Dân Việt

Đào khảo cổ một dấu tích thành cổ ở Bắc Ninh chủ yếu tìm thấy hiện vật gì?

Phương Anh 04/11/2023 05:14 GMT+7
Hiện vật thu được trong đợt khai quật khảo cổ thành cổ Luy Lâu (Thuận Thành) chủ yếu là vật liệu xây dựng gạch ngói có niên đại từ thế kỷ I đến thế kỷ XX, nằm trong các lớp đất đắp thành. Các hiện vật này sẽ được các nhà khoa học chỉnh lý, lập hồ sơ khoa học và bàn giao cho Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh...

Lần đầu tiên trong lòng tường thành Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) tìm thấy một, hai kiến trúc có hình dạng độc đáo, quy mô lớn, được xây dựng trước khi tiến hành đắp tường thành. Kết quả nghiên cứu hợp tác trong 10 năm qua về thành cổ Luy Lâu đã đóng góp nhiều nhận thức mới về di tích này.


Tuy nhiên, theo các chuyên gia Việt- Nhật, bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ để có cái nhìn rõ ràng hơn về diện mạo của toà thành cổ này, còn nhiều vấn đề đặt ra phía trước cần tiếp tục tìm hiểu.

Làm rõ những khoảng trống lịch sử

“Có những khoảng trống lịch sử vốn là ẩn số đối với giới khoa học, trong đó những nghiên cứu từ kết quả khai quật khảo cổ học ở di tích thành cổ Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) đang được các nhà khoa học Việt Nam - Nhật Bản nỗ lực thực hiện với mong muốn tìm hiểu, làm sáng tỏ những tồn tại qua nhiều giai đoạn, với những ẩn số không chỉ của Việt Nam mà của cả khu vực Đông Á…”, GS Hoàng Hiểu Phấn, Trường Đại học Đông Á (Nhật Bản) chia sẻ.

GS Hoàng Hiểu Phấn cho biết, từ năm 2012, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam và Đại học Đông Á (Nhật Bản) đã ký kết chương trình hợp tác, thực hiện các hoạt động khảo sát, nghiên cứu, khai quật khu di tích thành cổ Luy Lâu tại xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành... 

“Các đợt khai quật khảo cổ học dù đã phát lộ nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn đang mở ra những khoảng trống cần tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu với quy mô rộng lớn hơn, bài bản hơn. Để di tích thành cổ Luy Lâu trở thành di sản thế giới, chắc chắn sẽ cần có nhiều tư liệu dày dặn, bài bản, vì thế chúng tôi sẽ còn tiếp tục nghiên cứu sâu hơn nữa…”, GS Hoàng Hiểu Phấn cho biết. 

TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, đơn vị cùng phối hợp với Đại học Đông Á Nhật Bản cho biết thêm, các hoạt động khảo sát, nghiên cứu, khai quật khu di tích thành cổ Luy Lâu được tiến hành nhằm tìm hiểu về quy mô, cấu trúc, niên đại và vị thế, vai trò của di tích Luy Lâu, một trung tâm kinh tế chính trị, văn hóa trong giai đoạn lịch sử 10 thế kỷ đầu Công nguyên ở Việt Nam và khu vực Đông Á.

Đào khảo cổ một dấu tích thành cổ ở Bắc Ninh chủ yếu tìm thấy hiện vật gì? - Ảnh 2.

 Hiện trường khai quật khảo cổ học di tích thành cổ Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) lần thứ 7, 2022 với sự xuất lộ một số dấu tích kiến trúc độc đáo Ảnh: BTLSQG CUNG CẤP

 Theo Bảo tàng Lịch sử quốc gia, giai đoạn từ 2013-2018, đã tiến hành 4 đợt khai quật trong khu vực thành Nội, kết quả đã bước đầu phác dựng được quy mô thành Nội, xác định được dấu tích tường thành Nội ở phía đông, cùng với đó là các dấu tích kiến trúc, cư trú, xưởng đúc đồ đồng với hơn 1000 mảnh khuôn đúc trống và một số loại đồ đồng khác đã được tìm thấy. 

Từ năm 2019 đến nay, các cuộc khai quật tiếp tục được thực hiện với mục đích tìm hiểu sự biến đổi về quy mô, kết cấu và niên đại các giai đoạn đắp tường thành Ngoại và các vấn đề liên quan khác. Đợt khai quật di tích lần thứ 7 vừa được tiến hành trong thời gian từ 15.11 đến 15.12.2022 tại tường thành Ngoại phía Tây. 

Vị trí chọn mở hố khai quật nằm cách con đường liên thôn khoảng 10m về phía Bắc, cách góc Tây Nam của thành khoảng 80m về phía Bắc. 

Theo Bảo tàng Lịch sử quốc gia, vị trí khai quật là nơi rộng nhất của đoạn tường thành phía Tây, chiều ngang khoảng 23m, cao hơn xung quanh khoảng 1,2m; dốc từ Đông sang Tây, trên trồng nhiều cây bạch đàn. 

Phía trong là bề mặt nội thành là ruộng trồng hoa màu và lúa, phía ngoài trước đây là một dãy ruộng nằm sát chân thành. Thửa ruộng nằm sát với vị trí khai quật đã được cải tạo thành ao thả cá.

GS Hoàng Hiểu Phấn chia sẻ, qua mỗi đợt khai quật, những điểm vốn mơ hồ trước đây ở vùng đất này đã dần được xác định rõ ràng hơn. 

“Chúng tôi dựa trên những kết quả nghiên cứu điều tra khai quật khảo cổ học cùng với những so sánh, đối chiếu với ghi chép trong sử liệu để khẳng định khu vực này được xây dựng từ thời Hán và phát triển diễn biến theo nhiều giai đoạn cho đến tận thời Tùy - Đường, tức là có 900 năm phát triển rất phồn hoa…”, GS Hoàng Hiểu Phấn cho biết. 

“Các nhà nghiên cứu Nhật Bản, Trung Quốc hay Việt Nam đều đã thốt lên rằng thật ngạc nhiên khi ở trung tâm này lại có một di chỉ đẹp đến thế. Nếu nghiên cứu toàn bộ trung tâm thì sẽ cho thấy ý nghĩa, giá trị lịch sử văn hóa của di tích này tuyệt vời đến mức nào…”, GS Hoàng Hiểu Phấn nói. 

Bà cho rằng, mong muốn giữ gìn, phát huy di tích thành cổ Luy Lâu với mục đích phát triển du lịch là đúng nhưng chưa đủ, bởi giá trị và ý nghĩa lịch sử quá tuyệt vời của khu di tích đặt ra yêu cầu phải phát huy những giá trị đó ở tầm mức cao hơn nữa.

Còn nhiều vấn đề đặt ra phía trước

Theo kết quả đánh giá sơ bộ của các chuyên gia Việt Nam, Nhật Bản, qua đối sánh tư liệu của các đợt nghiên cứu, khai quật từ các năm 1969-1970, 1986, 2001 cho đến những năm gần đây của Viện Khảo cổ, Trường Đại học KHXH & NV, các kết quả nghiên cứu, khai quật nghiên cứu trong nội thành, tường thành Ngoại của các chuyên gia Bảo tàng lịch sử quốc gia và Đại học Đông Á trong suốt 10 năm qua đã góp phần làm sáng rõ những tồn nghi về quá trình khởi dựng, những biến đổi về quy mô của tòa thành cổ này. 

“Ở giai đoạn Lý Trần, có các dấu vết của việc sử dụng tòa thành, đắp cao thêm, tuy nhiên trải qua thời gian tồn tại, do tác động của các hoạt động canh tác, nhất là trong mấy chục năm trở lại đây, đã san bạt khá nhiều bề mặt tường thành, do đó dấu vết các lớp đắp này khá mờ nhạt”, đánh giá sơ bộ cho biết.

TS Nguyễn Văn Đoàn nêu, đợt khai quật thu được nhiều kết quả rất tuyệt vời. 

Lần đầu tiên trong lòng tường thành Luy Lâu tìm thấy một, hai kiến trúc có hình dạng độc đáo, quy mô lớn, được xây dựng trước khi tiến hành đắp tường thành. “Chính vì vậy chúng tôi kiến nghị cần có phương án bảo quản và có kế hoạch khai quật mở rộng để làm rõ quy mô và chức năng của kiến trúc”. Bên cạnh đó, hiện vật thu được trong đợt khai quật này chủ yếu là vật liệu xây dựng gạch ngói có niên đại trải dài từ thế kỷ I đến thế kỷ XX, nằm trong các lớp đất đắp thành. 

Các hiện vật này sẽ được các nhà khoa học chỉnh lý, lập hồ sơ khoa học và bàn giao cho Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh lưu giữ và phát huy. 

“Kết quả nghiên cứu hợp tác trong 10 năm qua về thành cổ Luy Lâu đã đóng góp nhiều nhận thức mới về di tích thành cổ Luy Lâu. Tuy nhiên, bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ để có những cái nhìn rõ ràng hơn về diện mạo của tòa thành cổ này, còn nhiều vấn đề đặt ra phía trước cần tiếp tục tìm hiểu”, ông Nguyễn Văn Đoàn nhấn mạnh.

Cụ thể, theo Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, với ý nghĩa lớn, trầm tích văn hóa hàng ngàn năm, rất nhiều lớp khác nhau, quy mô lớn nhưng hiện nay di tích Luy Lâu đang chịu nhiều tác động từ đời sống dân cư khu vực xung quanh. Kết quả khai quật đã phát lộ nhiều thông điệp lịch sử đáng tự hào, tuy nhiên quy mô khai quật hạn chế qua mỗi năm dẫn đến những kết quả thu được còn khiêm tốn so với mong muốn, kỳ vọng.