Trước kia đời sống người dân xã Mường Đun rất khó khăn vì đất sản xuất ít. Thu nhập chính của bà con chỉ từ việc lên rừng khai thác lâm sản phụ, làm nương. Không có thu nhập, dân bản cũng hay bị kẻ xấu lợi dụng thuê vào rừng chặt cây bán cho chúng.
Nhưng về xã Mường Đun hôm nay, những cánh rừng đang được hồi sinh. Từ ngày nhận khoanh nuôi bảo vệ rừng và được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân rất phấn khởi, ai cũng xác định gắn bó với rừng, không chặt phá cây rừng và nhà nào cũng có người tham gia tổ bảo vệ rừng của bản.
Ông Lò Văn Phung, Bản Hột, xã Mường Đun (huyện Tủa Chùa) người nhận và khoanh nuôi hơn 7,3 ha rừng, nhiều nhất bản Hột, ông Phung cho biết: Bản Hột có 47 hộ gia đình nhận khoanh nuôi, bảo vệ 67,62ha rừng và được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng từ diện tích trên. Vì vậy tôi và bà con dân bản quý rừng lắm. Những ngày nắng ráo, chúng tôi lên rừng gom củi khô về đun nấu, tìm cây thuốc chữa bệnh, kết hợp phát dọn thực bì để phòng chống cháy rừng và hàng ngày đi tuần rừng để không cho ai chặt phá rừng của bản.
Năm 2022, xã Mường Đun được chi trả hơn 1 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng và là năm thứ 11 dân Mường Đun được nhận tiền bảo vệ rừng từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Điện Biên. Đến nay diện tích rừng giao cho người dân trong bản quản lý đều phát triển tốt; rừng không bị xâm hại, không xảy ra tình trạng phá rừng làm nương. Để khai thác tiềm năng rừng bền vững, dân bản còn trồng sa nhân dưới tán rừng.
Với nhiều cộng đồng bảo vệ rừng tốt như bản Hột, đến nay tỷ lệ che phủ rừng của xã Mường Đun đạt 56,2% (tăng 19,3% so với năm 2015). Năm 2022, diện tích rừng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng của xã Mường Đun là 229,8ha; Từ việc giao khoán diện tích rừng cho 181 hộ gia đình chăm sóc và bảo vệ, từ năm 2011 đến nay, hàng năm người dân có thêm khoản thu ổn định từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Năm 2022, toàn xã được chi trả hơn 1 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng.
Khai thác tiềm năng kinh tế rừng, tăng thu nhập để thoát nghèo, đồng thời góp phần bảo vệ, phát triển rừng. Bên cạnh việc khoanh nuôi, bảo vệ rừng, năm 2019 xã Mường Đun triển khai trồng 3ha sa nhân trong dự án "Sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây sa nhân xanh"; năm 2020 trồng 10ha mắc ca. Thông qua các mô hình sinh kế, đến nay cho thấy từng bước người dân vùng cao đã thay đổi cách nghĩ và cách làm, biết tận dụng tiềm năng về đất, rừng để tạo thêm nguồn thu nhập, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Gia đình ông Cà Văn Đỉnh, bản Đun Nưa (xã Mường Đun, huyện Tủa Chùa) là một trong những hộ tham gia mô hình trồng sa nhân xanh dưới tán rừng được nhận khoanh nuôi bảo vệ. Ông Đỉnh cho biết: Hiện nay, sau hơn 4 năm trồng, cây sa nhân phát triển rất tốt, một số diện tích trồng sang năm thứ 2 bắt đầu bói quả. So với các loại cây trồng khác, cây sa nhân không phải làm cỏ và chỉ bón phân một lần lúc mới trồng, nên chi phí đầu tư ít. Trồng cây sa nhân còn góp phần tạo thảm thực vật dưới tán rừng để bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Ông Cà Văn Phiến, Chủ tịch UBND xã Mường Đun cho biết: Những năm qua, hiệu quả từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tác động tích cực đến ý thức và đời sống người dân. Từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân đầu tư mua cây, con giống phát triển chăn nuôi, trồng trọt... Với mô hình trồng sa nhân dưới tán rừng không những tạo ra sản phẩm có giá trị còn góp phần giữ độ che phủ mặt đất, chống xói mòn, rửa trôi và bạc màu đất để rừng phát triển tốt hơn.