Theo luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa - Đoàn LS TP Hà Nội: "Trong quy định của pháp luật không có khái niệm về vạch xương cá. Đây là cách người dân thường gọi Vạch 4.2: vạch kênh hóa dòng xe dạng chữ V được quy định tại Phụ lục G QCVN 41:2019/BGTVT.
Hình dạng của vạch được người dân hình tượng hoá như chiếc xương cá nhằm dễ nhận biết, dễ hình dung khi tham gia giao thông".
Theo luật sư, vạch kênh hóa dòng xe dạng chữ V được sử dụng để giới hạn các phần mặt đường không sử dụng cho xe chạy mà sử dụng để kênh hóa các dòng giao thông giao thông trên đường.
Khi vạch 4.2 được sử dụng, các phương tiện giao thông phải đi theo tuyến đường quy định, không được lấn vạch hoặc cắt qua vạch trừ những trường hợp khẩn cấp theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ.
Do đó, tương tự vạch kẻ liền, trên vạch xương cá (vạch 4.2), người tham gia giao thông không được phép dừng, đỗ xe hay đi đè lên vạch.
Theo luật sư, lỗi đè "vạch xương cá" sẽ bị phạt lỗi không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường.
Cụ thể mức phạt đối với phương tiện tham gia giao thông nếu như bị lỗi đè "vạch xương cá" theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP như sau:
Đối với xe gắn máy, lỗi không chấp hành vạch kẻ đường sẽ bị xử phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng (điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Đối với ô tô, lỗi tương tự sẽ phải chịu mức xử phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng (điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).