CLIP: Mô hình nuôi bò 3B vỗ béo của gia đình anh Hoàng Văn Thực, thôn Khuôn Giỏ, xã Tân Hương, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Clip: Hà Thanh
Sinh ra và lớn lên trong gia đình đông anh chị em, hoàn cảnh khó khăn nên bản thân anh Hoàng Văn Thực (dân tộc Cao Lan, trú tại thôn Khuôn Giỏ, xã Tân Hương, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) sớm nhận thức được việc cần phải cố gắng vươn lên để thoát nghèo.
Sau khi lập gia đình, anh Thực cùng vợ bươn trải đủ nghề, tự tạo dựng vốn liếng cho bản thân mà không dựa dẫm vào bất cứ ai, trong đó có gần 20 năm gắn bó với nghề mộc, tuy nhiên cuộc sống của gia đình vẫn còn nhiều khó khăn.
Sau nhiều thời gian tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế, nhận thấy địa phương có tiềm năng về phát triển chăn nuôi, đặc biệt là trâu bò vì có thể tận dụng các phụ phẩm trong nông nghiệp nên anh đã chuyển sang chăn nuôi kết hợp với trồng rừng.
Năm 2020, anh Thực bắt tay vào đầu tư chuồng trại và chăn nuôi bò 3B vỗ béo với nguồn vốn ít ỏi có sẵn của hai vợ chồng và số tiền huy động thêm từ anh em, người thân trong gia đình để phát triển và mở rộng mô hình.
Hiện nay gia đình anh Thực đang nuôi 20 con bò 3B vỗ béo và 20 con lợn thịt. Ngoài ra gia đình đã trồng thêm 4ha keo đang chuẩn bị đến ngày thu hoạch và nuôi thêm giun trùn quế trên diện tích 100m2 để cung cấp phân bón cho bà con trong vùng.
Tổng diện tích đất của gia đình người đàn ông dân tộc Cao Lan này đến nay có khoảng 6ha, trong đó có 4ha là diện tích đất đồi rừng, còn lại 2ha là trang trại chăn nuôi và diện tích trồng cỏ.
Chia sẻ với PV Dân Việt, anh Thực cho biết, để bắt tay vào phát triển mô hình nuôi bò vỗ béo như hiện nay, anh đã đi tham quan học hỏi một số mô hình ở Vĩnh Phúc rồi mua con giống về nuôi.
Theo anh, về cơ bản nuôi bò 3B tương đối đơn giản, không mất nhiều thời gian, có thể tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp để làm nguồn thức ăn cho bò như rơm kết hợp trồng thêm cỏ voi.
Khi mới mua về, bò sẽ được chăm sóc theo chế độ thông thường, đến khi bò đạt trọng lượng từ 3,5 – 4 tạ sẽ bắt đầu chế độ vỗ béo. Thời điểm vỗ béo, trung bình mỗi ngày một con bò 3B ăn khoảng 15 – 20kg cỏ. Ngoài ra, để giúp tăng trọng lượng cho bò anh Thực còn cho bò ăn thêm bã bia và một lượng nhỏ cám công nghiệp.
"Với lượng thức ăn như vậy, mỗi ngày bò sẽ tăng trọng lượng từ 1 – 1,5kg/con. Vì nguồn thức ăn tương đối dễ kiếm nên chi phí thức ăn thấp hơn rất nhiều so với một số mô hình chăn nuôi khác. Chỉ có điều, nguồn vốn ban đầu tương đối lớn và đòi hỏi thời gian quay vòng hơi lâu", anh Thực bộc bạch.
Chia sẻ thêm, người đàn ông dân tộc Cao Lan cho biết, anh sẽ lựa chọn mua những con bò có trọng lượng nhỏ và chăm sóc trong thời gian từ 12 - 14 tháng mới có thể xuất bán. Còn nếu muốn rút ngắn thời gian chăn và vỗ béo xuống còn 5 – 6 tháng thì anh sẽ lựa chọn những con bò có trọng lượng lớn hơn (khoảng 3,5 – 4 tạ/con).
Hiệu quả kinh tế cao từ nuôi bò 3B
Hiện nay, nhân công chăm sóc chính cho đàn bò do anh Thực phụ trách, tuy nhiên vào thời điểm mùa vụ, gia đình anh sẽ thuê thêm lao động để chăm sóc cho bò.
Theo tính toán của anh Thực, với mỗi con bò khi xuất bán, gia đình anh thu lãi khoảng 13 – 14 triệu đồng/con, ước tính mỗi con bò sẽ lãi khoảng 1 triệu đồng/tháng. Với 20 con bò như hiện tại, trung bình mỗi năm gia đình anh thu lãi khoảng gần 300 triệu đồng.
Anh Thực hiện đang là Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi bò 3B của thôn Khuôn Giỏ với 3 thành viên tham gia chăn nuôi bò. Trong thời gian tới, anh dự định sẽ thành lập HTX để hướng dẫn kỹ thuật, giúp đỡ bà con phát triển mô hình chăn nuôi bò này.
Bà Vũ Thị Thu Hiền, Cán bộ địa chính – Kinh tế xã Tân Hương đánh giá: "Qua quá trình gia đình anh Thực triển khai mô hình nuôi bò vỗ béo từ năm 2020 tới nay, chúng tôi nhận thấy đây là một mô hình phát triển kinh tế tương đối điển hình và hiệu quả so với các mô hình kinh tế khác tại địa phương. So với việc chăn nuôi giống bò ta trên địa bàn thì nuôi bò 3B chi phí thức ăn ít, phát triển nhanh hơn mà giá trị lại cao hơn".
Theo bà Hiền, từ hiệu quả kinh tế của anh Thực, đến nay đã có nhiều hộ gia đình học tập và phát triển mô hình kinh tế này. Hiện tại đang có hai hộ gia đình xây dựng chuồng trại để phát triển mô hình này trong cuối năm 2023.
"Theo quan điểm chủ trương của xã, trong thời gian tới định hướng đến năm 2025 sẽ phát triển mở rộng kinh tế chăn nuôi theo tinh thần Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh Yên Bái về hỗ trợ các mô hình phát triển chăn nuôi trâu bò vỗ béo với số tiền 3 triệu đồng/con. Ngoài ra, địa phương cũng luôn đồng hành hỗ trợ về mặt khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi cho người dân kịp thời", bà Hiền thông tin.