Khi nhắc đến Hòa Thân, ai cũng biết đây là một một nhân vật khét tiếng với danh xưng "đệ nhất quan tham" trong lịch sử Trung Hoa. Có người ví von rằng lòng tham vô đáy của Hòa Thân tựa như đại dịch hoành hành khắp nơi khiến không ít quan lớn, quan bé đều bị "lây nhiễm". Sở dĩ Hòa Thân có thể vươn lên đỉnh cao của quyền lực rồi làm mưa làm gió như vậy là nhờ sự sủng ái đặc biệt của hoàng đế Càn Long. Tại sao Hòa Thân lại có được ân sủng này?
Hòa Thân tên đầy đủ là Nữu Hỗ Lộc Hòa Thân, sinh năm Càn Long thứ 15 (1750-1799). Xuất thân là một công tử Mãn Châu, gia thế tuy không hiển hách song cũng là gia tộc quân công.
Hòa Thân là người rất chịu khó học hành, tinh thông 4 loại văn tự là: Mãn, Hán, Mông Cổ, Tây Tạng. Càn Long bèn thăng Hòa Thân từ một thị vệ lên đến chức tổng quản trong cung. Về sau, các loại công việc soạn thảo, phiên dịch khiến cho cái thiên phú ngoại ngữ của Hòa Thân càng được phát huy cao độ. Nhờ vậy, ông ta được hoàng đế trọng dụng và khen ngợi hết lời.
Ngoài ra, Hòa Thân còn là người khéo léo, lời nói dễ nghe, rất hiểu ý Càn Long và đây cũng là những nguyên nhân quan trọng khiến cho Hòa Thân được Càn Long sủng ái.
Khi Càn Long còn sống, vì chiếm được lòng tin của hoàng đế, Hòa Thân mặc sức tham nhũng mà không ai dám phản kháng. Sử sách Trung Quốc còn ghi lại rằng vào cuối đời Càn Long, trong các cống phẩm và vật dụng các tỉnh cống nạp triều đình thì chỉ có 12% được đưa vào ngân khố, 88% còn lại "bị hút" về phủ Hòa Thân.
Tuy nhiên, ngày vui của Hòa Thân chẳng kéo dài được bao lâu. Sau khi Càn Long qua đời và Gia Khánh lên ngôi, tân đế đã lập một bản luận 20 đại tội của Hòa Thân. Sau khi bị hạch tội, Gia Khánh đã ra chỉ dụ kết án Hòa Thân xử lăng trì, tịch thu gia sản.
Hoàng đế Gia Khánh sau đó cho người lục soát và tịch thu toàn bộ đồ đạc trong phủ Hòa Thân. Tổng cộng gia sản của Hòa Thân ước tính vào khoảng 1.100 triệu lạng bạc, nhiều lời đồn cho rằng nó còn tương đương số tiền mà quốc khố Nhà Thanh phải mất 15 năm mới thu được. Ngoài bạc trắng, họ còn tìm được vô số ngọc ngà châu báu.
Sau khi tịch thu tài sản của Hòa Thân, Gia Khánh lại quyết định miễn cho Hòa Thân khỏi một cái chết đau đớn, thay vào đó bắt ông ta tự vẫn tại phủ ngày 22 tháng 2 năm 1799, tha cho gia đình Hòa Thân. Đây cũng là chuyện lạ với những tội danh tày đình như thế, nguyên do có thể gắn với những báu vật bí ẩn trong cung của Hòa Thân. Đó là một tấm bia có chữ Phúc và con tỳ hưu bằng ngọc phỉ thúy xanh.
Khi phá dỡ hai hòn giả sơn trong vườn của phủ Hòa Thân, người ta phát hiện bên dưới có một tấm bia đá khắc chữ Phúc do hoàng đế Khang Hi ngự bút. Vị hoàng đế này tuy là bậc thầy thư pháp nhưng rất ít khi ông rất hiếm khi đề chữ. Tấm bia chữ Phúc này là do Khang Hi viết để cầu an cho Hiếu Trang hoàng thái hậu khi bà mắc bệnh nặng.
Tấm bia đá chữ Phúc đã được xem như một món bảo vật của hoàng cung. Nó đã ở trong cung tới mấy chục năm nhưng sau đó đột nhiên biến mất không rõ tung tích. Mãi cho tới khi lục soát nhà của Hòa Thân, các vị quan lại mới tìm thấy tấm bia đá này.
Tuy nhiên, các quan viên không thể đem tấm bia đá chữ Phúc về cung. Bởi, Hòa Thân khi lén trộm bia đá này đã mời 1 cao nhân phong thủy về bài trí cho phủ đệ của mình.
Sau đó ông ta đã đặt tấm bia ngay trên 1 cái động nối liền với long mạch của nhà Thanh và phủ của mình. Nếu như đào tấm bia đá đó thì long mạch sẽ bị đứt đoạn. Vì thế, hoàng đế Gia Khánh đành để lại tấm bia đá để bảo toàn cho long mạch của nhà Thanh.
Bên cạnh tấm bia đá chữ Phúc, con tỳ hưu bằng ngọc phỉ thúy được tìm thấy trong phủ Hòa Thân được đánh giá là quý giá bậc nhất thế gian. Theo đánh giá của các chuyên gia, con tỳ hưu trấn yểm này được làm từ ngọc phỉ thúy với chất lượng thượng hạng. Ngay cả Càn Long và nhiều bậc quân vương khác cũng chỉ trưng bày những con tỳ hưu tạc bằng bạch ngọc. Bạch ngọc tuy cũng là ngọc quý nhưng không hiếm và đắt bằng ngọc phỉ thúy xanh mà Hòa Thân dùng để tạc tỳ hưu.