Trước khi chết, Hòa Thân đã đưa ra 1 dự ngôn chính xác đến kinh ngạc
Trước khi chết, Hòa Thân đã đưa ra 1 dự ngôn chính xác đến kinh ngạc
Hiểu Mai
Thứ tư, ngày 21/06/2023 18:35 PM (GMT+7)
Với nhiều khán giả Việt Nam, Hòa Thân là một cái tên quen thuộc. Nhiều người cho rằng ông chính là tham quan đệ nhất không chỉ của triều Thanh, mà còn trong cả lịch sử Trung Quốc. Xoay quanh nhân vật này quả thực có rất nhiều chuyện đáng kể.
Theo sử cũ ghi chép, Hòa Thân làm quan 30 năm, đến khi kiểm kê tài sản của ông ai nấy đều phải kinh ngạc. Tổng số tiền ông từng tham ô lên tới 1 tỷ lượng bạc, tương đương với tổng thu nhập tài chính trong 15 năm của triều Thanh.
Cuối cùng khi Càn Long vừa mới băng hà chưa đầy nửa tháng thì Hòa Thân bị hoàng đế Gia Khánh vừa kế vị ban cho cái chết, kết thúc một cuộc đời huyền thoại.
Nỗ lực phục vụ nhân dân, trừng trị tham ô
Hòa Thân thuộc dòng họ Nữu Hỗ Lộc, người Chính Hồng Kỳ tại Mãn Châu, sinh ra trong một gia đình hoạn quan có thế lực. Cha ông từng làm phó Đô thống tỉnh Phúc Kiến nhưng mẹ lại sớm qua đời. Gia cảnh Hòa Thân dần suy tàn. Cuộc sống của ông khi nhỏ khá vất vả, thậm chí thường ăn không no, hai anh em phải sống nhờ vào người khác.
Sau khi lớn lên Hòa Thân sở hữu một tướng mạo phi phàm, là một chàng trai anh tuấn nức tiếng xa gần. Hơn nữa ông còn tinh thông bốn thứ tiếng là: Mãn Thanh, Hán, Mông Cổ và Tây Tạng. Kể cả Tứ Thư, Ngũ Kinh ông cũng đều thông hiểu. Hòa Thân được thầy giáo vô cùng yêu mến.
Năm 18 tuổi, do tài mạo song toàn, Hòa Thân được Phùng Anh Liêm, Tổng đốc Trực Lệ yêu mến và gả cháu gái cho. Từ đó ông như cá chép hóa rồng, dần dần bước lên đỉnh cao sự nghiệp. Mặc dù thi cử không đỗ đạt nhưng nhờ có người chống lưng hậu thuẫn, bản thân làm việc lại linh hoạt nên Hòa Thân làm đến chức quan Tam phẩm Thanh Xa Đô Úy với danh nghĩa là tú tài. Đến năm 22 tuổi lại được phong làm thị vệ Tam phẩm.
Năm 23 tuổi, Hòa Thân đã làm tùy tùng trong đội thị vệ của Hoàng đế, phụ trách khiêng kiệu và giơ cờ. Mặc dù chức quan không cao nhưng lại có thể gần gũi tiếp xúc với Hoàng thượng. Hòa Thân đã tận dụng tối đa mọi cơ hội để thể hiện tài năng của mình trước mặt Càn Long. Chỉ sau đó 4 năm, ông trở thành trọng thần của triều đình, được Càn Long vô cùng sủng ái.
Ban đầu, Hòa Thân cũng bụng đầy chí lớn, nhất tâm muốn làm một vị quan tốt phục vụ nhân dân. Ông cũng từng là một vị quan thanh liêm, có thành tích xuất sắc, được bổ nhiệm làm đại thần tổng quản Phủ Nội vụ. Sau đó, Càn Long ra lệnh cho Hòa Thân đến Vân Nam điều tra vụ án tham ô của Lý Thị Nghiêu.
Hòa Thân hầu như không ăn không ngủ. Sau một thời gian âm thầm điều tra, thăm dò, ông đã tìm được bằng chứng tham ô của Lý Thị Nghiêu và đưa y ra trừng trị trước pháp luật. Đồng thời Hòa Thân cũng khiển trách thậm tệ hành vi tham ô của y, khiến Lý Thị Nghiêu tinh anh lão luyện cũng không có chốn dung thân, thậm chí y còn có ý định tự sát. Do đó Hòa Thân được thăng chức làm Thượng thư Bộ Hộ.
Dần dần biến chất
Khi có được quyền cao chức trọng, Hòa Thân đã sớm quên mất lời thề làm một vị quan thanh liêm ngày xưa. Ông dần dần thoái hóa, bản thân lại trở thành một tham quan. Là sủng thần luôn bên cạnh Càn Long, những đại thần khác muốn thăng tiến đều phải hối lộ, nịnh nọt ông. Bạc vàng, đồ cổ, tranh chữ chất đầy nhà Hòa Thân.
Hơn nữa Hòa Thân còn kết giao vây cánh rất rộng, hình thành nên một thế lực lớn. Có lẽ Càn Long cũng biết tường tận về việc tham ô của Hòa Thân nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà không cho điều tra kỹ. Cuối cùng, Càn Long lại để lại cho con trai mình là Hoàng đế Gia Khánh ra tay trừ diệt Hòa Thân.
Khi Càn Long vừa băng hà, Gia Khánh đã tuyên bố 12 tội trạng của Hòa Thân và hạ chiếu lục soát nhà ông. Số tài sản mà quân lính tìm được khiến người ta không khỏi giật mình.
Trong 24 năm kể từ khi bắt đầu được Càn Long để mắt và sủng ái, Hòa Thân đã tích lũy cho mình một số tài sản kếch xù, bao gồm: 3.000 phòng (phòng trọ, dinh thự), 8.000 mẫu đất (tương đương 32km2), 72 ngân hàng, 75 hiệu cầm đồ. Bên cạnh đó, số tiền mặt của Hòa Thân cũng không khỏi khiến người ta lóa mắt với 60.000 lạng vàng bọc đồng, 100 thỏi vàng lớn nguyên chất (1 thỏi = 1000 lạng vàng), 56.600 thỏi bạc cỡ vừa, 9 triệu thỏi bạc nhỏ, 58.000 cân tiền ngoại, 1,5 triệu đồng tiền xu.
Không chỉ vậy, Hòa Thân còn bỏ túi không ít trân phẩm, báu vật trong thiên hạ. Phủ họ Hòa lúc bấy giờ chứa tới 1.200 miếng ngọc bội, 230 chuỗi ngọc trai (mỗi viên tương đương một quả anh đào), 10 viên ngọc trai lớn (mỗi viên có kích cỡ bằng quả mơ), 10 viên hồng ngọc, 40 viên ngọc bích lớn.
Chưa dừng lại ở đó, độ xa hoa của phủ họ Hòa không thua kém so với Hoàng cung, người ta đếm được 144 sập vàng, 23 sập khác nạm bằng vàng ròng, 40 sập sơn son mạ vàng, ngay tới chậu rửa mặt cũng được nạm ngọc thạch. Chỉ tính riêng số tỳ thiếp thì phủ họ Hòa đã có tới 600 người, còn gia nhân thì không đếm xuể.
Lời dự ngôn trước khi chết
Sau khi Hòa Thân chết, toàn bộ tài sản của ông đều bị tịch thu, sung công. Nhờ chuyện này mà quốc khố nhà Thanh trở nên giàu có. Dân gian bởi thế mới có câu: “Hòa Thân ngã ngựa, Gia Khánh ăn no”.
Hoàng đế Gia Khánh vốn định xử Hòa Thân tội lăng trì. Nhưng các quan đại thần và công chúa cầu xin, Hoàng đế mới đổi lại, ban cho Hòa Thân tự tử trong nhà.
Sau khi nghe xong phán quyết của Hoàng đế Gia Khánh, Hòa Thân cầm dải lụa trắng dài hơn 3m, rồi cười một cách lạnh lùng, ghê rợn. Sau đó ông viết một câu thơ dự ngôn và năm sau thi điều đó xảy ra:
Ngũ thập niên lai mộng huyễn chân
Kim triều tản thủ tạ hồng trần
Tha niên thủy phiếm hàm long nhật
Nhận thủ hương yên thị hậu thân.
Tạm dịch:
Năm mươi năm hư hư thực thực
Kiếp này buông tay tạ hồng trần
Năm sau nước dâng con lũ lớn
Nhận rõ hương hỏa kẻ hậu nhân.
Hai câu thơ đầu là hồi ức về những điều đã qua của Hòa Thân, coi cuộc đời 50 năm của mình như mây khói. Hai câu sau ông đã mượn điển cố để đưa ra dự ngôn về một sự kiện xảy ra trong tương lai. “Thủy phiếm hàm long” chỉ nước lũ dâng cao.
Quả nhiên, năm đầu tiên sau khi Hòa Thân bị ban cho cái chết, đê sông Hoàng Hà tại Hà Nam bị vỡ, khiến rất nhiều bá tánh bị chết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.