Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Nguyễn Khắc Tuy thi đỗ tiến sĩ khoa đời Mạc Phúc Nguyên và làm quan đến chức Thượng thư, tước Tùng Nham hầu.
Tương truyền khi còn là học trò, ông có đến chùa Yên Tử (nay thuộc Quảng Ninh) chơi và cầu mộng. Lần ấy, thần báo mộng rằng: Đến 60 tuổi mới đỗ đạt! Nguyễn Khắc Tuy thức dậy, tức mình liền đọc một bài thơ bác lại lời thần rằng: Sách thuộc, văn hay, sự chẳng ngờ. Trong ba mươi tuổi đỗ thì vừa nhưng thần nhân sao nói sai lầm vậy! Đến sáu mươi thời đã Thượng thư.
Và trong sách “Tục biên Công dư tiệp ký” có đoạn viết: Khoa ấy quả nhiên ông đỗ tiến sĩ mà tuổi chưa đến 30. Khi ông 60 tuổi đã làm đến chức Thượng thư. Thế mới hay trong chiêm bao có khi nói ngược lại.
Và thực tế đã xảy ra, vì trong bài “Thần lý vốn thật vi diệu”, Trần Vĩnh Tuy, người làng An Dật, xã Thái Tân, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương (nay là thôn An Dật, xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) có viết: Tiến sĩ khoa này quyết lấy tươi. Quả đúng vào năm 1553, ông ứng thí, khi sắp thi hội, một đêm nằm ngủ thấy thần báo mộng rằng năm 30 tuổi sẽ đỗ tiến sĩ.
Khi thức dậy, ông mới làm ngay một bài thơ: Tiến sĩ khoa này quyết lấy tươi! Cớ chi còn đợi đến ba mươi? Thần nhân nói thế là sao vậy? Nên ở người ta, há ở trời! Quả nhiên, khoa ấy Trần Vĩnh Tuy đỗ và không chỉ đỗ tiến sĩ mà là đỗ thám hoa, năm đó ông mới 21 tuổi. Sau này làm quan trải các chức Thừa chánh sứ đạo An Bang, Hữu Thị lang bộ Lễ.
Hay như việc phản ứng lại lời thần trong giấc mộng của Nguyễn Đăng Đạo, sau đổi tên là Nguyễn Đăng Liên, người xã Hoài Bão, huyện Tiên Du, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (nay thuộc xã Liên Bão, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh).
Ông thi đỗ trạng nguyên đời Lê Hy Tông, làm quan trải các chức như Đô Ngự sử, Nhập thị Kinh diên, tước Thọ Lâm tử, sau thăng Thượng thư bộ Binh, Tham tụng kiêm Đông các Đại học sĩ, tước bá.
Ông còn được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc) thương lượng về việc đòi lại 3 động là Ngưu Dương, Hồ Điệp, Phổ Viên thuộc huyện Vị Xuyên, xứ Tuyên Quang. Sau khi mất, ông được thăng Thượng thư bộ Lại, tước Thọ Quận công.
Giai thoại kể rằng: Khi về kinh ứng thí, thấy các sĩ tử thường rủ nhau đến đền Ngọc Sơn hoặc đền Trấn Vũ để nghe thần báo mộng về kết quả kỳ thi, Nguyễn Đăng Đạo cũng vui chân theo bạn đến đền Trấn Vũ.
Đêm đó ông nằm mơ thấy thần bảo rằng khoa này ông không đỗ, sáng dậy nghĩ sức học của mình thế này mà không đỗ bèn bực mình lấy bút viết lên tường đền 2 câu thơ: Thần nhân bất thức nhân gian sự, ngã thị tứ khoa tất trạng nguyên. Nghĩa là: Thần đâu hiểu việc nhân gian, bốn kỳ ta ắt đỗ bảng vàng trạng nguyên.
Quả nhiên, Nguyễn Đăng Đạo đỗ đầu thi hội, khi vào thi đình ông đỗ trạng nguyên.
Còn trong mộng thì đỗ trạng nhưng chỉ thành bảng nhãn là Nhữ Trọng Thai, có tên khác là Nhữ Trọng Đài, người làng Hoạch Trạch, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay thuộc Bình Giang, Hải Dương).
Ông thi đỗ Đình nguyên đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhị danh (bảng nhãn) khoa thi đời Lê Thuần Tông. Về sau, ông làm quan đến chức Hiến sát sứ. Chuyện kể rằng khi chưa đỗ đạt, đến kỳ triều đình mở đại khoa, sĩ tử khắp nơi về kinh ứng thí, trong đó có Nhữ Trọng Thai. Bấy giờ theo lệ, họ đến Trấn Vũ quán ngủ để xin thần linh báo mộng chuyện thi cử.
Lần đó Nhữ Trọng Thai và rất nhiều người đều mơ thấy thần nói rằng khoa thi này chỉ lấy đỗ một người ở bậc tam khôi tên là Thái Công. Ai cũng lấy làm lạ vì các sĩ tử dự thi khoa đó không có người nào tên như vậy, cứ thế mọi người bàn tán mãi không dứt.
Khi ấy, Nhữ Trọng Thai ngồi suy nghĩ một lúc rồi bỗng nói lớn: Thái Công chính là tôi chứ còn ai nữa! Mọi người không rõ ý ông nói gì, thấy vậy Nhữ Trọng Thai giải thích: Tôi là cống sĩ, tên là Thai, nếu nói lái thì cống Thai chính là Thái Công, đúng không nào? Quả nhiên năm đó, khoa thi Quý Sửu (1733) ở bậc tam khôi chỉ lấy đỗ một người, đó là Nhữ Trọng Thai.
Ngày nay, ai cũng biết rằng mơ là một hiện tượng tâm lý vô thức xảy ra trong lúc ngủ, bao gồm những hình ảnh lộn xộn, đôi khi mạch lạc và có khi nó diễn ra như một câu chuyện.
Và tất cả mọi người đều nằm mơ khi ngủ. Nhưng giấc mơ và thực hiện ước mơ là 2 việc hoàn toàn khác nhau. Điều quan trọng hơn cả là phải biết ước mơ và nỗ lực phấn đấu, để vươn lên, tự mình đạt được mơ ước đó.
Ví như, chúng ta mơ ước về một tương lai huy hoàng rực rỡ của đất nước, nhưng đó không chỉ là những ước mơ suông, mà phải là mục tiêu hướng đến để thực hiện bằng những nỗ lực trong việc đóng góp và xây dựng cộng đồng từ thôn ấp, làng xã cho đến tỉnh thành...
Còn nếu ai đó cứ mơ để rồi lại thực hiện những giấc mơ của mình bằng mồ hôi và công sức của người khác, thì chẳng có gì đáng tự hào.
Điều đó cũng giống như nhiều bạn trẻ ngày nay mơ ước được đi du học, nhưng nếu tự thân người đó thi và đạt được học bổng toàn phần, thì việc du học của bạn mới đáng nói đến.
Còn đi du học kiểu tự túc bằng tiền của cha mẹ thì chẳng có gì để mà nói. Và với những nhân vật trong bài viết này cho thấy, không phải đến ngày nay, mà từ ngàn xưa, các bậc tiền nhân ta đã khẳng định được năng lực của bản thân chứ không tin vào những lời của thần linh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.