Dân Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP HCM) bảo "cây này chỉ Cần Giờ và Nhà Bè mới có". Tôi không tin, vì chẳng có cây đặc hữu nào chỉ trong một vùng nhỏ.
Lên Google tìm kiếm mãi mới hay cây bui là cây hải cúc (cúc biển), cúc mặt trời. Hỏi nguồn gốc từ "bui", có người bảo do đọc chệch từ "bụi", cây mọc hoang. Người khác nói "do biến âm vì lá cây có vị bùi?".
Lá bui xào hàu ở Vàm Sát
Đây là loài thực vật thân bụi, cao trên dưới 1 m, mọc hoang và rất khỏe ở bìa rừng ven biển và kênh rạch nước lợ. Lá hình trứng mọc đối, bìa lá có răng cưa, mũi lá nhọn dài; hoa mọc thành chùm màu vàng rực.
Quả hình giọt nước ngược đính trên đế, phát tán nhờ gió và động vật. Mới nhìn lá bui, tưởng lá cỏ hôi nhưng không phải.
Cây bui lá cứng hơn, có vị the, là dược liệu chữa mề đay, thông tiểu, trị tiểu ra máu (vắt nước uống); trị vết thương, côn trùng đốt, giang mai, sỏi thận (sắc rễ uống)...
Trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, bui là loại rau phổ biến của dân nghèo, chủ yếu là luộc, ăn kèm mắm; nấu canh hoặc xào chay.
Với bộ đội đặc công Rừng Sác, bui là nguồn rau xanh chủ lực. Canh bui là món ăn hoạt huyết, bổ máu, hạ đau dạ dày.
Khi kinh tế và du lịch phát triển, nhiều món nghèo dân dã thành sang chảnh. Vàm Sát có nhiều món ngon từ bui nhưng chưa biết quảng bá.
Rất tiếc cho ẩm thực TP HCM, khi chưa có các món ngon "bẻ rổ" từ bui trong thực đơn. Cần kíp phải bổ sung và không ngừng sáng tạo thêm nhiều món mới.
Lá bui non ăn như rau sống rất lạ miệng. Ăn chung các loại rau khác càng ngon.
Lá bui luộc chấm mắm tép, mắm còng. Xào với tỏi (chay) và các loại thịt, cá, ếch nhái, tôm tép, cua còng, hàu, nghêu, sò… ngon điếc mũi.
Lá bui nấu canh và lẩu ngọt hay chua đều không đụng hàng. Lá bui thái nhỏ, được dùng thay tía tô, chiên với trứng.
Lá bui nấu hoặc xào mì gói, ngon bất ngờ. Lá, hoa, rễ bui phơi khô, hãm uống thay trà - dược liệu thanh nhiệt.
Du lịch Cần Giờ và Nhà Bè thiếu rau bui, khác nào thức ăn thiếu gia vị.