Clip: Chị Đặng Thị Tuyền - chủ cơ sở chế biến thực phẩm Trinh Tuyến, thôn Quần Mục, xã Đại hợp (huyện Kiến Thụy TP Hải Phòng) chia sẻ về sản phẩm chả cá chày. Thực hiện: Thu Thủy
Những năm qua, các cấp Hội Nông dân thành phố Hải Phòng đã tích cực hướng dẫn, hỗ trợ thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp để liên kết những nông dân có chung ngành nghề sản xuất. Hoạt động này đã góp phần quan trọng giúp hàng nghìn nông dân phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập.
Giúp nhau làm giàu, cải thiện thu nhập
Chi hội nghề nghiệp sản xuất chả cá chày Đại Hợp (huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng) là một trong những chi hội nghề nghiệp hoạt động khá hiệu quả. Các thành viên trong Chi hội đều có nghề đánh bắt xa bờ và chế biến món chả cá chày theo phương pháp truyền thống, được nhiều người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng.
Ghi nhận tại cơ sở sản xuất chả cá chày Trinh Tuyến, thôn Quần Mục, xã Đại hợp (huyện Kiến Thụy TP. Hải Phòng) – một trong những thành viên điển hình thuộc Chi hội nghề nghiệp sản xuất cá chày Đại Hợp.
Tại đây, cá chày được gia đình thu mua về sơ chế, rửa sạch, chặt đầu, bỏ da, dùng thìa nhỏ nạo thịt cá chày để loại bỏ xương dăm và không lẫn ruột. Tiếp tục trộn gia vị đều mang xay cùng với mực theo tỉ lệ 70% cá chày, 30% cá mực. Sau đó mang ủ vào tủ đá từ 10 -12 tiếng, tiếp tục mang xay lại và đập nhiều lần mới cho ra khuôn và mang rán.
Trao đổi cùng báo Dân Việt bà Ngô Thị Thanh Lơi – Chi hội trưởng chi hội nghề nghiệp sản xuất cá chày Đại Hợp (huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng) cho biết, sản phẩm chả cá chày vốn là sản phẩm đặc trưng từ biển, được chế biến bằng phương pháp truyền thống. Tuyệt đối không sử dụng chất phụ gia trong quá trình sản xuất.
Trước đây, sản phẩm chả cá chày Đại Hợp chỉ tiêu thụ trong bán kính của địa bàn của huyện Kiến Thụy và một lượng rất ít tại các vùng lân cận. Nhưng từ khi thành lập Chi hội nghề nghiệp, các cơ sở sản xuất có điều kiện giao lưu học hỏi kinh nghiệm, cùng nhau phát triển, nên mặt hàng chả cá chày bán được nhiều hơn trước gấp bội.
"Đến nay, nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã biết đến thương hiệu chả cá chày Đại Hợp. Vì các thành viên trong Chi hội nghề nghiệp đã nhanh nhạy áp dụng công nghệ số. Lập fanpage quảng bá, bán hàng trên mạng. Nhờ đó, sản phẩm chả cá chày cũng khẳng định được chỗ đứng vững vàng trên thị trường cả nước, việc tiêu thụ khá thuận lợi, giá cả ổn định hơn" – bà Lơi chia sẻ.
Các chi, tổ hoạt động theo nguyên tắc "5 cùng, 5 tự"
Cũng theo bà Lơi, Chi hội nghề nghiệp sản xuất chả cá chày Đại Hợp gồm 18 thành viên đại diện cho 18 cơ sở sản xuất, hoạt động tuân thủ theo nguyên tắc "tự giác, tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm" để nâng cao chất lượng sản phẩm chả cá chày, đảm bảo an toàn, xứng đáng là đặc sản của người dân vùng biển xã Đại Hợp.
Cũng giống Chi hội nghề nghiệp sản xuất chả cá chày Đại Hợp chi, tổ Hội nông dân nghề nghiệp thôn 1 Hà Nhuận, xã An Hoà, huyện An Dương và Chi, tổ Hội nông dân nghề nghiệp Khu dân cư Lam Sơn, thị trấn Vĩnh Bảo, huyện Vĩnh Bảo đều là những tổ, chi hội hoạt động hiệu quả, mang lại thu nhập cao trong sản xuất.
Theo ông Ngô Văn Đạo, Chi Hội trưởng chi Hội nghề nghiệp thôn 1 Hà Nhuận, xã An Hoà, huyện An Dương cho biết, địa phương ông là một trong những địa phương tiên phong trong việc triển khai thực hiện thành lập chi, tổ Hội nông dân nghề nghiệp. Chi, tổ hội ông Đạo phụ trách tập hợp trên 50 hộ cùng nhau trồng ổi lê với diện tích gần 50 ha. Trồng ổi lê cho thu nhập quanh năm, rủi ro ít, hàng dễ tiêu thụ, nhiều khi khan hàng. Đặc biệt, mặt hàng này tiêu thụ khá ổn định, thương lái lấy tận vườn và được giá.
Cũng cùng mô hình ổi lê và cùng là thành viên của chi, tổ hội nghề nghiệp địa bàn huyện Vĩnh Bảo, trên cánh đồng Vua, khu dân cư Lam Sơn (thị trấn Vĩnh Bảo, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) gia đình anh Phạm Đức Hùng, vợ là Nguyễn Thị Thảo canh tác giống ổi lê Đài Loan đang cho thu hoạch, giá bán gấp 2 lần mà vẫn cháy hàng.
Trao đổi cùng báo Dân Việt, ông Phạm Ngọc Cảnh - Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Vĩnh Bảo (huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) cho biết, tại địa phương có hộ anh chị Hùng Thảo và hộ ông Phạm Văn Mạnh (bố anh Hùng) được đánh giá cao về mô hình trồng ổi. Từ mô hình trồng ổi hiểu quả của bố con nhà anh Hùng đã nhân rộng cho nhiều hộ dân khác trong khu dân cư.
Hiện nay, thị trấn có khoảng 36 ha với 48 Hội viên tham gia vào Chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp KDC Lam Sơn, thị trấn Vĩnh Bảo, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng. Các hộ trồng ổi có thu nhập ổn định, ít rủi ro, hơn nhiều lần trồng cấy lúa. Trừ chi phí, 1 năm cho thu nhập hơn 100 triệu/năm.
Theo ông Đỗ Đức Chung – Trưởng Ban Kinh tế -Xã hội, Hội Nông dân TP Hải Phòng, đây là một trong những Chi hội nghề nghiệp đầu tiên của xã Đại Hợp được thành lập theo đề án xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam triển khai.
Theo thống kê năm 2021, TP Hải Phòng các cấp Hội đã thành lập 9 Chi, tổ Hội nông dân nghề nghiệp với 191 thành viên; năm 2022 thành lập 24 chi, tổ Hội nông dân nghề nghiệp với 460 thành viên và năm 2023 thành lập 35 chi, tổ Hội nông dân nghề nghiệp với 595 thành viên.
Đến nay, toàn TP Hải Phòng đã thành lập 68 chi, tổ HND nghề nghiệp. Các mô hình này đã phát huy hiệu quả, tạo nhiều sản phẩm và thu nhập cho nông dân, góp phần đổi mới hình thức hoạt động Hội.
Cả nước đã có gàn 30.000 Chi, tổ hội nghề nghiệp, tập hợp được hơn 450.000 hội viên
Phát biểu tại khai giảng lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về phát triển chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp cho cán bộ Hội Nông dân cơ sở ngày 15/11 mới đây, Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm cho biết: "Nhằm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức cơ sở Hội và đa dạng hình thức tập hợp, thu hút hội viên nông dân vào tổ chức Hội và nâng cao chất lượng hội viên, Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã ban hành Đề án số 24 về xây dựng Chi hội nông dân nghề nghiệp, Tổ hội nông dân nghề nghiệp".
Trên cơ sở tổng kết 3 năm thực hiện Đề án số 24; Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII đã ban hành Nghị quyết số 04 về đẩy mạnh xây dựng Chi hội nông dân nghề nghiệp, Tổ hội nông dân nghề nghiệp. Tất cả cán bộ Hội Nông dân ai cũng phải biết nội dung hoạt động này.
Đồng chí Bùi Thị Thơm nhấn mạnh: Với chủ trương, chỉ đạo đúng nên trong suốt thời gian qua việc thành lập chi tổ hội nông dân nghề nghiệp đã phát triển mạnh mẽ tại các địa phương, đặc biệt phát triển mạnh tại các tỉnh trong miền Nam.
Đến nay, các cấp Hội Nông dân đã thành lập được 3.165 Chi hội nông dân nghề nghiệp với trên 72.673 hội viên; thành lập mới 13.754 hội viên; 26.419 Tổ hội nông dân nghề nghiệp với 381.758 hội viên tham gia.
Theo đồng chí Bùi Thị Thơm: Điểm nổi bật của chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp không chỉ tập hợp được nông dân mà còn thu hút được các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các nhà trí thức, các chủ trang trại, các HTX cùng tham gia. Trên cơ sở có sự tham gia của các nhà trên đã giúp cho người nông dân được nâng cao kiến thức, nâng cao phương thức sản xuất.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Chí Quang:
Các Chi, tổ hội nghề nghiệp của nông dân đang hoạt động rất tốt
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Chí Quang thăm mô hình phát triển kinh tế của Chi hội nón lá Phong Sơn, huyện Phong Điền. Ảnh: B.X.D.H.
Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo xây dựng thêm các chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp, góp phần tăng khả năng dẫn dắt của tổ chức Hội đối với hội viên nông dân trong phát triển kinh tế, làm giàu.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn tạo điều kiện các thành viên trong chi, tổ hội nghề nghiệp tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới và tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi.
Trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân ở tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể để khai thác thêm nguồn lực hỗ trợ các chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp hoạt động có hiệu quả. Hiện toàn tỉnh đã xây dựng được 40 chi hội nông dân nghề nghiệp và 189 tổ hội nông dân nghề nghiệp với 4.548 hội viên tham gia hoạt động trên các lĩnh vực sản xuất như: Nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản; sản xuất, chế biến lâm nghiệp; trồng sen, trồng rau an toàn, cây ăn quả; nuôi ong; chăn nuôi trâu, bò sinh sản, gà đồi, dê...
Các chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp hoạt động theo nguyên tắc "5 tự", "5 cùng" là "tự giác, tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm" và "cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng chịu trách nhiệm; cùng hưởng lợi.
Ông Nguyễn Văn Nguồn- Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang:
Thành lập Chi, tổ hội nghề nghiệp mở ra cơ hội phát triển kinh tế tập thể
Toàn tỉnh hiện có 458 chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp với hơn 6,5 nghìn hội viên. Từ đầu năm đến nay, các huyện, TP thành lập 53 chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, gần 800 thành viên tham gia. Riêng huyện Tân Yên thành lập mới 5 tổ, huyện Hiệp Hòa thành lập 6 tổ. Hầu hết các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp được hỗ trợ vay vốn ưu đãi để sản xuất từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân các cấp.
Đến nay, toàn tỉnh có 458 chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp với 6.568 hội viên. Trong đó 55 chi hội nông dân nghề nghiệp với 1.750 hội viên. Các chi, tổ hội hoạt động đa dạng các ngành nghề như: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, sản xuất, chế biến nông sản, mộc dân dụng…
Chỉ riêng các chi, tổ HND nghề nghiệp của Hiệp Hòa đã được vay hơn 9,1 tỷ đồng. Nhiều chi, tổ hội được HND tỉnh, chính quyền các huyện, TP mời các kỹ sư, chuyên gia trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, dịch vụ đến tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật, xây dựng các mô hình mẫu để hội viên học tập, làm theo… Đồng thời, kết nối các doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh liên kết sản xuất, thu mua sản phẩm.
Theo đánh giá của HND tỉnh, bước đầu hoạt động của các chi, tổ hội nghề nghiệp đã đi vào nền nếp, phát huy hiệu quả các nguồn vốn, nâng cao thu nhập, tạo sự gắn kết giữa các thành viên khi có chung lợi ích, trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh.
Nhiều chi, tổ HND nghề nghiệp tiêu biểu đã chuyển sang mô hình HTX như: HTX Na dai Nghĩa Phương (Lục Nam), HTX Ba kích tím Thanh Luận (Sơn Động), HTX Nuôi trồng thuỷ sản Quế Sơn (Hiệp Hòa).
Nhiều chi, tổ hội đang hướng tới phát triển thành HTX và xây dựng thương hiệu sản phẩm, như: Chi HND nghề nghiệp Sản xuất, tiêu thụ bánh chưng Vân, xã Hoàng Vân (Hiệp Hòa), Chi HND nghề nghiệp trồng cây ăn quả, xã Đông Phú (Lục Nam), Chi HND nghề nghiệp chăn nuôi lợn, xã Quỳnh Sơn (Yên Dũng), Tổ HND nghề nghiệp trồng hoa, xã Hương Sơn (Lạng Giang)...
Ttừ mô hình chi, tổ HND nghề nghiệp sẽ mở ra hướng xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, hình thức tổ chức sản xuất tập trung, hiệu quả, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, tăng cường mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, HTX, hiệp hội ngành hàng và thị trường.
Về lâu dài, việc xây dựng các chi, tổ HND nghề nghiệp sẽ tạo tiền đề cho việc thành lập các tổ hợp tác, HTX, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng trong việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.