Chiều 15/11, tại trụ sở Tỉnh uỷ Bình Định, Đoàn kiểm tra số 2 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTCNTC) do Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo làm Trưởng đoàn, công bố dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra theo Kế hoạch số 35- KH/BCĐTW, ngày 07/8/2023 của Ban Chỉ đạo tại Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định.
Theo dự thảo, từ ngày 1/1/2016 đến ngày 30/6/2023, HĐND tỉnh Bình Định và UBND tỉnh ban hành 947 văn bản quy phạm pháp luật (gồm 291 nghị quyết, 626 quyết định) về thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về PCTNTC thành pháp luật của Nhà nước.
Qua kiểm tra, rà soát hằng năm, đã kiến nghị HĐND và UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung 176 văn bản; thay thế, bãi bỏ toàn bộ 362 văn bản.
Nội dung các văn bản đã được thay thế, bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung tập trung vào các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, đấu thầu, đấu giá tài sản, giám định tư pháp, định giá tài sản trong tố tụng hình sự và thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định đã chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc đối với cá nhân và tập thể có sai phạm.
Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn trong công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận và xử lý nguồn tin tội phạm và công tác giám định, định giá tài sản trong các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế.
Đặc biệt, qua kiểm tra, cấp ủy, chính quyền các cấp của Bình Định đã cụ thể hóa, thể chế hóa tương đối đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định và các cấp ủy có liên quan của tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phổ biến, quán triệt đầy đủ, nghiêm túc. Ban hành nhiều kế hoạch, chương trình hành động, văn bản để cụ thể hóa, triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTNTC.
HĐND, UBND tỉnh Bình Định và các đơn vị được kiểm tra đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) và văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật theo thẩm quyền để tổ chức thực hiện các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, nghị định của Chính phủ, các văn bản QPPL trong các lĩnh vực được kiểm tra.
Đồng thời, quan tâm kiểm tra, giám sát thanh tra để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách, văn bản QPPL của địa phương trong lĩnh vực kiểm tra, đáp ứng yêu cầu PCTNTC.
Theo ông Hồ Quốc Dũng – Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định, trước đây ở địa phương có phòng pháp chế của ngành, nhưng hiện tại không có nên việc rà soát, kiểm tra còn nhiều bất cập, triển khai lúng túng.
Bí thư Dũng nhìn nhận, các văn bản của Trung ương quá nhiều, lại chồng chéo nên việc triển khai cụ thể hoá rất khó khăn, dẫn đến một số thiếu sót.
Trong khi, sự hướng dẫn, giải thích của một số Bộ ngành Trung ương chưa kịp thời, chưa đầy đủ. Nhiều lĩnh vực để chắn chắc, tỉnh hỏi Trung ương nhưng nhận được câu trả lời chung chung, bảo căn cứ vào đúng quy định của pháp luật mà làm nên việc thực hiện rất khó.
"Qua kiểm tra, Đoàn chỉ ra rất nhiều việc làm được, cũng như bất cập thiếu sót của Bình Định, chúng tôi sẽ nghiêm túc kiểm điểm", Bí thư Dũng nói.
Vẫn theo Bí thư Dũng, tới đây, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ sẽ thực hiện kiểm điểm nghiêm túc những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm. Tập trung xử lý tồn tại hạn chế đã được Đoàn kiểm tra chỉ ra, củng cố lại các tổ chức làm công tác này, để làm sao đủ năng lực lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện.
Đồng quan điểm với Bí thư Dũng, Đại tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng, đối với kiến nghị, khi địa phương hỏi thì một số cơ quan Trung ương lại 'giải thích chung chung, trả lời thực hiện theo đúng quy định của Đảng, Nhà nước'. Đây là vấn đề khá phổ biến và không đáp ứng được nhu cầu của địa phương.
"Nếu trả lời, làm theo đúng quy định của pháp luật thì cần gì hỏi, địa phương có xin làm sai đâu, trả lời một câu an toàn như thế, thì không biết địa phương thực hiện thế nào. Như vậy thì không trách nhiệm gì cả, trốn tránh trách nhiệm", Đại tướng Tô Lâm nói.
Thay mặt Đoàn kiểm tra, Đại tướng Tô Lâm đánh giá cao những thành tích mà Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Bình Định… đã đạt được trong công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về PCTNTC thành pháp luật của Nhà nước.
"Nhìn chung, công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực của Bình Định đã làm rất tốt, không có vụ án, vụ việc nghiêm trọng, dư luận quan tâm. Đây là kết quả của một quá trình. Kinh tế xã hội phát triển, nhân dân đồng tình ủng hộ", Đại tướng đánh giá và cho biết, cá nhân ông rất phấn khởi.
Theo Đại tướng Tô Lâm, riêng những hạn chế thì cơ bản đã được tỉnh Bình Định nhìn nhận ra và khắc phục, sửa chữa các văn bản chưa đúng quy định.
Đại tướng Tô Lâm đề nghị, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bình Định tiếp tục nâng cao nhận thức trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền gắn với sự lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc các chủ trương về phòng chống tham nhũng.
Nhất là các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng tiêu cực như: quản lý sử dụng đất đai, đấu thầu, đấu giá tài sản, quản lý tài chính tiền tệ.
Ngoài ra, cần rà soát khắc phục sơ hở, bất cập về cơ chế chính sách pháp luật, tăng cường trách nhiệm, tính nêu gương của người đứng đầu…trong công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực.