Hai cái giếng cổ hình bàn chân khổng lồ ở ngoại thành Hà Nội với chuyện đồn đại chưa kiểm chứng

Thứ hai, ngày 21/08/2023 08:31 AM (GMT+7)
Hai cái giếng cổ với hình thù bàn chân khổng lồ ở xóm Mát và xóm Tròn (thôn Yên Duyệt, xã Tốt Động huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) gắn liền với truyền thuyết về một vị Thánh trên trời.
Bình luận 0

Không biết rõ thực hư những câu chuyện đó ra sao nhưng từ bao đời nay chiếc giếng làng luôn đầy ắp nước, trong vắt và trở thành niềm tự hào, nỗi nhớ của người dân nơi đây.

Thực hư truyền thuyết giếng cổ

Các cụ cao niên ở thôn Yên Duyệt vẫn kể lại với con cháu câu chuyện về nguồn gốc của chiếc giếng hình bàn chân khổng lồ. 

Theo đó, nơi đây xưa kia đất đai cằn cỗi, người dân thường phải hứng chịu hạn hán, mất mùa. Những lúc như vậy, người dân không biết làm gì khác ngoài việc ngước lên chời cầu mong mưa thuận, gió hòa, có đủ nước để duy trì cuộc sống.

Không ai ngờ rằng những lời thỉnh cầu đó đã lay động đến một vị Thánh ở trên trời. Vị Thánh này đã hạ phàm xuống làng và bước chân của Ngài đã để lại một hố lớn đầy ắp nước. Dân làng vui sướng hò reo và cho rằng chiếc giếng ấy được tạo thành chính từ bàn chân của Thánh. 

Bởi sự tích chiếc giếng khổng lồ này cũng chỉ là lời truyền miệng nên không ai biết nó có tự bao giờ. Chỉ biết rằng, ngay cả các cụ cao niên trong làng từ khi sinh ra cũng đã gọi chiếc giếng này là “giếng bàn chân”.

Theo người dân địa phương, lòng giếng có đường kính chỗ lớn nhất lên tới 2,5m, chiều dài khoảng 4m, được ghép từ những viên đá ong tự nhiên có kích thước 20 – 30cm xếp chồng lên nhau từ đáy giếng lên đến thành.

Hai cái giếng cổ hình bàn chân khổng lồ ở ngoại thành Hà Nội với chuyện đồn đại chưa kiểm chứng - Ảnh 1.

Giếng cổ có hình bàn chân khổng lồ quanh năm đầy ắp nước trong vắt ở xóm Mát và xóm Tròn (thôn Yên Duyệt, xã Tốt Động huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội).

Điểm đặc biệt là chiếc giếng này luôn luôn đầy nước, nhiều năm hạn hán, giếng nước ở khắp các làng đều trơ đáy, nhưng chiếc giếng bàn chân khổng lồ ấy vẫn không hề cạn, nước vẫn trong vắt, mát lành đến kì lạ.

Những người dân trong làng tiết lộ rằng, lý do giếng nước quanh năm đầy ắp và trong mát là do dưới đáy có một mạch nước ngầm rất lớn lúc nào cũng tuôn trào. Kỳ lạ rằng, dù giếng nước chưa bao giờ cạn nhưng nước cũng chỉ dâng lên đến thành giếng thì mạch nước sẽ ngừng chảy mà không bao giờ tràn ra ngoài.

Kỳ lạ hơn, nước giếng khi đun tỏa ra mùi thơm nhẹ nhàng, trà xanh pha bằng nước giếng bàn chân thì có màu xanh, khi uống có vị ngon ngọt vô cùng. Uống nước lấy từ trong giếng đó cho cảm giác sảng khoái, dễ chịu, người uống không chỉ mạnh khỏe, chống được bệnh tật mà còn gặp may mắn trong cuộc sống. Ai mạo phạm sẽ gặp vận đen đủi như bị trừng phạt vậy.

Tại ngôi làng này không chỉ có một chiếc giếng hình bàn chân mà cách đó không xa, tại xóm Tròn giờ vẫn còn tồn tại một chiếc giếng với hình thù khá đặc biệt. Tuy miệng giếng tròn nhưng lòng giếng lại có hình bàn chân. Lòng giếng được xếp bằng đá ong tự nhiên, nước giếng trong vắt nên có thể nhìn thấy đáy.

Theo anh Nguyễn Hữu Hùng, là người được giao trông nom chiếc giếng, do một phần chiếc giếng ở trong sân nhà anh: “Trước chiếc giếng này có hình tròn nhưng vào năm 2004 để mở rộng đường làng chiếc giếng này suýt bị lấp đi. 

Tuy nhiên các cụ cao niên không cho phép vì nếu lấp giếng sẽ “phạm thượng” và dân làng phải gánh hậu quả. Sau cùng giếng được dùng một miếng bê tông che một nửa miệng giếng để làm đường, một phần được giữ lại trong sân nhà anh tồn tại đến tận bây giờ”.

Liên quan đến những câu chuyện kỳ bí về những chiếc giếng này, một cán bộ xã Tốt Động cho biết, do giếng làng cổ xưa lại có hình thù kỳ lạ nên nhiều người gán cho nó một tính chất linh thiêng, giống như thánh thần. 

Những câu chuyện đồn đại đều do người dân truyền miệng chưa được kiểm chứng, những tai ương xảy đến có thể do một sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Hai cái giếng cổ hình bàn chân khổng lồ ở ngoại thành Hà Nội với chuyện đồn đại chưa kiểm chứng - Ảnh 2.

Giá trị văn hóa giếng làng

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, ngoài các giá trị vật chất hiện hữu như cung cấp nước sinh hoạt… giếng làng còn trở thành không gian sinh hoạt văn hóa chung của làng. 

Nơi đây các đề tài của phủ tổng, chuyện của làng trên xóm dưới, tin vui buồn của nhà này nhà kia, được người dân lan truyền chia sẻ xung quanh giếng làng qua các hoạt động thường nhật như gánh nước, giặt giũ… hay chỉ là các bác, các cô đi chợ về gặp nhau bên giếng làng lại dừng chân hàn huyên, trò chuyện.

Giếng làng là nơi cho bao nhiêu đôi trai gái làm quen gặp gỡ, hẹn hò. Có những đôi vợ chồng đã nên duyên nhờ gặp nhau bên giếng nước. Chính giếng làng là nhân chứng của biết bao mối tình, lắng nghe những lời thề non hẹn biển, những dòng tâm sự tưởng như không bao giờ chấm dứt của những đôi lứa yêu nhau.

Rồi cả những đứa trẻ làng được lớn lên dưới sự bao bọc của giếng nước. Những buổi trưa hè trốn giấc ngủ trưa cũng lũ bạn nô đùa bên giếng, những buổi rong chơi lấm lem bùn đất về gột rửa dưới làn nước mát rượi của giếng. Lũ trẻ cứ thế lớn lên theo thời gian dưới sự nuôi dưỡng của dòng nước giếng mát rượi.

Giếng làng còn truyền tải thứ năng lượng gắn kết lòng người, khơi gợi lòng yêu nước. Từ nơi giếng nước, những người dân làng kết nối gắn bó, đoàn kết với nhau, tạo nên cộng đồng làng xã gắn bó keo sơn. Tình làng nghĩa xóm trải qua năm tháng vẫn bền đẹp như thế. 

Làng trên xóm dưới cũng được kết nối gắn bó với nhau thông qua giếng nước. Làng này hết nước sang làng kế bên xin nước, sự chia sẻ nước nôi là khởi đầu cho các sự chia sẻ vật chất khác, từ đó dẫn đến tình cảm cưu mang, yêu thương, tương hỗ nhau giữa các làng. 

Từ ngọn nguồn cung cấp nguồn nước cho đời sống, giếng nước cứ thế đi sâu vào đời sống tinh thần làng xã.

Giếng làng là biểu trưng cho sự sung mãn, sức sống của làng bởi vậy là giếng mang ý nghĩ tâm linh không kém phần to lớn. 

Đó là long mạch của làng được người dân tôn thời giữ gìn. Giếng hay còn gọi là “tỉnh” được xếp hàng đầu trong ngũ tự gia đường (tập hợp năm đối tượng thờ tự của mỗi gia đình, gồm Táo: bếp, Tỉnh: giếng, Môn: cổng/ngõ, Hộ: cửa, và Trung lưu: máng xối/giữa nhà).

Trong tổng thể cấu trúc tâm linh ở làng quê, nếu cây đa có thần, chùa có Phật, thì giếng nước có thủy thần, có thần mẹ nước. 

Với đình làng ở vị trí trung điểm tượng trưng nhân gian; cây đa vươn lên trời tượng trưng cho tính dương, giếng nước lõm sâu vào đất tượng trưng cho tính âm, có nơi cây đa còn soi bóng xuống giếng nước hay bến nước, tạo nên sự hài hòa âm dương của vũ trụ.

Những giá trị văn hóa tinh thần được người đân kết tinh lại trong văn thơ, ca dao, tục ngữ, truyền thuyết… Giếng nước cứ thế đi vào nghệ thuật bằng những ngôn từ hình ảnh mộc mạc thân quen. Hình ảnh Tấm nuôi cá bống, Mị Châu hóa ngọc đều gắn liền giếng nước; hình ảnh thiếu nữ tắm bên giếng trong tranh vẽ dân gian.

Theo thời gian và không gian giếng làng có sự biến hóa đa dạng phong phú về hình thái, cấu trúc, vật liệu cấu tạo. Hình thái giếng làng được xác định tùy thộc vào tính chất nguồn nước, địa hình, phong tục tín ngưỡng… của mỗi làng.

Giếng làng có dạng hình tròn, hình vuông, hình chữ nhật, hình bán nguyệt, hình bát giác, hình bầu dục … hoặc là theo một hình thù kì lạ như bàn chân người, móng chân ngựa. 

Tuy nhiên giếng được hình thành hình tròn vẫn là chủ yếu. Giếng cấu tạo hình tròn được ví như mặt trăng. Theo thuyết âm dương, vì giếng được đào sâu dưới lòng đất nên giếng là phần âm, mà biểu tượng mặt trăng cũng mang tính chất âm nên từ đó tạo hình giếng tròn thường được lựa chọn.

Những giá trị tinh thần và vật chất của của giếng làng mang lại có ý nghĩa to lớn cho sự phát triển của cộng đồng dân cư làng xã. Tuy nhiên những giá trị đó đang dần mất đi do sự chuyển biến mạnh mẽ của cuộc sống hiện đại.

Châu Doanh (Báo Pháp luật Việt Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem