Sáng 8/11, tranh luận với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề đổi mới sách giáo khoa, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu quan điểm, xã hội hóa sách giáo khoa là chủ trương đúng đắn, với sự tham gia của các nhà khoa học.
Tuy nhiên thời gian qua, về vấn đề xã hội hoá sách giáo khoa có nhiều vấn đề đặt ra. "Xã hội hoá gì mà giá sách giáo khoa càng ngày càng tăng?", ông Hoà đặt câu hỏi.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, Nghị quyết 88 và Nghị quyết 122 của Quốc hội cũng không quy định Bộ Giáo dục và Đào tạo không được quyền sản xuất sách giáo khoa.
Đại biểu cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên biên soạn một bộ sách giáo khoa riêng để cùng cạnh tranh với các nhà xuất bản, các đơn vị sản xuất sách giáo khoa khác bởi "sách giáo khoa là mặt hàng định giá mà nhà nước không chủ động mà để các nhà xuất bản khác tự quy định giá thì làm sao định giá được".
Đại biểu nêu thực tế, trước mỗi năm học, học sinh và phụ huynh rất buồn và lo lắng bởi giá sách giáo khoa tăng giá.
"Mỗi năm đến hè thì học sinh lòng man mác buồn còn mỗi năm đến trường thì phụ huynh lòng man mác buồn. Phụ huynh buồn vì mua sách giáo khoa không có, giá tăng", đại biểu Phạm Văn Hoà nói và đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa để cùng cạnh tranh với các nhà xuất bản khác, khi nhà nước cần thiết định giá tiến tới nhà nước không thu phí sách giáo khoa mà trợ cấp hoàn toàn.
Trả lời đại biểu Phạm Văn Hoà, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, đại biểu nêu đúng, trong thực tế giá sách giáo khoa khi vào thị trường chưa rẻ như mong muốn, chưa rẻ như thời nhà nước trợ giá và bao cấp thì đó là thực tế. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định về mặt chuyên môn còn Bộ Tài chính duyệt giá trên cơ sở kê khai của các Nhà xuất bản.
Về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo có biên soạn một bộ sách giáo khoa của nhà nước hay không, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong phiên trao đổi về kinh tế-xã hội ông đã bày tỏ quan điểm, định hướng, thái độ đầy đủ nên xin phép không nhắc lại.
Trước đó, tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại Quốc hội ngày 31/10 và 1/11, nhiều đại biểu tranh luận việc có nên để Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa không.
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ thẩm định thì sẽ rất khó thể hiện hết chức trách của mình.
"Anh muốn phát triển nội dung nhưng người ta không làm, hay không làm được, thì sao? Anh chỉ kiểm định nội dung và không để lọt những vấn đề băn khoăn thôi, nhưng nếu người ta xây không được, làm không tới thì trách nhiệm của anh ở đâu?", ông Vinh đặt vấn đề.
Ông Vinh khẳng định Nhà nước rất khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa, còn trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong giáo dục là phát triển sách giáo khoa chứ không phải biên soạn.
"Nghị quyết 88 giao làm một bộ sách để thể hiện trách nhiệm của Nhà nước. Đâu phải Bộ Giáo dục và Đào tạo làm một bộ sách thì các bên khác không được làm", ông Vinh nhấn mạnh.
Trước ý kiến lo ngại là việc có một bộ sách của Nhà nước "sẽ quay trở lại độc quyền", ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh nguyên tắc nội dung bình đẳng, và "không cần thành tích có bao nhiêu người tham gia biên soạn, mà nội dung phải thật tốt".
Theo đó, nếu có một bộ mà đáp ứng được yêu cầu, chất lượng, dân thỏa mãn cũng được, mà nhiều bộ nhưng người dân chấp nhận mua, sử dụng, đáp ứng nhu cầu học tập phong phú, đa dạng cũng không sao.