Mọi chuyện bắt đầu từ sau chuyến nam tuần, Càn Long đã gặp một thầy tướng số và người này đã đưa ra những lời tiên đoán về số phận của vị hoàng đế. Sau khi trở về Tử Cấm Thành, Càn Long ngoài mặt thì bình thản nhưng trong lòng lại không khỏi dậy sóng.
Trong một lần thiết triều, vua Càn Long đột nhiên nổi hứng viết thư pháp. Ngài đã viết một chữ "Thiện" trước mặt tất cả các văn võ bá quan. Càn Long vừa viết xong, ai nấy đều tấm tắc khen hoàng đế viết chữ "Thiện" mang hàm ý thiện ý vô cùng sâu sắc. Thế nhưng, ít ai thấy rằng, chỉ duy nhất có Hòa Thân là mặt mày tái mét. Vì sao ông ta lại có biểu hiện kỳ lạ như vậy?
Trước hết, hãy cùng nói về Hòa Thân. Hòa Thân (1750-1799) tự Trí Trai, hiệu Gia Nhạc Đường, là người tộc Nữu Hỗ Lộc thuộc Chính Hồng kỳ Mãn Châu. Xuất thân là một công tử Mãn Châu (Trung Quốc), gia thế nhà Hòa Thân tuy không hiển hách song cũng là gia tộc quân công. Hòa Thân được biết như một trọng thần dưới thời Càn Long và là một đại tham quan nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc.
Khi còn đi học, Hòa Thân đã bộc lộ sự vượt trội hơn hẳn so với các bạn học cùng xuất thân Bát kỳ khác. Năm lên 10 tuổi, ông đã bắt đầu học cách bắt chước kiểu chữ của Càn Long để sau này khi viết tấu chương có thể lấy được thiện cảm từ Hoàng đế.
Khi mới gia nhập triều đình, năm 22 tuổi, Hòa Thân giữ chức vị Tam đẳng Thị vệ. Tuy còn trẻ nhưng Hòa Thân đã sớm có năng lực làm việc cũng như các đóng góp cho triều đình. Nhờ học thuộc Luận Ngữ, Hòa Thân đã trở thành thị vệ duy nhất có thể đàm đạo cùng Càn Long. Tuy không tiến thân bằng gia thế hay từ công danh khoa bảng, nhờ trí thông minh và năng lực bản thân, biết được bốn thứ tiếng: Mãn, Hán, Mông, Tạng; Hòa Thân sau đó đã được thăng tiến dần lên các chức hàm quan trọng trong triều đình như: Đại học sĩ, Quân cơ đại thần, Cửu môn đề đốc.
Nỗi sợ của Hòa Thân
Sở dĩ Hòa Thân sợ hãi như vậy là bởi ông ta thực sự rất hiểu tâm ý của Càn Long. Bởi trong triều, Hòa Thân luôn là người hiểu được thánh ý của hoàng đế sớm hơn các vị quan khác. Hòa Thân hiểu rất rõ ẩn ý phía sau chữ "Thiện" của Càn Long thực sự là thiện vị có nghĩa là nhường ngôi.
Vua Càn Long vốn rất sùng bài ông nội của mình là Khang Hy. Vị hoàng đế này luôn coi Khang Hy là tấm gương của mình và ông còn thường xuyên học theo cách cai trị của ông nội. Thậm chí, Càn Long còn từng bày tỏ rằng mình sẽ không nằm giữa ngai vị lâu hơn ông nội. Quả thực, Khang Hy đã nắm quyền trong suốt 61 năm nên Càn Long đã nhường lại ngôi cho con trai mình khi đã ngồi trên ngai vàng được 60 năm. Việc Càn Long chủ động thoái vị cũng là thể hiện ý không muốn bất kính với ông của mình.
Thế nhưng, vì sao khi biết Càn Long tỏ ý nhường ngôi lại khiến Hòa Thân hoảng loạn như vậy? Như đã nêu ở trên, Hòa Thân nổi tiếng là một đại tham quan. Dưới thời Càn Long, Hòa Thân nắm được quyền to, các đại sự khác không thèm ngó ngàng, chỉ một mực vơ vét của cải. Ông ta không những nhận hối lộ mà còn công khai đòi tiền, không những tham ô ngấm ngầm mà còn tước đoạt trắng trợn. Các cống phẩm dâng lên hoàng đế đều phải qua tay Hòa Thân. Trước hết Hòa Thân chọn lấy những thứ cực kỳ quý hiếm, tinh xảo dành cho mình, còn thừa lại mới đưa vào cung. Hoàng đế Càn Long chẳng hỏi han gì, những người khác chẳng ai dám cáo nên lòng tham của Hòa Thân ngày càng lớn. Số của cải mà Hòa Thân đã tham ô, nhận hối lộ thì không có bất kỳ một vị quan tham nhũng nào trong lịch sử phong kiến Trung Quốc vượt qua được.
Không những thế, Hòa Thân còn thường xuyên chia bè kéo cánh, xúi giục hoàng đế làm chuyện không đúng, khiến mối quan hệ của nhà vua và các hoàng tử mâu thuẫn. Có thể nói, Hòa Thân đã gây ra không ít đại tội. Vì thế, dù là ai lên thay thế Càn Long thì ông ta chắc chắn sẽ phải đối mặt với "quả báo" của mình. Do đó, Hòa Thân mới tỏ ra hoảng sợ như vậy.
Sau này, khi Càn Long băng hà, chỗ dựa vững chắc của Hòa Thân đã sụp đổ, lúc này Gia Khánh cũng chẳng cần kiêng nể mà ra tay với Hòa Thân. Trong thời gian tổ chức tang lễ, Gia Khánh bất ngờ bãi miễn chức Quân cơ đại thần của Phúc Trường An và Hòa Thân, lệnh cho ngày đêm phải túc trực linh cữu Thái Thượng hoàng trong Đại nội không được phép ra ngoài, tạm thời giam lỏng trong cung, cách li không cho liên lạc với bên ngoài. Cùng với việc thông báo di chiếu của Thái Thượng hoàng, Gia Khánh tuyên bố miễn chức của Hòa Thân và Phúc Trường An, giao cho Hình bộ tống giam. sau khi thẩm vấn và kê biên tịch thu tài sản, Gia Khánh công bố 20 tội lớn của Hòa Thân, đồng thời thông báo việc này đến tất cả Tổng đốc và Tuần phủ các tỉnh để cùng bàn luận và định tội Hòa Thân. Trong chỉ dụ đều ghi rõ Hòa Thân phạm tội với tiên hoàng Càn Long cho nên trong thời gian đại tang có xử lý sủng thần của Tiên hoàng cũng hoàn toàn danh chính ngôn thuận.
Sau khi bị hạch tội, Gia Khánh đã ra chỉ dụ kết án Hòa Thân xử lăng trì, tịch thu gia sản. Tuy nhiên sau đó, Gia Khánh lại quyết định miễn cho Hòa Thân khỏi một cái chết đau đớn, thay vào đó bắt ông ta tự vẫn tại phủ ngày 22/2/1799, tha cho gia đình Hòa Thân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.