Tại Hội nghị "Liên kết sản xuất - kết nối tiêu thụ nông sản huyện Krông Năng năm 2023" diễn ra tại huyện Krông Năng (Đắk Lắk), ông Vũ Đình Khiêm - Điều phối Chương trình cảnh quan bền vững tại tỉnh Đắk Lắk của tổ chức IDH (một tổ chức phi Chính phủ), đã chia sẻ lý do chọn huyện Krông Năng để thực hiện chương trình trong suốt 5 năm qua.
Theo ông Khiêm, khi tổ chức khảo sát, làm việc với chính quyền các địa phương để chọn nơi hỗ trợ triển khai chương trình cảnh quan bền vững tại tỉnh Đắk Lắk, bên ông nhận thấy lãnh đạo huyện Krông Năng rất quyết liệt và ủng hộ. Đây là lý do chính để IDH quyết định chọn huyện Krông Năng làm địa phương đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk để hỗ trợ.
Bắt đầu từ năm 2018, IDH đã bền bỉ đồng hành cùng nông dân, doanh nghiệp, chính quyền thực hiện hóa mục tiêu xây dựng vùng cảnh quan bền vững.
Theo đó, IDH sẽ hỗ trợ nông dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản cà phê; đóng vai trò gốc rễ, mắc xích giữa nông dân và doanh nghiệp liên kết với nhau.
Đặc biệt, IDH "bắc cầu" để doanh nghiệp làm "bà đỡ" cho HTX phát triển. Nhờ sự hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương cùng sự tham gia tích cực của bà con nông dân, từ 3 xã thuộc huyện Krông Năng với diện trình vùng trồng ban đầu là 5.200 ha đã mở rộng ra toàn bộ các xã trên địa bàn huyện, và bây giờ đã triển khai thêm 2 huyện Cư M'gar và huyện Ea H'leo với trên 73.000 ha cà phê với 60.000 hộ dân được hưởng lợi.
Ông Huỳnh Ngọc Dương - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk cho biết, sau đại dịch Covid -19, hầu như sản xuất tiêu thụ bị trì trệ, kinh tế đi xuống. Nhất là thời điểm cuối năm 2022-2023 tình hình suy thoái, khủng hoảng kinh tế thế giới đã tác động không nhỏ đến Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng.
Do đó, việc huyện Krông Năng chủ động tổ chức chương trình, kết nối giao thương nhằm tránh đứt gãy chuỗi liên kết, để người mua, người bán gặp nhau là hết sức cần thiết.
"Huyện này cũng đã chủ động hội nhập quốc tế, cùng nhà đầu tư, các doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu lớn. Đây là điều khó khăn nhất nhưng huyện Krông Năng đã làm được. Bởi trong sản xuất nông nghiệp, rất khó là vùng nguyên liệu.
Do 15% đất sản xuất nông nghiệp thuộc sở hữu tập thể, còn lại 85% thuộc sở hữu của nông dân. Muốn liên kết thành chuỗi, đòi hỏi phải có đơn vị đủ tâm, tầm để tập hợp lại. Sau khi có vùng nguyên liệu, địa phương này triển khai phát triển theo hướng bền vững, bằng cách hỗ trợ kỹ thuật chăm bón, thu hái, bao tiêu sản phẩm, tạo nên vùng sản xuất đảm bảo cảnh quan môi trường.
Đây là những vấn đề cần thiết mà bất cứ doanh nghiệp, nhà rang xay nào cũng cần: Ổn định số lượng, chất lượng, giá cả. Những yếu tố quan trọng này đến nay trên địa bàn tỉnh chưa có huyện nào làm được như Krông Năng", ông Dương chia sẻ
Ông Vũ Văn Mỹ - Chủ tịch huyện Krông Năng cho hay, địa phương luôn đồng hành cùng nhà tài trợ, nhà đầu tư, doanh nghiệp, HTX, nông dân trong việc liên kết hình thành vùng nguyên liệu bền vững từ khâu trồng, chăm sóc, thu hái đến chế biến, thương mại sản phẩm.
Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên còn rất hạn chế và mới dừng lại ở khâu sản xuất và sơ chế thô, chưa có sự kết nối giữa sản xuất - chế biến - thị trường, chưa tạo được nhiều sản phẩm có khả năng tiếp cận trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Do vậy, thời gian tới, địa phương này tiếp tục đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, tạo cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư đến liên kết sản xuất - bao tiêu sản phẩm cho nông dân; Khuyến khích các công ty, doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến trên địa bàn, ưu tiên lắp đặt thiết bị công nghệ mới, tiên tiến, giảm phát thải khí nhà kính; Hỗ trợ các HTX nông nghiệp đăng ký hoàn thiện hồ sơ đánh giá sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản cho các HTX.
Krông Năng là huyện có tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp với tổng diện tích cây lâu năm 42.830 ha, ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng chính trong phát triển kinh tế xã hội của huyện, từ 51% - 53%. Đặc biệt là các cây trồng chủ lực, là thế mạnh của địa phương, như: Cà phê, Hồ tiêu, Mắc ca, Sầu riêng, Bơ, Vải thiều.