Là chủ nhân của 4 nhà nuôi yến trên địa bàn tỉnh Bình Định, ông Võ Nguyên Hòa, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Nuôi yến Bình Định bày tỏ sự vui mừng và kỳ vọng trước thông tin xuất khẩu lô sản phẩm tổ yến đầu tiên của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc theo Nghị định thư đã ký giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
"Hiện, do chủ yếu bán thô và tiêu thụ tại thị trường trong nước nên giá tổ yến mới dao động trong khoảng 18 – 20 triệu đồng/kg, chúng tôi kỳ vọng, sau khi khơi thông thị trường Trung Quốc, giá tổ yến có thể tăng gấp 2 – 3 lần", ông Hòa cho biết. Theo ông Hòa, ông đã theo nghề nuôi yến được 5 năm, hiện mỗi năm ông thu được vài chục kilogam tổ yến từ 4 "khách sạn" yến, doanh thu cả tỷ đồng.
Trong khuôn khổ Lễ công bố xuất khẩu lô sản phẩm tổ yến đầu tiên của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc theo Nghị định thư, đại diện 5 hiệp hội nuôi yến của Bình Định, Quảng Ngãi, An Giang, huyện Chư Sê (Gia Lai), Hội Yến sào Quảng Đà đã ký biên bản ghi nhớ với Công ty CP Dinh dưỡng AVANEST Việt Nam nhằm xây dựng vùng nguyên liệu ổn định phục vụ chế biến và xuất khẩu.
"Theo biên bản ghi nhớ, công ty sẽ thu mua tổ yến của chúng tôi với giá cao hơn thị trường trong nước tại các thời điểm, các nhà nuôi yến còn được doanh nghiệp hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật nuôi yến; xây dựng phần mềm nhằm truy xuất nguồn gốc vùng nuôi", ông Hòa cho biết.
Tuy nhiên, ông Hòa cũng kiến nghị các ngành chức năng, các địa phương xử lý nghiêm và triệt để nạn săn bắt động vật hoang dã để bảo vệ đàn chim yến, từ đó tạo nền tảng cho nghề nuôi yến phát triển.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Công ty CP Dinh dưỡng AVANEST cho biết, được Tổng cục Hải quan Trung Quốc lựa chọn là công ty đầu tiên được phép xuất khẩu sản phẩm tổ yến sang thị trường Trung Quốc, Công ty AVANEST nhận thức sâu sắc rằng đây là vinh dự to lớn nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề của Công ty trước Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Hưng Yên và trước ngành yến của Việt Nam. Để hoàn thành trách nhiệm đó, Công ty AVANEST sẽ phải cố gắng và nỗ lực hơn rất nhiều, không ngừng đổi mới, phát triển để đáp ứng các yêu cầu về chất lượng sản phẩm, giữ vững uy tín của sản phẩm yến sào Việt Nam.
Ông Lê Thành Đại, Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam cũng đánh giá, Trung Quốc là thị trường vô cùng tiềm năng cho tổ yến Việt Nam, với việc được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc sẽ tạo cơ hội cho ngành nuôi yến phát triển theo chiều sâu.
Trung Quốc là thị trường lớn với dân số hơn 1,4 tỷ người, đây cũng là thị trường tiêu thụ sản phẩm tổ yến lớn nhất thế giới, với nhu cầu hơn 300 tấn/năm, chiếm khoảng 80% thị phần toàn cầu. Với nhu cầu lớn như vậy, trong khi sản lượng khai thác tổ yến của Trung Quốc còn hạn chế, vì vậy hàng năm Trung Quốc đã nhập khẩu lượng lớn yến sào từ các nước khác.
Các số liệu chuyên ngành tổ yến tại Trung Quốc cho biết, nhập khẩu tổ yến chính ngạch vào Trung Quốc năm 2020 là 220 tấn, năm 2021 khoảng hơn 300 tấn và năm 2022 là 452 tấn. Trung Quốc nhập khẩu yến sào từ nhiều quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Thái Lan và hiện nay có thêm Việt Nam.
Ngày 16/11/2023 đã trở thành một dấu mốc quan trọng cho ngành nuôi yến khi tại Lạng Sơn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cùng với ông Lương Trọng Quỳnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đồng chủ trì Lễ công bố xuất khẩu lô sản phẩm tổ yến đầu tiên của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc theo Nghị định thư đã ký giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc vào ngày 09/11/2022.
Theo đó, Công ty Cổ phần Dinh dưỡng AVANEST Việt Nam là doanh nghiệp đầu tiên được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã số cho phép xuất khẩu hai nhóm sản phẩm tổ yến (gồm có: tổ yến tinh chế và yến hũ chưng sẵn).
Lễ công bố xuất khẩu lô sản phẩm tổ yến đầu tiên của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đánh dấu một sự kiện đặc biệt quan trọng đối với ngành nông nghiệp Việt Nam trong nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu nông sản, đồng thời đây cũng là một dấu mốc quan trọng đối với ngành yến của Việt Nam. Đây là kết quả triển khai quyết liệt và có hiệu quả các yêu cầu về kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với các sản phẩm tổ yến của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc nêu tại Nghị định thư.
Như vậy sau hơn 5 năm, với sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sự nỗ lực của Cục Thú y và các đơn vị liên quan, cũng như sự quyết tâm của doanh nghiệp thì các sản phẩm tổ yến của Việt Nam đã chính thức có được giấy thông hành đi vào thị trường Trung Quốc.
Tại Việt Nam, nghề nuôi chim yến với mục đích thương mại là một hoạt động sản xuất mới xuất hiện từ năm 2004 ở một số tỉnh Nam Bộ. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, nghề này đã phát triển nhanh với nhiều loại hình và quy mô khác nhau. Nhiều tỉnh, thành có lợi thế về tự nhiên để phát triển nghề nuôi chim yến, tạo việc làm và nguồn thu đáng kể cho người dân.
Hiện nay, cả nước có 42/63 tỉnh có nuôi chim yến với trên 22.000 nhà yến. Sản lượng tổ yến của Việt Nam khoảng 150 tấn, giá trị trên 600 triệu USD. Ngành yến Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển và tiềm năng mang lại giá trị kinh tế rất cao, đặc biệt là sau khi Nghị định thư về xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc được ký kết.
Việc Trung Quốc chính thức cho phép nhập khẩu sản phẩm tổ yến từ Việt Nam sẽ tạo cơ hội lớn cho ngành chăn nuôi chim yến và sản xuất, chế biến tổ yến của Việt Nam.
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) khuyến cáo các nhà nuôi yến cần thúc đẩy liên kết, tạo nền tảng, cơ sở để xây dựng mã số vùng nuôi, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của thị trường Trung Quốc.
Biểu dương những nỗ lực rất lớn của cộng đồng các doanh nghiệp ngành yến Việt Nam nói chung và Công ty Cổ phần dinh dưỡng AVANEST Việt Nam nói riêng đã luôn đoàn kết, nỗ lực và đồng hành cùng với các cơ quan quản lý nhà nước để có thể triển khai hiệu quả Nghị định thư về xuất khẩu tổ yến, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cũng kêu gọi các doanh nghiệp và các hộ chăn nuôi chim yến tăng cường liên kết, đầu tư, phát triển đàn chim yến; tăng cường áp dụng công nghệ mới, tìm tòi, nghiên cứu để có thể cho ra nhiều loại sản phẩm tổ yến đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước cũng như khai thác tiềm năng, cơ hội thị trường Trung Quốc mà Nghị định thư đã mở ra.