Để Vườn Quốc gia Xuân Thủy (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) được công nhận là Vườn Di sản ASEAN, UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo Ban quản lý Vườn Quốc gia Xuân Thủy có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng hồ sơ bảo đảm đúng quy trình thủ tục và hướng dẫn của Bộ TN-MT.
Tỉnh Nam Định cũng giao Sở NN-PTNT, Sở TN-MT, các đơn vị liên quan hướng dẫn Vườn Quốc gia Xuân Thủy triển khai việc xây dựng hồ sơ đề cử theo đúng quy định.
Vườn Quốc gia Xuân Thủy (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) có tổng diện tích khoảng 15.000 ha; trong đó vùng lõi với 7.000 ha, vùng đệm khoảng 8.000 ha, nằm trên địa bàn 5 xã: Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân và Giao Hải (huyện Giao Thủy).
Tháng 1/1989, vùng bãi bồi ở cửa sông ven biển thuộc huyện Xuân Thuỷ chính thức công nhận gia nhập công ước Ramsar (Công ước bảo vệ những vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt như là nơi di trú của những loài chim nước).
Sau khi gia nhập công ước Ramsar, vùng đất ngập nước Xuân Thủy trở thành là điểm Ramsar thứ 50 của thế giới, đặc biệt là điểm Ramsar đầu tiên của Đông Nam Á và độc nhất của Việt Nam suốt 16 năm (tới năm 2005, Việt Nam có khu Ramsar thứ 2 là khu Bàu Sấu thuộc Vườn quốc Cát Tiên ở tỉnh Đồng Nai).
Năm 2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định chuyển khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Xuân Thuỷ thành Vườn quốc gia Xuân Thuỷ. Tháng 12/2004, UNESCO lại tiếp tục công nhận Khu dự trữ sinh quyển đồng bằng ven biển châu thổ sông Hồng, trong đó Vườn quốc Xuân Thuỷ là vùng lõi có tầm quan trọng đặc biệt của khu dự trữ sinh quyển thế giới này.
Trao đổi với Phóng viên Báo điện tử Dân Việt, lãnh đạo Vườn Quốc gia Xuân Thủy cho biết, đơn vị đã và đang phối hợp với các sở, ngành có liên quan xây dựng hồ sơ đề cử Vườn Quốc gia Xuân Thủy trở thành Vườn Di sản ASEAN. "Dự kiến thời gian hoàn thành hồ sơ mất khoảng vài tháng", vị này nói.
Chương trình Vườn Di sản ASEAN (ASEAN Heritage Park (viết tắt là AHP) là một sáng kiến của Bộ trưởng Môi trường các nước khu vực Đông Nam Á (ASEAN), thực hiện dựa trên Tuyên bố về các vườn di sản của Bộ trưởng các nước ASEAN từ năm 2003.
Đây là danh hiệu về bảo tồn của khu vực, được triển khai với mục đích bảo tồn toàn diện các hệ sinh thái quan trọng, mang tính độc đáo đặc biệt của khu vực ASEAN, có tầm quan trọng trong khu vực và quốc tế.
Các Vườn Di sản ASEAN góp phần quan trọng trong bảo tồn nguồn gene, bảo đảm sử dụng bền vững các hệ sinh thái; duy trì các khu vực tự nhiên có giá trị văn hóa, giáo dục, nâng cao nhận thức đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học của người dân các nước ASEAN, hướng tới phát triển bền vững.