Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương khẳng định: "Cuộc đời 72 năm của Văn Cao gắn bó trọn vẹn với thế kỷ 20 nhiều biến động. Trên hành trình cuộc đời ấy, dẫu không ít chông gai, sóng gió, ám ảnh: "Có tuổi thanh niên/ Như cây mùa xuân mới mọc/ Bị tước dần vỏ non"… Nhưng vượt lên tất cả, lối sống khiêm nhường, bình dị, nhẫn nhịn; tình yêu thương và trân trọng con người, cỏ cây, phố xá... đã giúp ông vượt lên nỗi đau, nỗi bất hạnh, luôn đồng hành cùng dân tộc, cùng nhân dân, sáng tạo nên những tác phẩm bất hủ".
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cũng cho biết: "Kết quả của Hội thảo sẽ là cơ sở khoa học để Ban Tổ chức xây dựng các luận cứ, các kiến nghị nhằm tư vấn, tham mưu giúp Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng, bổ sung, hoàn thiện quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách về văn hóa, văn nghệ, trong đó có chính sách ghi nhận, tôn vinh, đãi ngộ danh nhân văn hóa, văn nghệ; giữ gìn và phát huy giá trị của các tác phẩm văn học, nghệ thuật tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước".
Trong bài tham luận mang tên "Văn Cao - một chân dung lớn", GS Phong Lê nêu quan điểm: "Không chỉ ở thời điểm hôm nay, nhân kỷ niệm 100 năm năm sinh của ông, mà ngay từ 1945, Văn Cao đã là một tên tuổi nghệ sĩ lớn mà cả dân tộc Việt, nhân dân Việt, từ nhỏ đến lớn, từ trẻ đến già không ai không biết đến và chịu ơn. Theo di nguyện của Văn Cao, gia đình nhạc sĩ đã hiến tặng bản quyền Quốc ca cho Tổ quốc, một nghĩa cử vĩ đại mà mỗi công dân Việt như chúng ta cần biết điều này để thấy rằng, nếu thực hiện chế độ bản quyền thì chỉ riêng nhuận bút của Tiến quân ca đủ đưa Văn Cao lên hàng tỷ phú trong khi đời sống riêng của ông cho đến khi qua đời vẫn trong cảnh thanh bạch, khó khăn".
Bên cạnh việc khẳng định cố nhạc sĩ Văn Cao là một tác gia lớn trong thế giới tân nhạc với Buồn tàn thu, Thiên thai, Bến xuân, Thu cô liêu, Cung đàn xưa, Đàn chim Việt... GS Long Lê cũng nêu bật việc ông là một thi sĩ tên tuổi: "Nói Văn Cao còn là nói đến một nhà thơ lớn - mà tôi không phải phân vân khi chọn từ này, bởi ông là tác giả của không ít bài thơ làm "tổ" trong lòng bạn đọc nhiều thế hệ, ít ra là thế hệ tôi. Không nói đến chất thơ thấm đẫm trong nhiều nhạc phẩm thời Tân nhạc trước 1945, sau một số bài thơ rất được người đọc nhớ và thuộc trước 1945 như Quê lòng, Đêm mưa, Ai về Kinh Bắc, Một đêm đàn lạnh trên sông Huế..."
"Văn Cao còn một sự nghiệp rất đáng ghi nhận về hội họa, trong tư cách một họa sĩ, ngay từ trước 1945, với các bức tranh có tên Thái Hà ấp đêm mưa, Cuộc khiêu vũ của những người tự tử trong một Triển lãm nghệ thuật năm 1943. Tư chất họa sĩ tài hoa đã "cứu" Văn Cao trong suốt 30 năm hoạn nạn. Ông không thể hoặc không được phép làm nhạc, làm thơ, mà chỉ có thể được vẽ để kiếm sống bằng các tranh minh họa cho báo, sách và làm bìa cho sách; và tôi nhớ, vào những năm ấy, tác giả nào được Văn Cao vẽ bìa cũng đều rất vui sướng và hãnh diện, vì sự sáng tạo và nét tài hoa qua một chữ Văn trên một góc nhỏ của trang bìa" - GS Phong Lê nhận định.
Bàn về những cống hiến của cố nhạc sĩ Văn Cao trong sự nghiệp âm nhạc, ông Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam phát biểu: "Mỗi một ngày mới, trên đất mẹ Việt Nam thân yêu và nhiều nơi trên thế giới, giai điệu Tiến quân ca - quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - mà tác giả là nhạc sĩ Văn Cao lỗi lạc lại vang lên hùng tráng, tràn đầy niềm tự hào dân tộc, gợi nhắc lòng ta tưởng nhớ tới một nghệ sĩ tài hoa, một chiến sĩ cách mạng, một nhạc sĩ đầu đàn của nền âm nhạc chuyên nghiệp nước ta". Ông cũng bày tỏ mong muốn có một bản Tiến quân ca chuẩn mực về hợp xướng, âm thanh... để sử dụng trong các sự kiện cũng như trên những phương tiện thông tin đại chúng.
Trong khi đó, nhạc sĩ Văn Thao - con trai cố nhạc sĩ Văn Cao lại chọn chia sẻ về tình bạn giữa nhạc sĩ Văn Cao và nhạc sĩ Phạm Duy. Ông cho biết: "Những ngày ở Hà Nội, nhạc sĩ Phạm Duy thường đến thăm và trò chuyện với vợ chồng tôi ở căn buồng nhỏ tại 102 Lê Duẩn. Ông vui vẻ cho tôi biết nhiều sự kiện trong cuộc đời của ông và cha tôi. Ông không giấu tôi bất cứ chuyện gì kể cả những chuyện riêng tư của ông. Ông nói: "Tao luôn ganh đua với bố mày. Bố mày có Thiên Thai, tao cũng có Tiếng sáo Thiên Thai. Bố mày có Trương Chi, tao cũng có Khối tình Trương Chi. Bố mày có Trường ca Sông Lô, tao cũng có Tiếng hát Sông Lô. Bố mày giỏi quá. Tao không thể bằng được"...
Còn Văn Cao, đối với Phạm Duy ông đã từng khẳng định: "Muốn nói gì thì nói, Phạm Duy vẫn là một nhạc sĩ lớn. Nó là người có công trong việc sử dụng các chất liệu dân ca đưa vào những sáng tác của mình một cách sáng tạo, mở ra một con đường cho các nhạc sĩ sau này đi theo. Không thể phủ định nó trong lịch sử của nền âm nhạc Việt Nam".
Tọa đàm "Thế giới Nhạc, Thơ, Họa của Văn Cao" có sự tham dự của hơn 100 đại biểu, với 24 bản tham luận được gửi tới từ các nhà nghiên cứu thuộc cả ba khu vực Bắc, Trung, Nam. Sự kiện quy tụ đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo tỉnh Nam Định và Thành phố Hải Phòng; các thành viên Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; các văn nghệ sĩ tiêu biểu; đại diện gia đình cố nghệ sĩ Văn Cao....