Madame Liên hay Shark Liên (doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên) là nhà sáng lập ứng dụng bảo hiểm LIAN, đồng thời là Lãnh sự danh dự của Nam Phi tại TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần nước mặt Sông Đuống, Chủ tịch Quỹ Môi trường Xanh Việt Nam (Green Vietnam Fund), Hiệu trưởng trường Đào tạo Quản lý Doanh nghiệp (CBAM).
Trong các số Shark Tank, bà Đỗ Thị Kim Liên nhiều lần hứng thú chia sẻ về xuất thân nhà giáo của mình và bày tỏ sự ủng hộ với những dự án đầu tư liên quan đến giáo dục. Bà cũng từng theo định hướng gia đình, trở thành sinh viên của Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội II và có 3 năm giảng dạy sau tốt nghiệp.
Dù vậy, bà từng chia sẻ, ẩn sâu bên trong bà là con người có chút "nổi loạn", không thể làm những việc giống nhau mỗi ngày. Nghề giáo là nghề cao quý, nhưng không cho bà cơ hội được sáng tạo nhiều. Do vậy, bà cho rằng, với tính cách mạnh mẽ của bản thân sẽ thích hợp với thương trường hơn. Vì lẽ đó, 'vị cá mập' quyết tâm dấn thân vào kinh doanh.
Năm 2005, Madame Liên sáng lập ra Công ty bảo hiểm AAA. Tuy nhiên, năm 2013, khi Bảo hiểm AAA đang ở giai đoạn đỉnh cao, nữ doanh nhân sinh năm 1968 bất ngờ tuyên bố rút toàn bộ vốn dưới hình thức chuyển nhượng cổ phần cho Tập đoàn Insurance Australian Group (IAG) của Australia. Ngay cuối năm 2013, Shark Liên lập Công ty AAA Plus chuyên tư vấn tài chính, M&A, quản lý tài sản và môi giới kinh doanh, đầu tư.
Tuy nhiên, 'mối duyên' giữa Shark Liên và bảo hiểm lại được tiếp tục bằng việc bà 'tái xuất' thị trường bảo hiểm phi nhân thọ với ứng dụng bán bảo hiểm LIAN - Bảo hiểm 24/7, ứng dụng bảo hiểm đầu tiên ở Việt Nam. Bà Liên đóng vai trò là cố vấn đặc biệt của Bảo hiểm Viễn Đông, cũng là nhà sáng lập ứng dụng Bảo hiểm LIAN.
Ngoài bảo hiểm, bà còn sáng lập Tập đoàn AquaOne, Công ty cổ phần nước mặt Sông Đuống chuyên xử lý và cung cấp nước sinh hoạt.
Thầy "Thành thép" là cái tên thân thương mà bao thế hệ học trò đã đặt cho thầy giáo, doanh nhân Trần Nhật Thành – Nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Dealta (Dealta Group).
Xuất thân từ mảnh đất Xứ Nghệ, doanh nhân Trần Nhật Thành là cựu học sinh của Trường chuyên Phan Bội Châu. Năm 1975, sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành kỹ thuật xây dựng của Đại học Kharcop, Liên bang Xô Viết, ông về nước làm giảng viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Bên cạnh đó, ông từng đảm trách chức vụ Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng – nơi mà sau này, ông đã gây dựng nên Tập đoàn Dealta.
Ông Thành từng chia sẻ: "Quan điểm của tôi không phải chọn người học giỏi nhất bởi người học giỏi nhất chưa chắc đã là người làm việc giỏi nhất. Những người được chúng tôi chọn là người có tư cách, yêu nghề, ham học và có chí tiến thủ".
Do vậy, Dealta không lựa chọn cách thức thu hút nhân tài từ các doanh nghiệp khác mà lựa chọn chủ động đào tạo người tài có sẵn trong công ty một các bài bản. Bằng kỹ thuật công nghệ hiện đại và chất lượng nguồn nhân lực, DELTA đã tự tạo dựng nên thương hiệu của mình bằng nhiều công trình, dự án lớn nhỏ khác nhau. Nổi bật là thi công móng cọc và tầng hầm cho các công trình cao nhất Việt Nam: Bitexco Financial Tower, Lotte Center Hanoi, Keangnam Hanoi Landmark, .... Thi công xây dựng các khu đô thị, các dự án lớn như Times City, Royal City, Goldmark City, Sunbay Park... và thi công các công trình tầng hầm sâu nhất, lớn nhất như: Trung tâm thương mại VIncom Centre, Royal City, Eden, ...
Ông Trương Gia Bình tốt nghiệp khoa Toán cơ, Đại học Tổng hợp Hà Nội, sinh ra trong gia đình trí thức có bố là bác sĩ nổi tiếng Trương Gia Thọ. Bên cạnh đó, ông cũng tốt nghiệp ngành Toán học và Vật lý học Đại học Moskva năm 1979 và cũng lấy bằng tiến sĩ ngành này tại Đại học Moskva.
Sinh năm 1956, ông Trương Gia Bình từng là Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm Việt Nam (VINASA) từ năm 2001, Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam (với số lượng thành viên lên tới 2500 doanh nghiệp trên 43 tỉnh thành của Việt Nam) từ năm 1998, Trưởng Khoa Quản trị Kinh doanh (Đại học Quốc gia Hà Nội) từ năm 1995, và Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT.
Trong một lần tâm sự với báo giới, ông Bình từng chia sẻ: “Năm 1985, tôi về Việt Nam, một người bạn than thở: “Bình ơi, đói quá không nuôi nổi vợ con, mình phải làm cái gì đi chứ?”. Vượt lên nghèo khó vốn là một suy nghĩ ấp ủ trong tôi từ lâu, và tôi quyết định lập nhóm “Nhiệt và chất” ở Viện Cơ rồi bắt đầu làm kinh tế. Năm 1988, FPT chính thức ra đời với 13 thành viên”.
Dưới sự 'chèo lái' của ông, từ 13 thành viên ban đầu, FPT đã trở thành một Tập đoàn IT và viễn thông Việt Nam, đạt 1 tỷ USD doanh thu trong năm 2008.
Ông Trương Gia Bình cũng là người có công lớn thành lập Khoa Quản trị Kinh doanh (HSB) trực thuộc Đại học quốc gia Hà Nội. Năm 2006, công ty của ông đã thành lập trường Đại học FPT, trường đại học tư nhân đầu tiên của Việt Nam do ông nắm giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị. Dẫu vậy, vị Chủ tịch FPT cũng vẫn tham gia vào các hoạt động giảng dạy. Một số môn học ông trực tiếp đứng lớp như Nghệ thuật lãnh đạo, Văn hóa doanh nghiệp...
Nói về mong ước của mình đối với nền giáo dục trong tương lai, ông Bình từng chia sẻ: "Tôi cho rằng, cần đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng toàn cầu hóa, hiện đại hóa và lấy học viên làm trung tâm".