Dân Việt

Tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt trên 42,6% nhưng còn nhiều bất cập trong quá trình phát triển

Thái Nguyễn 08/11/2023 19:20 GMT+7
Chiều ngày 8/11, Bộ Xây dựng tổ chức diễn đàn "Phát triển bền vững đô thị Việt Nam 2023”. Diễn đàn đã chỉ ra thành tựu trong quá trình đô thị hóa, cùng với đó hoàn thiện khung pháp lý, tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập cần giải quyết.

Tỷ lệ đô thị hóa cả nước đã đạt trên 42,6% 

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, ngày 24/11/2022 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững. Sau hơn 35 năm đổi mới, đô thị hoá và phát triển đô thị trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng ở mức cao, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước. Bước đầu đã hình thành cực tăng trưởng kinh tế và trung tâm đổi mới sáng tạo; khoa học, công nghệ; giáo dục, đào tạo tại các đô thị lớn, nhất là tại Thủ đô Hà Nội và TP.HCM.

Tính đến tháng 9/2023, toàn quốc có 902 đô thị, trong đó 2 đô thị loại đặc biệt, 22 loại I, 35 loại II, 46 loại III, 94 loại IV. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước ước đạt trên 42,6%. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đô thị cũng xuất hiện nhiều bất cập: Tỷ lệ đô thị hoá đạt được thấp hơn mục tiêu đề ra; Chất lượng đô thị hoá chưa cao, phát triển theo chiều rộng là chủ yếu, gây lãng phí về đất đai, mức độ tập trung kinh tế còn thấp. Kết cấu, chất lượng hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị; cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với dịch bệnh quy mô lớn.

Tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt trên 42,6% nhưng còn nhiều bất cập trong quá trình phát triển - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu khai mạc

Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây ra nhiều tác động tiêu cực. Khả năng tiếp cận dịch vụ công và phúc lợi xã hội của người nghèo và lao động di cư tại đô thị còn thấp, nhiều bất cập. Năng lực quản lý, quản trị đô thị còn yếu, chậm được đổi mới.

"Để có thể thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Nghị quyết 06-NQ/TW đặt ra, chúng ta cần liên tục tổng kết thực tiễn trên cơ sở bối cảnh địa phương, đặc biệt trong bối cảnh phát triển và thay đổi nhanh chóng bởi sự tác động của dòng chảy cuộc cách mạng khoa học công nghiệp 4.0, những vấn đề rủi ro, thiên tai không báo trước", , Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng đề nghị đề nghị một số định hướng hợp tác thúc đẩy phát triển đô thị Việt Nam. Trong đó, đối với chính quyền đô thị tại địa phương, cần hết sức quan tâm, phát huy tính chủ động, bố trí nguồn lực, vật lực và nhân lực cho sự nghiệp phát triển đô thị tại địa phương,... để đáp ứng với nhu cầu tăng trưởng và sự phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt trong bối cảnh triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị, các địa phương cần quyết liệt hơn, đảm bảo tiến độ của chương trình Nghị quyết.

Đối với cán bộ thực hiện công tác quản lý phát triển đô thị cần chủ động nâng cao trình độ chuyên môn, nâng cao năng lực hợp tác và phối hợp trong quá trình thực hiện các công tác quản lý phát triển đô thị, đặc biệt là các chương trình, đề án phát triển đô thị trọng điểm.

Đối với các tổ chức, cộng đồng dân cư cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm cộng đồng đối với sự phát triển đô thị. Chủ động có những đề xuất, tham vấn, đóng góp với các cơ quan có liên quan tại địa phương và Trung ương. 

Làm rõ 6 vấn đề để phát triển bền vững đô thị Việt Nam

Tại diễn đàn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho rằng để công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam, đáp ứng yêu cầu đặt ra của Bộ Chính trị và nhằm thực hiện mục tiêu trong Nghị quyết 06-NQ/TW cần làm rõ thêm một số vấn đề.

Thứ nhất, cần tiếp tục đổi mới tư duy thống nhất nhận thức về đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững theo tinh thần của Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị hơn nữa. Trong đó, nắm bắt được quy luật, nhận thức đúng và đầy đủ về đặc thù của đô thị để chủ động, sáng tạo các giải pháp phát triển của địa phương.

Tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt trên 42,6% nhưng còn nhiều bất cập trong quá trình phát triển - Ảnh 2.

Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển đưa ra giải pháp phát triển đô thị bền vững

Thứ hai, chọn khâu đột phá quan trọng nhất để xây dựng và phát triển đô thị bền vững là đổi mới toàn diện về phương pháp, quy trình, nội dung và sản phẩm quy hoạch đô thị. Trong đó, tiến hành phân định rõ các vùng trong nội dung quy hoạch đô thị và áp dụng các công cụ kiểm soát chặt chẽ quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị.

Thứ ba, đẩy nhanh hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hoá, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững; trong đó, trọng tâm là xây dựng Luật để quản lý phát triển đô thị bền vững và Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Thứ tư, để việc quản lý đô thị được thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn, cần thực hiện phân cấp và phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền các đô thị. Cần sớm có cơ chế và công cụ hoạt động nhằm tối ưu hóa hợp tác giữa các địa phương trong phát triển đô thị.

Thứ năm, về huy động các nguồn lực cho phát triển đô thị, cần quán triệt quan điểm phát huy và khai thác tốt các nguồn lực từ chính đô thị để nuôi dưỡng và phát triển đô thị, trong đó quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị.

Thứ sáu, thực hiện cấu trúc lại không gian phát triển kinh tế đô thị; nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng mật độ kinh tế và tính liên kết vùng, liên kết giữa các đô thị, liên kết giữa đô thị và nông thôn trong phát triển kinh tế đô thị;...

"Việc hoàn thiện chính sách thuế, phí liên quan đến bất động sản cũng cần được quan tâm nhằm khuyến khích sử dụng nhà, đất có hiệu quả; thực hiện phân quyền mạnh mẽ cho các chính quyền đô thị các khoản thu từ các loại thuế, phí; thí điểm, tiến tới mở rộng phân cấp cho các thành phố trực thuộc Trung ương và các đô thị khác đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện được quyết định một số khoản thu đặc thù gắn với yêu cầu tăng cường trách nhiệm cung cấp dịch vụ đô thị", Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh.