Dân Việt

Cục Thủy sản tập huấn kỹ năng quản lý giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thuỷ sản

Thúy Vy 17/11/2023 14:30 GMT+7
Sáng 17/11, tại TP.Cần Thơ, Cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) phối hợp với tổ chức Giz Đức tổ chức hội nghị tập huấn "Nâng cao kỹ năng quản lý, kiểm tra đánh giá, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thuỷ sản".

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản và ông Trần Công Khôi, Trưởng phòng Giống và Thức ăn thủy sản, Cục Thủy sản cùng chủ trì hội nghị.

Cần Thơ: Cục Thủy sản tổ chức hội nghị tập huấn kỹ năng quản lý giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường NTTS - Ảnh 1.

Quang cảnh Hội nghị tập huấn "Nâng cao kỹ năng quản lý, kiểm tra đánh giá, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản". Ảnh: Thúy Vy

Cụ thể, giống thủy sản trước khi lưu thông trên thị trường phải thuộc danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam, được công bố tiêu chuẩn áp dụng và công bố hợp quy theo quy định, có chất lượng phù hợp tiêu chuẩn công bố áp dụng, được kiểm dịch theo quy định của pháp luật.

Tại hội nghị, các đại biểu đã báo cáo, thảo luận về việc phân công quản lý, phát triển giống thủy sản, thức ăn và sản phẩm xử lý môi trường. 

Theo đó, Cục Thủy sản sẽ có nhiệm vụ quản lý điều kiện, chất lượng trong sản xuất đối trong sản xuất đối với cơ sở sản xuất giống bố mẹ và các nhà đầu tư/tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. 

Còn ở địa phương sẽ có nhiệm vụ quản lý điều kiện, chất lượng giống trong sản xuất đối với cơ sở trên địa bàn. Cục Thủy sản và địa phương phối hợp duy trì kiểm dịch con giống, kiểm tra cơ sở sản xuất, ương dưỡng và kiểm soát lưu thông, tiêu thụ thủy sản cũng như thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường.

Cần Thơ: Cục Thủy sản tổ chức hội nghị tập huấn kỹ năng quản lý giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường NTTS - Ảnh 2.

Đại biểu Cục Thủy sản tham gia bàn luận về điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường. Ảnh: Thúy Vy

Trong quá trình quản lý điều kiện sản xuất giống, phải có đội ngũ nhân viên kỹ thuật được đào tạo về nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản hoặc sinh học. 

Ngoài ra, áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học: nước phục vụ sản xuất, ương dưỡng; giống thủy sản trong quá trình sản xuất; vệ sinh, thu gom và xử lý nước thải, chất thải; tiêu hủy xác động vật thủy sản chết hoặc nhiễm các bệnh phải tiêu hủy; kiểm soát giống thủy sản thoát ra môi trường bên ngoài, động vật gây hại xâm nhập vào cơ sở; thức ăn, thuốc, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.

Bên cạnh đó, việc quản lý điều kiện sản xuất thức ăn và sản phẩm xử lý môi trường cũng được đảm bảo chặt chẽ: địa điểm sản xuất nằm trong khu vực không bị ô nhiễm bởi chất thải nguy hại, hóa chất độc hại. Khu sản xuất có tường, rào cách với bên ngoài, nhà xưởng, trang thiết bị phù hợp với từng loại sản phẩm.

Đồng thời, cơ sở sản xuất đảm bảo có phòng thử nghiệm hoặc có thuê phòng thử nghiệm đủ năng lực để kiểm tra chất lượng trong quá trình sản xuất. Ngoài ra, tại buổi hội nghị, đại biểu còn thảo luận về trình tự cấp lại hồ sơ, giấy chứng nhận đủ điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo mẫu Nghị định 26/2019/NĐ-CP.

Cần Thơ: Cục Thủy sản tổ chức hội nghị tập huấn kỹ năng quản lý giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường NTTS - Ảnh 3.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản đề nghị tập trung vào quản lý điều kiện chặt chẽ, đảm bảo tuân thủ các quy định mới để nâng cao chất lượng và an toàn trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Thúy Vy

Phát biểu kết thúc hội nghị, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản đề nghị Bộ NNPTNT cần tiếp tục chỉ đạo mạnh mẽ đối với các cơ quan, tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, nhằm tăng cường việc phổ biến, tuyên truyền, và hướng dẫn về các quy định mới được thể hiện trong Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản quy định chi tiết khác.

Đặc biệt, thực hiện thống kê chi tiết, lập danh sách, xây dựng kế hoạch, và triển khai các hoạt động đánh giá, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đối với các cơ sở sản xuất giống thủy sản, thức ăn thủy sản, và sản phẩm xử lý môi trường thủy sản.

Đồng thời đề xuất mọi nỗ lực tập trung vào quản lý điều kiện chặt chẽ, đảm bảo tuân thủ các quy định mới để nâng cao chất lượng và an toàn trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.