Những cạm bẫy từ hội nhóm bùng nợ, làm liều trên mạng xã hội

Việt Sáng Chủ nhật, ngày 05/11/2023 08:31 AM (GMT+7)
2 năm gần đây, từ các hội nhóm trên mạng xã hội, nhiều đối tượng đã liên kết với nhau gây ra hàng loạt vụ cướp. Các chuyên gia khuyến cáo cần phải ngăn chặn sớm những nhóm có tính chất như bùng nợ, cướp ngân hàng, làm liều...
Bình luận 0

Từ hội nhóm trên mạng xã hội xuất hiện nhiều vụ cướp

Trong 2 năm gần đây, từ hội nhóm trên mạng xã hội xuất hiện nhiều vụ cướp với tính chất liều lĩnh, mạnh động. Dù chỉ quen qua mạng, nhưng các đối tượng đã táo tợn cướp ngân hàng, nhà dân.

Ngày 28/10, Công an TP.HCM đã tạm giữ Nguyễn Ngọc Mỹ (30 tuổi, quê Bình Dương), Lâm Phúc Lợi (23, quê Vĩnh Long), Nguyễn Thị Bích Tuyền (22 tuổi, quê Bến Tre) để điều tra về hành vi “Cướp tài sản”.

Đây là các nghi phạm gây ra vụ cướp hơn 3,8 tỷ đồng tại Phòng giao dịch Nhị Xuân, Ngân hàng thương mại Sài Gòn Thương Tín trên đường Nguyễn Văn Bứa, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.HCM. Đến nay, cơ quan điều tra đã thu hồi được 3,4 tỷ đồng, thu giữ nhiều tang vật liên quan.

Từ hội nhóm bùng nợ, làm liều trên mạng xã hội, xuất hiện hàng loạt vụ cướp - Ảnh 1.

Chi nhánh ngân hàng nơi xảy ra vụ cướp.

Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận do cùng rơi vào tình trạng nợ nần, không có khả năng chi trả, Nguyễn Ngọc Mỹ, Lâm Phúc Lợi và Nguyễn Thị Bích Tuyền đã tham gia các hội nhóm trên nền tảng mạng xã hội facebook để kết bạn, nhắn tin trao đổi với nhau dù chưa biết tên thật, thông tin về nhau.

Trước khi gây án tại Hóc Môn, nhóm này đã dự tính cướp một ngân hàng ở Bình Dương nhưng do thấy nhiều bảo vệ và không thuận lợi nên các đối tượng đã về Hóc Môn điều nghiên vị trí và theo dõi quy luật hoạt động ở chi nhánh Phòng giao dịch Nhị Xuân trước khi ra tay gây án.

Trước đó, trong năm 2022, không ít vụ cướp diễn ra bắt nguồn từ nhóm "hội những người vỡ nợ muốn làm liều".

Cụ thể, tháng 3/2022, Công an TP.Hà Nội bắt giữ 2 đối tượng gây ra vụ cướp ngân hàng trên địa bàn phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm).

Từ hội nhóm bùng nợ, làm liều trên mạng xã hội, xuất hiện hàng loạt vụ cướp - Ảnh 2.

Các đối tượng Nguyễn Thanh Tùng (trái) và Trần Văn Hiếu (phải) bị cơ quan chức năng bắt giữ.

Các đối tượng gồm Trần Văn Hiếu (SN 1991, ở phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm) và Nguyễn Thanh Tùng (SN 1981, ở phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội).

Hiếu và Tùng được xác định đã vào một chi nhánh ngân hàng ở phường Xuân Tảo để cướp tiền. Trong vụ cướp ngân hàng này, cơ quan điều tra xác định Nguyễn Văn Hiếu là đối tượng cầm đầu.

Bước đầu xác định, khoảng giữa tháng 2 vừa qua, Hiếu và Tùng quen biết nhau qua nhóm “hội những người vỡ nợ muốn làm liều” trên mạng xã hội Facebook.

Cả 2 đều không có nghề nghiệp, đều nợ tiền của nhiều người, vì thế các đối tượng có ý định cướp tài sản để trả nợ.

Từ hội nhóm bùng nợ, làm liều trên mạng xã hội, xuất hiện hàng loạt vụ cướp - Ảnh 3.

Các đối tượng quen nhau trên nhóm "hội những người vỡ nợ muốn làm liều" đã táo tợn trói, cướp điện thoại của nạn nhân ở chung cư HH gây bức xúc trong dư luận. Ảnh: Dân Việt

Công an TP.Hà Nội cũng từng bắt gọn nhóm trói chủ nhà, cướp điện thoại ở chung cư HH Linh Đàm (Hoàng Liệt, Hoàng Mai, TP Hà Nội).

Nhóm cướp này gồm: Nguyễn Tùng Lâm (SN 1987, quê Hưng Yên), Tô Văn Tình (SN 1993, quê Quảng Ninh) và Lê Duy Dự (SN 1994, quê Thanh Hoá), được hình thành qua kết bạn trên mạng xã hội Facebook.

Qua đấu tranh, nhóm cướp khai nhận, Tình, Lâm, Dự kết bạn với nhau thông qua nhóm "hội những người vỡ nợ muốn làm liều" trên mạng xã hội Facebook.

Nhanh chóng xử lý những ổ nhóm tội phạm từ mạng xã hội

Ở góc độ tội phạm học, Tiến sĩ, Chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu khẳng định, các đối tượng đã sử dụng mạng xã hội để liên kết với nhau nhằm mục tiêu đi cướp tài sản, chính vì vậy những nhóm này cần phải được ngăn chặn.

"Khi một đối tượng gây án sẽ đứng trước rất nhiều nỗi sợ, nhưng khi từ 2 đối tượng trở lên thì tên này có thể làm chỗ dựa tinh thần cho tên kia khi chúng tương tác với nhau qua mạng xã hội.

Với đối tượng đã tham gia, rủ nhau đi cướp qua mạng xã hội như thế này thì khi tập hợp một số lượng đủ lớn có thể trở thành một băng nhóm cướp chuyên nghiệp. Đây là một diễn đàn vô cùng nguy hiểm chúng ta cần phải khẩn trương triệt phá, đánh sập và làm rõ các thành viên", ông Hiếu nêu ý kiến.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Quách Thành Lực - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, việc lập ra hội nhóm như bùng nợ, vỡ nợ muốn làm liều từ đó có nhiều vụ cướp xảy ra là một điều đáng lên án.

"Nếu những người thành lập nhóm này chỉ với mục đích như một trò đùa, không nhận bất kỳ lợi ích vật chất nào từ các thành viên đã thực hiện hành vi phạm tội, thì không có cơ sở để xử phạt họ.

Trường hợp những người lập nên hội nhóm này với mục đích kết nối tội phạm, khuyến khích cổ xúy thực hiện các hành vi phạm tội như trộm cướp, thì trước hết có thể bị xử phạt hành chính từ 10-20 triệu đồng với hành vi cung cấp thông tin, kích động bạo lực trên mạng xã hội được quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bằng Nghị định 14/2022/NĐ-CP.

Theo tôi, cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, loại bỏ những nhóm như thế này để là trong lành môi trường mạng", ông Lực phân tích.

Ngay sau vụ cướp tại Bắc Từ Liêm vào năm 2022, nhóm "hội những người vỡ nợ muốn làm liều" được đổi tên thành "hội những người vỡ nợ muốn làm lều". Nội dung trong nhóm này được đăng tải liên quan đến việc rủ nhau đi cướp ngân hàng, cướp tiệm vàng hay chỉ cách cướp sao cho không bị bắt.

img

Những dòng trạng thái mang tính kích động được đăng tải trong nhóm "hội những người vỡ nợ muốn làm lều". Ảnh chụp màn hình năm 2022

Thời điểm đó, nhóm này có hàng chục nghìn thành viên với những bài đăng với nội dung tiêu cực. Nội dung liên quan tới các hành vi trái pháp luật như đi cướp, thực hiện các phi vụ nếu thiếu tiền, nhảy xe ở nhà trọ, mua tiền giả, bán dâm, đánh bạc…

Thế nhưng thời gian gần đây đã không còn tìm nhóm này trên mạng xã hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem