Ngày 20/6, nguồn tin từ Bộ GDĐT cho biết, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy đã ký văn bản về việc tạm dừng thực hiện quyền tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh của Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM.
Tạm dừng quyền tự chủ tuyển sinh trong 5 năm
Theo văn bản nêu trên, Bộ GDĐT yêu cầu Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày 30/3/2023 đến ngày 30/3/2028. Bộ GDĐT sẽ xác định và thông báo chỉ tiêu tuyển sinh cho cơ sở đào tạo theo quy định tại khoản 3 Điều 34 Luật GDĐH và khoản 5 Điều 4 Thông tư 03.
Cũng theo văn bản do Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy ký, việc tạm dừng thực hiện quyền tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh của Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM "căn cứ Quyết định số 110/QĐ-XPHC ngày 12/9/2022 và Quyết định số 160/QĐ-XPHC ngày 21/12/2022 của Bộ GDĐT xử phạt vi phạm hành chính đối với Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM đã có hành vi vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh, cụ thể là hành vi tuyển sinh vượt số lượng theo quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh".
Việc tạm dừng thực hiện quyền tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh của Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM còn dựa vào "quy định tại điểm c khoản 1 Điều 34 của Luật Giáo dục đại học (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2018) và khoản 5 Điều 4 Thông tư số 03/2022/TT-BGDĐT ngày 18/01/2022 của Bộ GDĐT ban hành quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non (Thông tư 03)".
Thông tin này lập tức nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, từ trước tới nay, các ngành nông - lâm - ngư nghiệp mà Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM đào tạo thường rất khó tuyển sinh. Số lượng thí sinh lựa chọn học về nông nghiệp cũng khan hiếm, do đó, nhà trường phải nỗ lực rất nhiều cả về cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo lẫn đầu ra cho sinh viên để tạo được thương hiệu, uy tín. Từ đó mới có thể tuyển đủ, thậm chí vượt chỉ tiêu.
Do đó, việc bị "tước" quyền tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh của Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM sẽ làm khó cho trường trong công tác tuyển sinh, đào tạo sinh viên khối ngành thiếu nhân lực này.
Trường ĐH Nông Lâm nói gì?
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, TS.Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cho biết, Nghị định số 04/2021/NĐ-CP và Nghị định 127/2021/NĐ-CP quy định rõ hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh... đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
TS.Trần Đình Lý rất ủng hộ những quy định này, bởi qua đó mới có thể phát triển và nâng tầm giáo dục đại học Việt Nam. Ông Lý cũng hoàn toàn ủng hộ việc xử lý, xử phạt nếu các cơ sở giáo dục vi phạm, cố ý vi phạm...
"Dù vậy, tại hội thảo góp ý cho dự thảo nghị định, nhiều đại biểu từ các cơ sở giáo dục, các sở GDĐT có ý kiến về những bất cập, lỗi thời mà chính người trong cuộc thực thi nhiệm vụ cũng thấy rất rõ, cần phải sửa đổi, thay thế. Khi chứng kiến các con số của kết quả thanh, kiểm tra các cơ sở giáo dục thời gian vừa qua, tôi thấy vấn đề tồn tại hiện nay là hành lang pháp lý còn xa rời thực tiễn, dẫn tới một số bất cập, khó thực hiện", TS. Trần Đình Lý nói.
Lý giải điều này, ông Lý cho biết, theo Thanh tra Bộ GDĐT, sau một năm áp dụng Nghị định 127, có gần 100 trên tổng số khoảng 300 trường ĐH và các trường CĐ sư phạm bị xử phạt. Như vậy, có đến 1/3 số trường bị xử phạt, do đó, cần xem xét lại các định mức, quy định, chính sách của nghị định.
Thứ hai, chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam phấn đấu đến 2030 đạt 260 sinh viên/1 vạn dân, con số này hiện đang thấp hơn nhiều quốc gia khác trong khu vực. Hiện tại, Việt Nam mới chỉ đạt 215 sinh viên/1 vạn dân.
"Thứ 3, Nghị định 127 quy định, cơ sở giáo dục tuyển sinh vượt 3% sẽ bị phạt, trong khi nhiều ý kiến cho rằng nếu tuyển quá 10% bị phạt thì hợp lý hơn. Việc cơ sở giáo dục bị phạt khi tuyển vượt quá 3% sẽ liên lụy đến nhiều vấn đề khác. Vấn đề đặt ra là, quy định như vậy có tâm phục khẩu phục hay không? Bởi chỉ một thời gian ngắn sau khi báo cáo số liệu, sinh viên thực học chỉ còn 1-2 % (so với số tuyển vượt); và khoảng 4-5 năm sau, tỷ lệ sinh viên ra trường chỉ còn khoảng 85- 90%. Chỉ tiêu đầu ra mới thực sự đáp ứng yêu cầu thị trường lao động", ông Lý nhận định.
Trên thực tế, số lượng sinh viên năm 2022 nhập học tại Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM vượt chỉ tiêu được xác định là 151 sinh viên (tương đương 3,4% tổng chỉ tiêu). Đến thời điểm 30/5/2023, tổng số sinh viên giảm xuống, số lượng vượt chỉ tiêu chỉ còn 85 sinh viên (tương đương 1,9% tổng chỉ tiêu ban đầu). Nguyên nhân do sinh viên nghỉ học theo nguyện vọng cá nhân và dự kiến buộc thôi học. Như vậy, theo TS. Lý, so với tổng chỉ tiêu xác định ban đầu, số lượng sinh viên tuyển vượt của Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM trong kỳ tuyển sinh năm 2022 là thấp, không đáng kể.
Thêm vào đó, ông Lý cho rằng, ngành giáo dục liệu có xúc phạm người học không nếu điều chuyển sinh viên sang trường khác vì tuyển vượt chỉ tiêu? Mặt khác, nếu chuyển sinh viên sang trường có điểm chuẩn cao hơn thì vi phạm quy chế; nếu chuyển đến nơi có điểm chuẩn bằng hoặc thấp hơn thì bản thân thí sinh khó chấp nhận. Nên chăng, cần có quy định chỉ tiêu bình quân cho các trường đại học theo quy mô đào tạo.
Theo ông Lý, đây chính là năng lực đào tạo thực sự của nhà trường chứ không phải là một sự "hên xui - may mắn". Khi hiệu trưởng, chủ tịch Hội đồng tuyển sinh quyết định mức điểm chuẩn phải phụ thuộc rất nhiều biến số, dự đoán số lượng trúng tuyển, số lượng nhập học, số lượng nghỉ học...
Đối với Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, ông Lý cho rằng, trường có điểm chuẩn tương đối cao, có ngành điểm chuẩn từ 26,5 đến 27,7 điểm. Vì vậy, trường đáp ứng được cả số lượng và chất lượng; đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực đang khan hiếm trầm trọng trong lĩnh vực đào tạo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.