Ngày 10/11, hàng ngàn học sinh đã có mặt, tham gia chương trình "Ngày hội việc làm 2023" do Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM tổ chức. Đây là hoạt động thường niên do nhà trường phối hợp cùng các tổ chức, doanh nghiệp uy tín nhằm giới thiệu các cơ hội việc làm tới sinh viên.
Trong ngày hội việc làm này, 52 gian hàng đến từ 47 doanh nghiệp uy tín đã mang đến gần 4.000 vị trí tuyển dụng cho tất cả ngành nghề.
Tại ngày hội việc làm, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn nhân sự trình độ cao đẳng, đại học các lĩnh vực như: Chăn nuôi thú y, Thủy sản, Nông học, Cơ khí, Tiếng Anh, Kinh tế, Công nghệ thực phẩm, Quản lý đất đai và Bất động sản, Công nghệ thông tin, Lâm nghiệp...
Các công việc cụ thể được tuyển dụng có thể kể đến là: Bác sĩ thú y, kế toán, kỹ sư, nhân viên marketing, thông dịch viên, chuyên viên, tư vấn viên...
Theo ghi nhận, không chỉ sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, nhiều sinh viên các trường khác cũng có mặt để tìm kiếm cơ hội việc làm cũng như tìm hiểu nhu cầu, yêu cầu của các nhà tuyển dụng.
Trong ngày, sinh viên được gặp gỡ, tìm hiểu nhu cầu việc làm, các yêu cầu đặt ra đối với ứng viên; đồng thời nộp hồ sơ ứng tuyển và được trực tiếp phỏng vấn từ các gian hàng tuyển dụng.
Tại gian hàng của Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam, sinh viên xếp hàng đông nghẹt để tìm hiểu nhu cầu của công ty cũng như nghe tư vấn việc làm.
Trao đổi với Dân Việt, ThS. Nguyễn Phương Tài Lộc, Trưởng bộ phận nhân sự Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam cho biết, trong hôm nay, gian hàng của công ty sẽ tư vấn, nhận đơn ứng tuyển. Đồng thời, tổ chức phỏng vấn sơ loại các ứng viên. Các sinh viên vượt qua vòng sơ loại sẽ được công ty phỏng vấn trực tuyến vào đầu tuần sau. Sau vòng này, các em đạt yêu cầu sẽ được công ty nhận vào làm việc chính thức.
Trong ngày hội việc làm, C.P. Việt Nam đặt ra mục tiêu tuyển dụng 70-100 vị trí việc làm ở tất cả các ngành mà Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM đào tạo. Trong số này, khối ngành Chăn nuôi thú y và Nông học có chỉ tiêu tuyển dụng cao nhất, chiếm khoảng 50% tổng chỉ tiêu.
Theo đánh giá của ông Lộc, nhìn chung, sinh viên của trường có chất lượng đào tạo tốt, chuyên môn vững. Tuy nhiên, kỹ năng giao tiếp còn hạn chế, sinh viên còn rụt rè, thiếu tự tin. Ngoài ra, ông Lộc cho rằng, các em cũng cần cải thiện thêm về kỹ năng ngoại ngữ.
"Ngoài kiến thức chuyên môn tốt, chúng tôi đòi hỏi ứng viên phải có thái độ tốt. Sau khi được nhận vào làm việc, các em sẽ được công ty đào tạo thêm về quy trình sản xuất thực tế. Hiện tại, mức lương cho sinh viên ra vừa ra trường dao động từ 8-10 triệu/tháng và được tăng theo từng năm, mức tăng khoảng 10-30% đối với những bạn đạt KPI công việc.
C.P. Việt Nam có hệ thống chăn nuôi và nhà máy trải dài khắp Việt Nam, khi được nhận vào làm, các em sẽ được điều đến làm việc ở các chi nhánh còn thiếu như Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước...
Trong khuôn khổ ngày hội việc làm, talk show "Tự tin trước nhà tuyển dụng" với sự góp mặt của các chuyên gia là lãnh đạo của các doanh nghiệp cũng nhận được sự quan tâm lớn của sinh viên. Tại talk show này, các diễn giả đã đưa ra nhiều lời khuyên bổ ích cho sinh viên về nhu cầu thị trường; những kiến thức, kỹ năng mà sinh viên cần có khi đi phỏng vấn... Bên cạnh đó, sinh viên cũng đặt nhiều câu hỏi, thắc mắc để chuẩn bị tốt nhất trước khi ứng tuyển vào doanh nghiệp.
Nguyễn Kim Hải, sinh viên năm 4 ngành Quản lý đất đai và bất động sản chia sẻ, với môi trường sinh hoạt ở trường đại học, sinh viên đang chia thành 2 thái cực: Nhóm sinh viên hướng ngoại sẽ tham gia nhiều hoạt động, nhiều câu lạc bộ để rèn luyện các kỹ năng, tạo thái độ tốt... trong khi đó, các bạn sinh viên hướng nội chỉ tập trung vào học tập, nâng cao trình độ.
Hải đặt câu hỏi, doanh nghiệp sẽ ưu tiên thái độ hay trình độ của ứng viên?
Trước câu hỏi này, ông Nguyễn Hữu Thuận, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn bất động sản Thiên Khôi cho biết, phía doanh nghiệp sẽ chọn những người không chỉ có thái độ mà còn phải có trình độ, kết hợp cả hai yếu tố này để trở thành tiêu chí của nhà tuyển dụng.
Ông Thuận cũng cho biết, ví dụ có 10 ứng viên ứng tuyển, ngoài trình độ, doanh nghiệp sẽ lựa chọn những người có thái độ tốt nhất để lựa chọn.
Tuấn Kiệt, sinh viên năm 2 khoa Cơ khí công nghệ đặt câu hỏi, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) có làm giảm cơ hội việc làm của sinh viên hay không, sinh viên phải làm gì để đón đầu, tăng cơ hội việc làm?
Trước câu hỏi này, bà Ngô Thị Oanh Vũ, Trưởng đối tác nhân sự Công ty TNHH De Hues Việt Nam cho rằng, sinh viên cần hiểu rõ, công nghệ phát triển là thứ không thể thay đổi, không thể dừng lại. Việc AI và những công nghệ tích hợp bây giờ là điều hiển nhiên, là xu thế tất yếu và các công ty đều đang áp dụng.
Do đó, thay vì tìm kiếm những công việc sử dụng con người chứ không phải AI, bà Oanh cho rằng, sinh viên nên làm chủ nó, từ thời điểm bây giờ, sinh viên nên tìm hiểu AI vận hành như thế nào; làm sao để vận dụng AI hiệu quả vào doanh nghiệp...
"Rất nhiều doanh nghiệp cần những bạn trẻ có kiến thức, có cách kết nối, hiểu rõ nhu cầu của doanh nghiệp và biết tận dụng AI cho doanh nghiệp. Các em đừng lo lắng AI cướp mất công việc, thay vào đó, hãy nghĩ đến việc hiểu rõ AI, làm chủ nó và đem AI vào hỗ trợ doanh nghiệp - đó mới là cái các em cần chú ý", bà Oanh Vũ nói.
Ôn Minh Ngọc Hân, sinh viên năm cuối ngành Thú y Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cho biết, tham gia ngày hội việc làm, em có cơ hội tiếp cận với các doanh nghiệp đang tuyển dụng ngành nghề mình theo học; tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng cũng như những tiêu chí họ cần ở sinh viên... Đồng thời, dịp này, Hân cũng "rải" một số hồ sơ xin việc đến các doanh nghiệp đang cần nhân lực ở mảng chăn nuôi gà.
"Đây là chương trình rất ý nghĩa, chúng em tham gia được tư vấn, hướng dẫn cách làm hồ sơ xin việc ấn tượng, cách thể hiện bản thân, chiếm được cảm tình từ nhà tuyển dụng... để từ đó, tăng cơ hội xin vào những doanh nghiệp lớn làm việc. Em đã nộp hồ sơ và chờ phỏng vấn, hy vọng sẽ được nhận vào làm ngay khi chưa tốt nghiệp. Còn nếu không, đây cũng là cơ hội để em biết mình còn thiếu sót chỗ nào để hoàn thiện bản thân hơn", Ngọc Hân chia sẻ.