Kim Sơn được thành lập ngày 5/4/1829, do công của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ, người lãnh đạo công cuộc khẩn hoang, khai khẩn vùng đất hoang vu đầy lau sậy ở phía Nam tỉnh Ninh Bình.
Tên gọi Kim Sơn nghĩa là núi vàng. Ngoài ra, huyện Kim Sơn còn được biết đến với cầu ngói Phát Diệm là công trình kiến trúc độc đáo được in hình trên tem bưu chính Việt Nam; nhà thờ đá Phát Diệm được nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia năm 1988...
Huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) có 2 tôn giáo chính là công giáo và phật giáo. Đạo công giáo chiếm tới 47,07% dân số của huyện, là nơi có tín đồ công giáo lớn nhất tỉnh Ninh Bình. Toàn huyện Kim Sơn có 157 nhà thờ, 33 giáo xứ, 163 giáo họ.
Ngoài ra, Kim Sơn là huyện ven biển duy nhất của tỉnh Ninh Bình thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ, nằm ở Đông Nam của tỉnh Ninh Bình cách thành phố Ninh Bình 28 km. Bên cạnh đó, diện tích tự nhiên của huyện Kim Sơn là 239,78 km2, dân số trên 187 nghìn người, bao gồm 23 xã, 2 thị trấn.
Với vị trí địa lý tương đối thuận lợi, tiếp giáp biển Đông có chiều dài gần 18km cùng đa dạng sinh học nổi bật đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Đặc biệt, với các tuyến đường bộ, đường thủy chạy qua tạo điều kiện cho huyện Kim Sơn trong việc giao lưu kinh tế với các huyện lân cận, thúc đẩy nền kinh tế xã hội của địa phương phát triển theo hướng toàn diện trong giai đoạn tới.
Bên cạnh đó, huyện Kim Sơn có vị trí tương đối bằng phẳng, không có địa hình đồi núi xen lẫn, độ cao thấp dần ra phía biển, nghiêng theo hướng Bắc-Nam và Đông-Tây. Huyện nằm trong vùng bờ biển được bồi tụ, tốc độ bồi tụ cao nhất dải ven biển Bắc Bộ, hàng năm mở ra biển khoảng 60-80 m làm tăng diện tích tự nhiên của huyện lên khoảng 100 ha.
Cùng với đó, hệ thống sông ngòi dày đặc đã tạo nên cho huyện Kim Sơn có nguồn tài nguyên nước tương đối dồi dào để phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân trên địa bàn huyện…
Sau hơn 12 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ngày 18/8/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định công nhận huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022. Đây là huyện cuối cùng của tỉnh Ninh Bình được công nhận hoàn thành và đạt chuẩn nông thôn mới.
Hiện, 23/23 xã của huyện Kim Sơn đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 33 thôn, xóm đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; 2/2 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh.
Tổng nguồn vốn huy động từ khi triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đến nay là trên 7.000 tỉ đồng, trong đó, vốn ngân sách Nhà nước là trên 3.600 tỉ đồng và vốn đóng góp của cộng đồng dân cư là trên 2.100 tỉ đồng.
Năm 2022, thu nhập bình quân toàn huyện Kim Sơn đạt 57,2 triệu đồng/người/năm. Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025 giảm xuống còn 1,24%. Tỉ lệ người dân hài lòng với kết quả xây dựng nông thôn mới, đạt 99,53%.
Được biết, lễ công bố huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) đạt chuẩn nông thôn mới sẽ được tổ chức tại Trung tâm Thể dục Thể thao huyện Kim Sơn vào tối 18/11/2023. Tại buổi lễ, ngoài các chương trình nghệ thuật đặc sắc, UBND huyện Kim Sơn sẽ tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp.
Ông Trần Anh Khiêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn cho biết: "Những năm qua, địa phương đã triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới một cách quyết liệt, hiệu quả, các nội dung được cụ thể hóa,…Trong đó, phải kể đến việc tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng, thay đổi tư duy sản xuất, đẩy mạnh cơ cấu lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gắn với xây dựng nông thôn mới.
Thời gian tới, phát huy những kết quả đã đạt được, huyện Kim Sơn sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, để qua đó đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn được nâng cao nhanh và bền vững…".