Chùa Tượng Sơn có diện tích 1.5 ha được xây dựng từ thời Hậu Lê, đời Lê Dụ Tông - thế kỷ XVIII, tại xóm Vĩnh Tuy, làng Yên Hồ, xã Tình Diệm (nay là thôn 1, xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh). Chùa nằm sát tả ngạn sông Ngàn Phố, phía sau chùa là dãy núi Voi trùng điệp nên được đặt tên là Tượng Sơn tự.
Theo các cụ cao niên trong làng, chùa Tượng Sơn (còn có tên gọi là chùa Hầm Hầm). Theo lý giải, phía Tây chùa có dòng suối bắt nguồn từ dãy Đại Huệ (tỉnh Nghệ An) ngày đêm nước chảy ầm ầm, do đó chùa người dân quen gọi chùa Ầm Ầm hoặc chùa Hầm Hầm.
Theo sử sách chép lại, chùa Tượng Sơn được xây dựng từ thời Hậu Lê - Thế kỷ XVIII, do bà Đặng Phùng Hầu (bà ngoại của danh y Lê Hữu Trác), vợ của Tạ hiểu điểm Tham đốc quận công Bùi Tướng Công nêu ý tưởng xây dựng.
Sau đó, con gái của bà là Bùi Thị Thưởng (mẹ danh y Lê Hữu Trác), vợ của Tiến sĩ Lê Hữu Mưu tiếp tục hoàn thành ý nguyện của mẹ và sáng lập chùa. Ngoài bà Bùi Thị Thưởng, 2 người con trai là Lê Hữu Tán (anh trai danh y Lê Hữu Trác) và Lê Hữu Trác cũng cùng mẹ bỏ nhiều tâm huyết, công sức để tạo nên.
Ban đầu, chùa Tượng Sơn được xây dựng lên với mục đích dưỡng tâm, thờ Phật và phụng thờ liệt tổ họ Bùi và họ Lê Hữu.
Nội dung ghi trong tấm bia "Đại Danh Y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-1791)", thuở nhỏ ông theo cha ăn học ở kinh thành Thăng Long, sớm nổi tiếng với tư chất thông minh, am tường cả Nho, Y, Lý, Số …
Đến năm 26 tuổi, Không màng danh lợi nơi chốn quan trường, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã về quê ngoại phụng dưỡng mẹ già rồi học nghề làm thuốc cứu nhân độ thế, giúp ích cho đời.
Hơn 40 năm náu thân ở chốn thâm sơn cùng cốc, ông miệt mài tìm kiếm, khảo cứu, ươm trồng các loài cây thuốc bản địa, làm thơ dạy học, viết sách chữa bệnh cứu người. Thiên nhiên, con người, trí tuệ và đức tính cần cù, dân dã … đã hun đúc ông thành một đại danh y, danh nhân văn hóa của đất nước. Ông đã để lại cho đời một tấm gương sáng về Y đức, Y lý, Y thuật và những trước tác vô song.
Chùa Tượng Sơn là nơi Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác phát triển cuộc đời và sự nghiệp của mình. Tại đây, đại danh y đã dành phần lớn thời gian mở phòng mạch chữa bệnh cho dân và hoàn thành các tác phẩm: Y tông tâm lĩnh (gồm 28 tập, 66 quyển), Y trung quan kiện (1780), Y hải cầu nguyên (1782), Thượng kinh ký sự (1783), Vận khí bí điển (1786) và các tác phẩm khác.
Văn bia Chùa Tượng Sơn ghi chép, ban đầu của chùa có kiến trúc theo hình chữ "Nhất" nay đã qua trùng tu nhiều lần. Năm Minh Mạng thứ 16 (1835), nhà sư Lê Hữu Ân pháp danh Thích Phổ Quang đã làm lại chùa Thượng, sửa chữa chùa Hạ, dựng gác chuông tám mái, đúc đại hồng chung có khắc chữ Tượng Sơn tự chung.
Năm Tự Đức thứ 23 (1880), Thiền sư Thích Quảng Vận đã sửa chữa bổ sung thượng điện, kiến thiết nhà Tổ, làm nhà khách, lát sân, xây bể, lập vườn cây ăn quả. Đầu thế kỷ 20, Thiền sư Thích Nhuận Du quy tập, xây cất vườn tháp mộ.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật “độc nhất vô nhị”, năm 1994, Bộ Văn hoá - Thông tin đã công nhận chùa Tượng Sơn là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Ước nguyện của những người thầy thuốc Việt Nam muốn xây dựng khu di tích quốc gia Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác thành một địa chỉ giáo dục truyền thống văn hóa, y đức cho mọi thế hệ. Ngày 31/10/2003, Bộ trưởng Bộ Y Tế đã ký quyết định phê duyệt dự án trùng tu, tôn tạo quần thể Di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và giao Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác làm chủ đầu tư đến năm 2013 hoàn thành.
Từ đó đến nay, hàng năm tại chùa Tượng Sơn ngoài những ngày lễ Phật Đản, Vu Lan còn có lễ hội như Lễ Thượng nguyên và Lễ cầu yên…
Quần thể gồm ba khu chính: Khu di tích số 1 khởi công xây dựng vào tháng 11/2004 tại xã Sơn Trung với 45 hạng mục, diện tích xây dựng 45.000 m2. Trong đó có mộ đá Hải Thượng, tượng đài Lê Hữu Trác cao 16,91m, nặng 350 tấn.
Khu di tích số 2 khởi công xây dựng vào ngày 20/6/2008 tại xã Sơn Quang với 18 hạng mục, diện tích xây dựng 12.970 m2. Trong đó có nhà thờ Hải Thượng Lãn Ông, nhà bia, nhà tiền tế, vườn đào … Cụm di tích hoàn thành vào ngày 01/11/2009. Tấm bia "Đại Danh Y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-1791)" ghi lại cuộc đời, thân thế và cống hiến của ông.
Khu di tích số 3 do Bộ trưởng Bộ Y Tế ký quyết định phê duyệt dự án tu bổ, tôn tạo chùa Tượng Sơn ngày 30/10/2009, với 22 hạng mục, diện tích xây dựng 13.575 m2. Trong đó có tòa thượng điện, nhà Tổ, tả vu, hữu vu, tam quan, tượng Phật Bà Quan Âm, bia dẫn tích … Công trình được bàn giao vào ngày 27/02/2013.
Hiện nay, chùa Tượng Sơn có chùa Thượng chính điện thờ Phật Thích Ca, bên tả thờ ông bà Tham đốc quân công (ông bà ngoại của danh y Lê Hữu Trác) và bà Bùi Thị Thưởng (thân mẫu của danh y); bên hữu thờ tổ tiên họ Lê Hữu.
Nhà Tổ thờ tượng Tổ Đạt Ma, lịch đại Tổ sư, có pho tượng lớn Bồ Tát Chuẩn đề 18 tay. Về phía góc trái vườn chùa có 7 am mộ của các nhà sư trụ trì viên tịch tại đây. Chùa Hạ là một lầu chuông 8 mái được chạm trổ tinh xảo theo hoa văn kiểu tứ linh, tầng trên để gác chuông, tầng dưới làm nơi lễ bái.
Để đáp ứng nhu cầu tâm linh và tín ngưỡng của người dân địa phương, GS.TS. Thiếu tướng Lê Năm, Giám đốc Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, chủ đầu tư công trình tôn tạo khu di tích Hải Thượng Lãn Ông và chùa Tượng Sơn đã cung thỉnh Thượng tọa Thích Nhật Từ về trụ trì chùa.
Điện Phật chùa được bài trí trang nghiêm, thờ tượng: đức Phật Thích Ca, đức Phật A Di Đà, đức Phật Dược Sư, Bồ tát Chuẩn Đề, Bồ tát Quán Thế Âm, Bồ tát Địa Tạng và bộ tượng Thất Phật Dược Sư. Trước Phật điện, có ban thờ đức Phật A Di Đà, Bồ tát Địa Tạng, Hộ Pháp và Tiêu Diện.
Chùa Tượng Sơn không chỉ có bề dày lịch sử, mà còn nổi tiếng với phong cảnh hữu tình, thu hút khách thập phương đến tham quan du lịch trong những ngày đầu xuân năm mới. Ngoài ra, chùa mang đậm nét kiến trúc và văn hóa của Phật giáo nên được nhiều phật tử hàng ngày đến dâng hương, cầu mong những điều may mắn.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Đức Thắng-Chủ tịch UBND xã Sơn Giang cho biết: "Hàng năm, chùa Tượng Sơn đón hàng ngàn lượt khách là nhân dân, Phật tử cả nước về chiêm bái, khấn nguyện, giúp người dân tạo dựng niềm tin thiện lành, mang tâm thế hạnh phúc.
Đặc biệt là những ngày đầu năm mới. Chùa là điểm tham quan văn hóa, giá trị lịch sử để thế hệ trẻ đến biết thêm về cội nguồn. Người dân địa phương xem chùa như "báu vật" cùng nhau bảo vệ, giữ gìn và phát huy các gia trị độc đáo".