Nhà thờ hơn 100 tuổi ở Ninh Bình với câu chuyện về 2 người tử vì đạo ở thế kỷ 19

Thiên Hương Thứ tư, ngày 04/10/2023 13:30 PM (GMT+7)
Nhà thờ Tôn Đạo (huyện Kim Sơn) được mệnh danh là một trong những Thánh đường đẹp nhất tỉnh Ninh Bình với kiến trúc độc đáo, hoa văn chạm khắc cầu kỳ không khác nào các nhà thờ ở châu Âu. Nhưng ít ai biết, bên trong nhà thờ này đang lưu giữ 2 bộ hài cốt của những người tử vì đạo từ cuối thế kỉ 19.
Bình luận 0

2 bộ hài cốt tử vì đạo đang lưu giữ tại nhà thờ Tôn Đạo

Nhà thờ Tôn Đạo thuộc xứ Tôn Đạo (Giáo phận Phát Diệm) được khởi công xây dựng vào năm 1922 tại xã Ân Hòa, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Nhà thờ có khuôn viên rộng 23.760m2, nằm sát Quốc lộ 10, và phải mất tới 14 năm mới hoàn thành. 

Bí ẩn về 2 bộ hài cốt đang được lưu giữ tại nhà thờ hơn 100 tuổi ở Ninh Bình - Ảnh 1.

Gian cung thánh tại Nhà thờ Tôn Đạo được chạm trổ cầu kỳ, tỏa sáng nguy nga dưới ánh đèn. Ảnh: Thiên Hương

Tuy nhiên xứ Tôn Đạo thì được thành lập từ trước đó hàng chục năm. Theo cuốn Lịch sử Giáo phận Phát Diệm, Chương VI - Các xứ đạo trong giáo phận Phát Diệm của tác giả Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ, xứ Tôn Đạo ngày xưa thuộc xứ Phúc Nhạc và cha xứ lúc đó là Cha Thánh Khoan. Vị linh mục này năng xuống thăm Tôn Đạo và ngài đã thảo luận với quan viên trong làng, đề nghị mua đất và điền thổ để lập nhà xứ.

Theo đó, người dân làng Tôn Đạo hiến dâng 12 mẫu, làng Hiếu Nghĩa dâng 5 mẫu, làng Quy Hậu dâng 5 mẫu và Cha Thánh Khoan đã tậu thêm 6 mẫu. 

Việc ruộng đất thu xếp xong xuôi vào năm thứ mười đời Vua Minh Mạng (1830) thì Linh mục Thánh Khoan, chính xứ Phúc Nhạc bị bắt tại Đông Biên cùng với 2 thầy giảng Baotixita Đinh Văn Thanh và Phêrô Lê Văn Hiếu. Cả ba cha con đều bị xử tại Ninh Bình vào năm thứ 20 đời Minh Mạng (1840).

Một số hình ảnh về Nhà thờ Tôn Đạo hơn 100 năm tuổi ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Đến năm thứ 2 đời vua Thiệu Trị (1842) thì xứ Tôn Đạo được thành lập do quyết định của Đức Cha Retord Liêu, ranh giới từ Hàm Ân cho đến Kiến Thái, thuộc hai tổng Quy Hậu và Hướng Đạo. 

"Tôn Đạo cũng trải qua một cuộc bách hại tôn giáo, đã có cảnh phân sáp, các nhà thờ bị triệt hạ. Nơi đây có lưu truyền câu chuyện tên Bát Biện, ở Hàm Ân, đã chứa hai cha Dòng Đa Minh là Cha chính Hiền và Cha Phêrô Tuần, có lẽ từ Bùi Chu sang. Hắn thấy hai cha có nhiều quý vật, nên đã lập mưu bằng cách nói dối là ở ngoài cửa biển có nhiều tàu khách và hắn tình nguyện chở hai cha ra để lên tầu về cố quốc. Hai cha dòng tin hắn nên đã xuống thuyền. Tên Bát Biện đã mật báo cho quan quân đón đường bắt hai cha vào ngày 18/5/1838. Về sau, hai Cha Hiền và Tuần bị xử tại pháp trường Nam Định" - tác giả Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ.

Tới năm 1922 nhà thờ Tôn Đạo mới được khởi công xây dựng và phải mất 14 năm mới hoàn thành. Thánh đường của nhà thờ Tôn Đạo có chiều dài 52m, rộng 25m, tháp chuông cao 35m và được xem là một trong những ngôi Thánh đường cổ nhất ở Ninh Bình. 

Bí ẩn về 2 bộ hài cốt đang được lưu giữ tại nhà thờ hơn 100 tuổi ở Ninh Bình - Ảnh 2.

Giếng đá rửa tội cổ đang được lưu giữ tại nhà thờ Tôn Đạo. Giếng rửa tội như thế này thường được xây dựng bên trong thánh đường, gần cửa ra vào hay ở dưới gác chuông. Ảnh: Thiên Hương

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, tại nhà thờ Tôn Đạo hiện đang lưu giữ 2 bộ hài cốt của 2 người tử vì đạo. 2 bộ hài cốt được đặt trong 2 chiếc hòm gỗ, để tại khu vực tay trái nhà thờ, phía sau gian Cung thánh. Mỗi hòm gỗ đều có dấu niêm phong khắc dòng chữ: Cha Phú Tuần; cha Khán Vinh. 

Trao đổi với PV, Linh mục Chính xứ Tôn Đạo Giuse Phạm Ngọc Khuê cho biết, từ ngày ông về đây nhận chức Linh mục đã thấy có 2 chiếc hòm gỗ chứa hài cốt từ xưa để lại. Tuy nhiên, tại nhà thờ hiện không lưu giữ sổ sách ghi chép cụ thể về 2 bộ hài cốt tử vì đạo này. 

Theo cha Khuê tìm hiểu thì đây là 2 vị linh mục đã được Giáo hội công nhận tử vì đạo từ cuối thế kỉ 19, tuy nhiên chưa được phong Thánh. Hài cốt của 2 vị được bốc lên để lưu giữ ở trong nhà thờ để chờ có dịp ghi vào sổ bộ các Thánh, nhưng do chưa có đầy đủ chứng cứ nên 2 vị chưa được sắc phong. Cả 2 chiếc hòm gỗ còn nguyên khóa niêm phong, nhưng bề mặt các hòm gỗ đã xuống cấp rất nhiều. Một phần gỗ đã bị mục nát, khóa và đinh đóng đã bị hoen gỉ. 

"Hiện nhà thờ Tôn Đạo đã hơn 100 tuổi nên nhiều hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng, một số mảng tường, mảng trần của nhà thờ đã bong tróc rất nguy hiểm. Mái ngói lợp cũng đã lâu nên thường xuyên bị dột mỗi khi có mưa lớn. Tôi rất muốn đầu tư tôn tạo, tu bổ lại toàn bộ Nhà thờ kiên cố hơn để làm nơi sinh hoạt khang trang, sạch đẹp cho giáo dân, nhưng do thiếu kinh phí nên lực bất tòng tâm" - Linh mục Giuse Phạm Ngọc Khuê tâm sự. 

Bí ẩn về 2 bộ hài cốt đang được lưu giữ tại nhà thờ hơn 100 tuổi ở Ninh Bình - Ảnh 3.

2 bộ hài cốt của 2 vị linh mục tử vì đạo được đặt trong 2 chiếc hòm gỗ cũ kỹ. Ảnh: Thiên Hương

Theo một số tài liệu, năm 1988, Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã làm lễ phong Thánh cho 117 vị tử vì đạo tại Việt Nam, trong đó Việt Nam có 96 vị được phong Thánh (trong đó có 37 linh mục), Tây Ban Nha 11 vị (6 giám mục và 5 linh mục), Pháp 10 vị (2 giám mục và 8 linh mục). Việc phong Thánh phải trải qua rất nhiều bước khác nhau và mất nhiều thời gian.   

Đầu tiên Bộ Phong Thánh (Giáo hội Công giáo Roma) sẽ thu thập thông tin về đời sống của vị chứng nhân dựa vào các thông tin có được từ những người làm chứng và nhiều tài liệu liên quan để lập hồ sơ phong thánh. Thứ hai, cần có một khoảng thời gian để xác định thông tin thu thập, cũng như chứng thực những phép lạ mà vị chứng nhân đã thực hiện. 

Sau khi hồ sơ phong thánh hoàn tất, nghĩa là được duyệt xét cẩn thận, Đức Giáo Hoàng sẽ tuyên phong vị chứng nhân đó là Đấng Đáng Kính, hoặc Chân Phước, hoặc tuyên Thánh theo đức tin Công giáo. Cũng có những trường hợp đặc biệt có thể không thông qua các giai đoạn như trên. Trong lịch sử Công giáo tại Việt Nam, ước tính có đến hàng trăm ngàn người đã tử vì đạo để làm chứng cho đức tin Kitô giáo.

Bí ẩn về 2 bộ hài cốt đang được lưu giữ tại nhà thờ hơn 100 tuổi ở Ninh Bình - Ảnh 4.

Linh mục Khán Vinh tử vì đạo. Đinh đóng dấu niêm phong đã hoen gỉ từ lâu.

Bí ẩn về 2 bộ hài cốt đang được lưu giữ tại nhà thờ hơn 100 tuổi ở Ninh Bình - Ảnh 5.

Linh mục Phú Tuần tử vì đạo.

Linh mục Giuse Phạm Ngọc Khuê cho biết, dù 2 vị tử vì đạo nói trên chưa được phong Thánh nhưng nhà thờ vẫn cố gắng lưu giữ, bảo vệ và thường xuyên quét dọn khu vực xung quanh. Bà con giáo dân mỗi khi đến sinh hoạt, thăm viếng nhà thờ đều bày tỏ lòng tôn kính trước những người đã hi sinh thân mình để bảo vệ đức tin. 

Giáo dân huyện Kim Sơn phát triển kinh tế, đi đầu trong phong trào hiến tặng giác mạc

Theo UBND huyện Kim Sơn, toàn huyện hiện có 33 Giáo xứ, 1 Trung tâm Mục vụ, 155 Giáo họ với 113 nhà thờ, 5 nhà nguyện, 2 đền Đức mẹ. Ngoài ra, tại Kim Sơn còn có 1 dòng tu là Hội dòng Mến Thánh giá Phát Diệm với 3 cơ sở: Lưu Phương, Hướng Đạo và Cách Tâm. Đồng bào Công giáo huyện Kim Sơn chiếm 47,07% dân số toàn huyện.

Bí ẩn về 2 bộ hài cốt đang được lưu giữ tại nhà thờ hơn 100 tuổi ở Ninh Bình - Ảnh 6.

Cổng gỗ dẫn vào khu vực nhà ở của Linh mục Chính xứ Tôn Đạo, được xây dựng vào năm 1937. Ảnh: Thiên Hương

Phong trào lao động sản xuất ở các Giáo xứ, Giáo họ tại huyện Kim Sơn luôn được duy trì, phát triển mạnh mẽ, từ đó xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt của giáo dân đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, chế biến, dịch vụ do bà con giáo dân làm chủ làm ăn hiệu quả đã góp phần tạo nhiều việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Điển hình như Doanh nghiệp xây dựng Mạnh Hùng, Doanh nghiệp xây dựng Kim Phát, Doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng Tuyết Báu...

Kinh tế ở các Giáo xứ, Giáo họ và gia đình giáo dân phát triển đã thật sự góp phần xóa đói giảm nghèo, tỷ lệ hộ giàu tăng, hộ nghèo giảm xuống rõ rệt. Đồng bào Công giáo trong huyện đã đóng góp hàng chục nghìn ngày công lao động và hàng chục tỷ đồng để xây dựng và cải tạo đường giao thông nông thôn, xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng trong Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Hầu hết đường làng, ngõ, xóm đường xung quanh khuôn viên nhà thờ được xây dựng, cải tạo khang trang, 100% các giáo xứ, giáo họ có đường bê tông nối khuôn viên nhà thờ với đường liên thôn, liên xã. Hầu hết các cơ sở thờ tự đều được tu sửa, nâng cấp, một số nhà thờ đã và đang được xây mới.

Phong trào hiến tặng giác mạc trong đồng bào Công giáo huyện Kim Sơn đã cổ vũ và hình thành một mạng lưới cộng tác viên, tình nguyện viên là các chức sắc, chức việc nhiệt tình tham gia vận động, tuyên truyền về hiến tặng giác mạc. Từ điểm sáng phong trào hiến tặng giác mạc ở Kim Sơn, đã được nhân dân các địa phương khác hưởng ứng, lan rộng trên toàn quốc, ngày càng nhiều địa phương có người hiến tặng giác mạc. 

Đến nay tổng số người đăng ký hiến tặng giác mạc sau khi qua đời của cả nước là gần 50.000 người thì địa bàn huyện Kim Sơn có tới gần 11.000 người. Tổng số người đã hiến tặng giác mạc thành công trên địa bàn huyện Kim Sơn là 400 người. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem