Tối 4/11, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết: Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam bị can Trần Quốc Hùng (SN 1976, Phó trưởng Phòng Cấp phép và Quan hệ công chúng, Cục Điều tiết Điện lực Bộ Công Thương) về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Bị khởi tố cùng ông Hùng có 4 người khác, gồm: Trịnh Văn Đoàn (SN 1982, Chuyên viên Phòng Cấp phép và Quan hệ công chúng, Cục Điều tiết Điện lực Bộ Công Thương); Nguyễn Hữu Khải (SN 1977, Trưởng phòng Kinh doanh mua bán điện, Công ty Mua bán điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam); Đỗ Ngọc Tuyền (SN 1988, Chuyên viên Phòng Kinh doanh mua điện, Công ty Mua bán điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam) và Trương Hoàng Dũng (SN 1982, Chuyên viên Phòng Kỹ thuật và Công nghệ thông tin, Công ty Mua bán điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam).
Các bị can nêu trên được xác định có liên quan trong vụ án "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", xảy ra tại Bộ Công Thương và các tỉnh, thành. Sau khi Viện KSND Tối cao phê chuẩn, Bộ Công an đã thực hiện tống đạt các quyết định khởi tố, bắt tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở và làm việc của 5 bị can trên.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết: Theo quy định của pháp luật, tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ là một trong các tội danh thuộc nhóm tội phạm về chức vụ.
Chủ thể của tội danh này là chủ thể đặc biệt, đây là người có chức vụ quyền hạn nhưng đã vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân mà làm trái công vụ, gây ra thiệt hại cho nhà nước, hình phạt cao nhất của tội danh này tới 15 năm tù.
Tội danh này đòi hỏi động cơ phạm tội là bắt buộc. Bởi vậy cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ động cơ thực hiện hành vi phạm tội của các bị can là vì vụ lợi hay vì động cơ cá nhân.
Đồng thời làm rõ hành vi phạm tội (làm trái công vụ) là hành vi ra sao, thể hiện qua các tài liệu chứng cứ nào. Hành vi làm trái công bố này là nguyên dân dẫn đến hậu quả thiệt hại đã xảy ra cho nhà nước hoặc đối với các tổ chức, cá nhân. Thiệt hại có thể vật chất hoặc thiệt hại phi vật chất…
Vấn đề này cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ trong quá trình điều tra vụ án để làm căn cứ buộc tội đối với các bị can và làm sáng tỏ bản chất của vụ án.
Theo ông Cường, trường hợp xác định thiệt hại do hành vi làm trái công vụ gây ra từ 1 tỷ đồng trở lên, người phạm tội sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội danh này, mức hình phạt tới 15 năm tù.
Ngoài ra, vị chuyên gia nêu quan điểm, việc quản lý điện, điều hành giá điện liên quan đến an sinh xã hội, an ninh năng lượng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của nhiều người trong xã hội.
Bởi vậy, đòi hỏi ngành điện phải luôn nỗ lực cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, cán bộ ngành điện phải có trách nhiệm trong việc quản lý năng lượng đặc biệt của quốc gia.
Vụ án này mới chỉ khởi đầu giai đoạn điều tra, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ các bị can có phạm tội khác hay không và có người khác phạm tội hay không để giải quyết triệt để vụ án và sẽ có kết luận sau khi kết thúc giai đoạn điều tra vụ án hình sự.