Mô hình du lịch cộng đồng tại Bản Hốc, thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Clip: Hà Thanh
Bản Hốc (thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) nằm bên con suối Nhì thơ mộng, nơi có nguồn suối khoáng dồi dào, những làn điệu múa xòe, múa sạp uyển chuyển làm say đắm lòng người. Phát huy những lợi thế sẵn có này, nhiều năm gần đây, bà con trong thôn đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tạo cảnh quan bắt mắt để phục vụ du khách tham quan và lưu trú.
Đến nay cả thôn đã có hơn chục hộ gia đình liên kết cùng nhau để phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng, tạo điều kiện cho du khách đến trải nghiệm.
Anh Lê Văn Quang - chủ homestay suối khoáng Minh Hằng (thôn Bản Hốc, thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) chia sẻ, nhận thấy tiềm năng suối khoáng nóng, tháng 6/2022, gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch và chính thức mở cửa đón khách vào đầu năm 2023. Đến thời điểm này, tổng nguồn vốn đầu tư cho cơ sở kinh doanh dịch vụ này khoảng 4 tỷ đồng.
Hiện, tổng diện tích đầu tư xây dựng cơ sở vật chất giai đoạn 1 là trên 3.000m2 với các loại hình dịch vụ chính như: Nghỉ dưỡng lưu trú, tắm khoáng và ăn uống. Còn khoảng 1.500 – 2.000m2, tùy vào lượng khách đến đây, gia đình anh sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng thêm cơ sở vật chất vào những giai đoạn sau.
"Nước khoáng nóng ở đây sau khi được hút lên từ giếng khoan sẽ được xử lý thông qua hệ thống bể lọc bằng công nghệ tiên tiến, đảm bảo trong và sạch. Trung bình vào những ngày thường sẽ có từ 1 – 2 lượt khách, còn những ngày cuối tuần gần như kín phòng. Khách du lịch chủ yếu đến đây vào thời điểm cuối năm" - anh Quang cho biết.
Anh Quang cho biết thêm, hiện cơ sở hiện đang có 5 phòng bungalow khép kín, có thể đáp ứng khoảng trên 50 khách lưu trú/lượt. Ngoài ra, cơ sở còn có 2 nhà sàn nghỉ cộng đồng có sức chứa khoảng trên 30 người. Ngoài 5 bể tắm khoáng nóng trong 5 phòng bungalow, cơ sở còn có 2 bể tắm ngoài trời phục vụ cả tắm mùa đông và mùa hè, có thể đáp ứng được khoảng 30 – 40 người tắm/lượt.
Còn anh Sa Văn Hướng - chủ cơ sở homestay Hướng Kim (thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) cho biết, cơ sở của anh trung bình mỗi tháng đón khoảng 3.000 – 4.000 lượt du khách đến tham quan, lưu trú và ăn uống.
Theo anh Hướng chia sẻ, cơ sở của gia đình anh chính thức đi vào hoạt động từ năm 2021. Đến với nơi đây, du khách không chỉ được tận hưởng không khí trong lành, dễ chịu mà còn được thưởng thức những món ăn đặc sản dân tộc và hòa mình vào những nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc Thái. Hiện, cơ sở của gia đình anh là một trong hai cơ sở du lịch cộng đồng tại Bản Hốc được chứng nhận OCOP 3 sao.
Xác định phát triển du lịch là hướng đi lâu dài, do đó ngay từ khi có ý tưởng, anh Vi Quang Huy - chủ cơ sở du lịch cộng đồng Huy Hường (thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất gắn với các bản sắc văn hóa tại địa phương.
Theo anh Huy, quan điểm của anh đó là làm du lịch chính là để bảo tồn những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Bởi vậy, mỗi loại hình kinh doanh dịch vụ tại cơ sở anh đều gắn với một nét văn hóa và bản sắc riêng của đồng bào nơi đây. Chính vì thế, du khách khi đến với cơ sở của anh luôn cảm nhận được sự gần gũi, ấm cúng, đã đến một lần là không thể nào quên.
Ngoài phục vụ khách du lịch tại chỗ, các cơ sở du lịch cộng đồng tại Bản Hốc còn liên kết với một số điểm du lịch lân cận để phục vụ du khách tham quan, nghỉ dưỡng và trải nghiệm như: Suối Giàng, Lau Camping Phình Hồ (huyện Trạm Tấu).
Bên cạnh đó, các cơ sở du lịch cộng đồng này còn kết hợp các bản sắc văn hóa của dân tộc như múa xòe, nhảy sạp, đốt lửa trại để giao lưu cùng khách tạo sự gần gũi, thân thiện. Một số cơ sở còn liên kết với các đơn vị sản xuất để trưng bày những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của địa phương, góp phần quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.
Ông Đinh Khánh Tùng – Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Văn Chấn cho biết, trong những năm gần đây, huyện Văn Chấn rất quan tâm đến phát triển du lịch. Huyện đang tập trung xây dựng đề án phát triển du lịch của huyện tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, du lịch cộng đồng đang rất được quan tâm, đặc biệt là làng văn hóa du lịch cộng đồng Bản Hốc.
Theo ông Tùng, ban đầu việc phát triển du lịch cộng đồng ở Bản Hốc chỉ mang quy mô nhỏ lẻ với vài hộ gia đình kinh doanh. Đến nay, tại Bản Hốc đã có đến chục hộ cùng liên kết kinh doanh du lịch cộng đồng. Việc phát triển các điểm du lịch cộng đồng đang tạo công ăn việc làm rất tốt cho người dân, góp phần nâng cao thu nhập và giảm nghèo cho người dân địa phương.
"Để nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch, huyện Văn Chấn đã có hướng dẫn các cơ sở đăng ký các sản phẩm OCOP, đặc biệt là sản phẩm OCOP về du lịch. Đến nay, huyện Văn Chấn đang có 3 sản phẩm OCOP về du lịch. Trong thời tới, địa phương cũng định hướng và hướng dẫn thêm 1 - 2 cơ sở hoàn thiện hồ sơ để được chứng nhận OCOP" - ông Tùng cho biết thêm.