệu về cách trồng nho hạ đen hiệu quả, ít sâu bệnh. Thực hiện: Nguyễn Nam

Từng bị người thân ngăn cản

Một ngày cuối tháng 10 PV Dân Việt có dịp về xã Thượng Phúc gặp gỡ và thăm mô hình trồng nho hạ đen của "lão nông" Nguyễn Văn Mỡ. Lão nông gần 70 tuổi gần gũi, mến khách, ông không ngần ngại kể về bước đường làm nông nghiệp của bản thân mình.

Xã Thượng Cốc nằm ở ven sông Đáy nên được ưu ái bởi phù sa màu mỡ, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Chính vì thế trước đây gia đình ông Mỡ và nhiều hộ dân cũng tận dụng nguồn đất này để trồng các cây ăn quả lâu năm và trồng hoa.

Ông Mỡ nhớ lại khoảng thời gian năm 1980, ông là một trong những người tiên phong ở huyện Phúc Thọ đưa cây táo lai vào trồng. Đến năm 1990, tiếp tục đi đầu về trồng cam Canh, bưởi Diễn, rồi chuyển sang trồng hoa ly, hoa lan, hoa cúc...

Hà Nội: Lão nông “nghiện” làm nông nghiệp sạch, trồng 600 gốc nho hạ đen mỗi năm thu nửa tỷ đồng - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Mỡ, xã Thượng Cốc, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) chăm sóc vườn nho hạ đen. Ảnh: Nguyễn Nam

Mặc dù làm nông bận rộn nhưng ông Mỡ vẫn cố gắng dành thời gian lên mạng tìm hiểu các thông tin để phục vụ cho công việc của mình. Nhận thấy ở miền Bắc cây nho hạ đen ít được trồng nên ông liền nảy ra ý tưởng đưa giống cây này từ miền Trung về Thượng Cốc trồng thử.

"Thấy tôi có ý định đưa cây nho hạ đen về trồng thì mọi người trong gia đình ai cũng ngăn cản, một phần lo không thích nghi được điều kiện ngoài miền Bắc và lúc ấy nghề trồng hoa vẫn đang ổn định, cho thu lãi cũng đều...", ông Mỡ trải lòng với Dân Việt.

Bỏ ngoài tai những lời khuyên ngăn của người thân, ông Mỡ vẫn quyết định đưa cây nho hạ đen về Thượng Cốc trồng thử nghiệm. Ông cho biết, nhờ có sẵn kinh nghiệm nhiều năm trồng cây ăn quả nên khi chuyển sang trồng nho không gặp quá nhiều khó khăn.

Theo ông Mỡ, kỹ thuật chăm sóc cây nho hạ đen cũng không khác nhiều so với cam, bưởi. Có vấn đề gì thì ông lại lên mạng internet để tìm hiểu, giải quyết các vấn đề đang xảy ra với cây.

Ông Mỡ cho hay, so với loại cây trái khác, cây nho hạ đen có ưu điểm ngắn ngày, thời gian thu hoạch nhanh và giá trị kinh tế cao. "Cây nho hạ đen chịu nắng tốt, phù hợp với khí hậu miền Bắc và đạt năng suất lớn nhất là vào tháng 5, tháng 6", ông chia sẻ.

Hà Nội: Lão nông “nghiện” làm nông nghiệp sạch, trồng 600 gốc nho hạ đen mỗi năm thu nửa tỷ đồng - Ảnh 3.

Với 600 gốc nho hạ đen, mỗi năm ông Mỡ có thu nhập nửa tỷ đồng. Ảnh: Nguyễn Nam

Ông Mỡ cho biết, để cây nho hạ đen sinh trưởng, phát triển tốt, ông đã xây dựng hệ thống nhà màng, nhà lưới, đồng thời ứng dụng biện pháp phòng trừ dịch bệnh tổng hợp và thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Chia sẻ với Dân Việt, ông Mỡ nắm bắt kỹ thuật như một chuyên gia nông học, ông bảo, thời điểm sâu bệnh của cây nho hạ đen chủ yếu là lúc ra hoa, kết trái; khoảng 50 ngày cuối chu kỳ phát triển thì gần như cây không bị sâu bệnh. Đặc biệt, hàng ngày phải tạo tán, tỉa cành; thân cây phải mập thì quả mới to, bông chùm mới dài và chủ vườn phải lên lịch chăm sóc cây một khách khoa học.

"Một ngày tôi dành 2 giờ để chăm sóc vườn nho. Vào các buổi chiều mùa hè, trời nắng nóng nên buổi tối tôi đeo đèn làm 1 giờ là có thể yên tâm cây phát triển tốt", ông Mỡ chia sẻ.

Để có nguồn phân bón cho cây nho, ông Mỡ tận dụng phụ phẩm nông nghiệp sẵn có ở địa phương như: rơm rạ làm phân ủ vi sinh. Hiện, gần 1.500m2 trồng nho hạ đen của ông được Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP; nghiên cứu in tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Lão nông "nghiện làm nông nghiệp sạch"

Với kinh nghiệm hàng chục năm làm nông nghiệp, quan điểm về nông nghiệp của lão nông gần 70 tuổi này cũng làm chúng tôi ấn tượng, ông bảo: "Tiền không để làm gì cả, quan trọng nhất vẫn là sức khỏe". Chính bởi vậy, khi làm nông nghiệp ông luôn quan tâm về chất lượng, sự an toàn của sản phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng.

"Khách hàng đòi hỏi sản phẩm sạch và bản thân tôi cũng nghiện làm nông nghiệp sạch", ông nói, đồng thời cho biết, làm nông nghiệp hữu cơ tuy tốn kém, vất vả nhưng mang lại sự an toàn cho cả người sản xuất và người tiêu dùng.

"Lựa chọn làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ để trước hết là vì bản thân mình, sau là vì mọi người. Hàng ngày mình tiếp xúc với cây trồng, khi con, cháu ra vườn chơi có thể hái ăn ngay tại vườn, rồi khách hàng tự tìm đến để đặt hàng. Đó là niềm vui, phấn khởi của mỗi người làm nông nghiệp khi được khách hàng tin tưởng sử dụng. Có nhiều khách hàng khi mua nho về dùng rất ưng ý, sau đó lại gọi điện đặt thêm nên tôi cũng không cần phải tiếp thị gì", ông Mỡ tâm sự.

Hà Nội: Lão nông “nghiện” làm nông nghiệp sạch, trồng 600 gốc nho hạ đen mỗi năm thu nửa tỷ đồng - Ảnh 4.

Ông Mỡ cho biết, bản thân là một người "nghiện làm nông nghiệp sạch". Ảnh: Nguyễn Nam

Ông Mỡ cũng cho biết, từng có thời gian làm việc với người Nhật Bản nên ông đã học hỏi cách làm việc, tư duy làm nông nghiệp của đất nước mặt trời mọc. Hình ảnh ông Mỡ ấn tượng nhất là khi người Nhật Bản có thể ăn rau sống ngay tại vườn.

Theo ông Mỡ, kinh nghiệm quý nhất mà ông học hỏi được từ con người Nhật Bản, đó là đã dạy cho ông cách tận dụng quỹ đất để canh tác hợp lý, sử dụng nguồn phân hữu cơ để ủ hoai mục bón cho cây trồng, từ đó tạo độ phì nhiêu cho đất, cây ít sâu bệnh, chất lượng trái ngọt, giòn, an toàn cho khách hàng.

Ông Mỡ cũng cho rằng, nông dân hiện đại ngoài đức tính cần cù, có tư duy sản xuất mà còn phải có tư duy về thị trường và biết áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Với thành quả sau nhiều năm miệt mài lao động, hiện tại, ông Mỡ sở hữu mô hình trồng nho hạ đen gần 600 gốc, mỗi vụ cung cấp ra thị trường từ 15 – 20 tấn. Ước tính tổng doanh thu trên 500 triệu đồng.