Ông Nguyễn Hùng (57 tuổi, ở xã Nhơn Phong, thị xã An Nhơn Bình Định) cho biết, khi nước lũ bắt đầu lên, để 200 chậu mai 4 - 5 năm tuổi tránh ngập, ông dùng sõng và thuê thêm lao động chuyển mai từ ruộng để dọc theo hành lang tỉnh lộ 631, số mai này định xuất bán trong dịp Tết 2024.
Theo ông Lê Hùng (40 tuổi, ở xã Nhơn Hạnh), trước đây, bà con chỉ trồng vài chục chậu mai trong vườn nhà nên không lo ngập lụt, giờ trồng nhiều nên để dưới ruộng, cứ vào mùa mưa lũ là lo canh cánh mai bị ngập nước.
"Tôi có 5 sào mai đặt dưới ruộng, đang tập trung thuê lao động và phương tiện di chuyển số mai nhiều năm tuổi lên cao để xuất bán Tết, còn lại phải chịu ngập vì không còn chỗ để, sau khi nước lũ rút sẽ tăng cường chăm sóc để mai phục hồi", ông Hùng nói.
Tổng số mai bị ngập tại thị xã An Nhơn là 256.000 cây, trong đó có 36.000 cây (các loại năm tuổi) ở Nhơn Thành (ngập 30-50cm); 220.000 cây mai (năm 1-2 tuổi) ngập sâu 60 cm ở Nhơn Phong. Huyện Hoài Ân Hoa có 15ha màu các loại bị thiệt hại, diện tích bị bồi thủy phá 2,8ha, gia cầm bị chết 150 con.
Trong khi đó, theo ghi nhận của chúng tôi, mưa lớn đã gây ngập lụt ở vùng hạ lưu sông Kôn ở thị xã An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát và huyện Hoài Ân, Bình Định.
Tại thị xã An Nhơn có 50 tràn đường trên địa bàn, ngập từ 20cm đến hơn 60cm, 15 nhà bị ngập nước sâu, chính quyền đã tổ chức di dời 01 hộ ông Lê Đình Thuận (nhà bán kiên cố, vùng thấp trũng) với 6 nhân khẩu tại thôn Thanh Giang (Nhơn Phong) đến trụ sở thôn.
Còn tại huyện Phù Cát, tuyến đường ĐT640 - Cát Chánh, các tuyến đường khu Chánh Đạt và Tân Tiến - Cát Tiến, giao thông nông thôn ở xã Cát Thắng, Cát Nhơn ngập từ 0,2 - 0,5m.
Nhà dân ở xã Cát Chánh ngập khoảng 40 nhà (khoảng 5 - 10cm, thôn Chánh Định 25 nhà, Chánh Hội 15 nhà), ở thị trấn Cát Tiến có 45 nhà bị ngập từ 2 - 5cm (khu phố Tân Tiến), nhiều tuyến đường bê tông bị ngập sâu khoảng 1m, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn. Tại huyện Hoài Ân có 27 nhà bị ngập (xã Ân Hảo Đông 15 nhà, xã Ân Tường Đông 12 nhà).
Toàn tỉnh Bình Định có hơn 24.000 học sinh nghỉ học trên địa bàn các huyện Tuy Phước, Phù Cát, thị xã An Nhơn và thành phố Quy Nhơn vì nước lũ chia cắt đường đến trường.
Theo Văn phòng Thường trực Phòng chống thiên tai tỉnh Bình Định, đã có 1 người tử vong do lũ, nạn nhân là Hồ Nguyễn Hoàng Oanh (ở thôn Vinh Thạnh 2, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước), làm công nhân gỗ tại Phú Tài khi đi về lội qua tràn đường ĐH42 bị nước lũ cuốn trôi.
Lực lượng cứu hộ đã tìm được thi thể và bàn giao cho gia đình để mái táng. Lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Tuy Phước, các ngành và chính quyền địa phương đã đến nhà thăm hỏi động viên gia đình.
Ngoài ra, mưa lũ cũng sạt lở các tuyến đường giao thông, khiến việc đi lại của người dân bị khó khăn.
Tuyến đường từ xã Ân Nghĩa đi T4, T5 xã Bok Tới, huyện Hoài Ân có nhiều điểm sạt lở mái taluy dương và gây bồi lấp rãnh thoát nước với chiều dài 500m.
Tuyến đường từ xã Ân Hữu đi Đăk Mang bị sạt lở nhiều vị trí trên tuyến, gây xói lở, bồi lấp nền lề đường với chiều dài 1.000m. Các tuyến đường giao thông liên xã, liên thôn bị xói lở lề đường và bị sạt lở với tổng chiều dài trên 6.200m. Khu vực Canh Liên sạt lở mái taluy cầu tràn Kà Chuối 2 đoạn từ trung tâm xã về làng Kà Nâu; Sụt mấu cầu bản Làng Chồm.
Trạm bơm Tân Sơn xã Ân Hảo Tây, huyện Hoài Ân tiếp tục bị xói lở chân móng nhà trạm và gây nứt tường nhà trạm. Đoạn bờ suối dọc tuyến đường vào xóm 7, thôn Vạn Hội 1, xã Ân Tín sạt lở với chiều dài 170m.
Hệ thống nước sinh hoạt tự chảy xã ĐăkMang, Bok Tới bị bồi lấp đập chính và sạt lở, bồi lấp nhiều đoạn trên tuyến ống dẫn. Kênh mương chính và các tuyến xi phông: nhiều đoạn bị sạt lở, bồi lấp với tổng chiều dài 8.500m. Các đoạn bờ sông tiếp tục bị sạt lở xâm thực sâu vào trong đất liền với tổng chiều dài sạt lở 3.850m.
Khu vực xã Canh Thuận, huyện Vân Canh tại km 30+500 tuyến Quốc lộ 19c trên địa bàn thôn Kinh Tế xã Canh Thuận sạt lở bờ kè đoạn kè dọc sông Hà Thanh làm ảnh hưởng 2 nhà dân.
Khu vực xã Canh Hiển, đoạn sạt lở thuộc hạ lưu lòng suối bà Lương, hiện trạng sạt lở bờ đất canh tác hai bên, chiều dài mỗi bên khoảng 140m. Vị trí sạt lở nghiêm trọng nằm ngay lưng đường cong có nguy cơ tiếp tục sạt lở sâu vào khu vực có nhà dân đang ở (hiện tại có 4 hộ dân đang sinh sống ổn định), khoảng cách từ điểm sạt lở đến nhà dân gần nhất khoảng 10m.
Ngoài ra, còn ảnh hưởng đến khoảng 2ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp và 3 trụ đường dây tải điện 220KV gần khu vực sạt lở. Đường ống cấp nước sinh hoạt bị tụt gãy, rò rỉ nước đoạn cầu tràn Kà Chuối 2.