Hai loài thú hoang mang nguồn gien cổ đại đang được bảo vệ nghiêm ngặt khu rừng ở Quảng Nam
Hai loài thú hoang mang nguồn gien cổ đại đang được bảo vệ nghiêm ngặt trong khu rừng ở Quảng Nam
Chủ nhật, ngày 19/11/2023 14:17 PM (GMT+7)
Những đôi chân mải miết trên từng ngóc ngách của cánh rừng già Đông Giang (Quảng Nam), đôi tay rớm máu gỡ lấy những chiếc bẫy thú. Trọng trách của họ, là bảo tồn cho 2 loài thú mang nguồn gen cổ đại là Sao la và Mang lớn.
Nhưng, để bảo tồn được hai loài thú có nguy cơ tuyệt chủng cực kỳ cao này thì đòi hỏi không biết bao nhiêu máu, mồ hôi của những con người thầm lặng.
Ngủ lán, ăn rừng
Chúng tôi tới Khu bảo tồn Sao la Quảng Nam (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) kịp lúc cùng anh Lê Ka Thắng (48 tuổi, nhân viên khu bảo tồn) và bốn người khác chuẩn bị đi về hướng cánh rừng tỏa sương khói mù mịt.
Chuyến đi của họ dự kiến sẽ kéo dài 8 ngày, trong ba lô mỗi người đem máy bẫy ảnh, gạo, thức ăn, túi ngủ, võng, áo quần... nặng hơn 20kg.
Đôi chân của họ được bảo vệ bằng đôi tất kéo dài lên phía trên gối rồi bó lại để chống vắt - loại sinh vật hút máu đầy rẫy trong rừng. Họ men theo con suối rồi luồn sâu vào rừng bằng lối mòn nhỏ chằng chịt cây cối. Chừng hơn 2 tiếng đồng hồ thì họ dừng lại ở cái chòi được dựng tạm làm nơi che nắng che mưa để nghỉ ngơi.
Sau bữa ăn sáng, anh Thắng cùng đồng nghiệp tay cầm cây rựa, khoác ba lô đi đặt bẫy ảnh. Họ luồn qua cây rừng chằng chịt dây leo nằm xếp lớp, dưới chân, im ắng đến cảm giác nghe được tiếng vắt núi bắt đầu đánh hơi người, búng lách tách dưới tán lá...
Giữa rừng già, chẳng cần la bàn hay bản đồ, những đôi chân vẫn thoăn thoắt đến từng vị trí một cách chính xác bởi họ đã quá quen thuộc cung đường này trong chừng ấy năm.
Anh Thắng cười, tếu táo: “La bàn nhiều lúc còn hư, chứ chúng tôi thì không”. Nói rồi anh dùng rựa phát những dây leo đang bám quanh một gốc cây, rồi thao tác lắp bẫy ảnh. “Mỗi bẫy ảnh cách nhau 2km. Vị trí đặt bẫy là những nơi ít cây mọc để camera có thể ghi lại một khoảng không gian rộng” - anh Thắng giải thích.
Để có thể chụp được hình ảnh con Sao la (cao khoảng 0,9m), một kiểm lâm viên phải quỳ, bò xuống đất để người khác căn chỉnh bẫy ảnh.
Bẫy sau đó được gắn vào gốc cây và khóa chặt, theo chu kỳ hai tháng thay pin và thu thẻ nhớ lấy dữ liệu. “Lịch trình là như vậy nhưng vài ngày phải đi kiểm tra xem có người phá, xê dịch hoặc lá cây rụng xuống che ống kính camera hay không” - anh Thắng nói.
Đến trưa, 5 bẫy ảnh được gắn xong, nhóm anh Thắng dừng chân bên suối nấu ăn. Thức ăn gồm cá khô, thịt ướp muối sẵn để nguyên trong nồi, mỗi người lấy một hòn đá làm ghế ngồi xung quanh. Bữa cơm ăn vội, họ tiếp tục lên rừng làm việc.
Khi mặt trời rơi dần về cuối gốc cây cổ thụ, cả nhóm quay về bãi đất ven suối tương đối bằng phẳng rồi dựng lán để ngủ qua đêm.
“Mùa nắng đi tuần tra còn đỡ, còn mùa mưa, nhiệt độ trong rừng lúc nào cũng 10 độ C. Ngủ giữa rừng phải luôn để bếp lửa cháy xuyên đêm, đề phòng thú dữ” - anh Ating Đông (37 tuổi, thành viên nhóm) chia sẻ.
Anh Đông kể, trong ngót 10 năm gắn bó với nghề này, không biết bao nhiêu lần đối diện với nguy hiểm. Nhưng có lẽ, nhớ nhất là vào năm 2014, trong một lần tuần tra ở tiểu khu 34, anh gặp mưa lũ kéo dài.
Lương thực, thực phẩm mang theo hết sạch, trong khi nước dâng vây quanh ngọn núi, không còn lối ra. Để có cái lót dạ, nhóm 5 người ăn rau rừng, củ chuối. Đến ngày thứ hai, mưa lớn tiếp diễn, lán trại bị cuốn trôi.
“Ở trong rừng thì chết đói nên chúng tôi cắt nhỏ tấm bạt, bỏ áo quần vào, thổi khí vào buộc chặt. Khi thả xuống nước nó giống như một phao cứu sinh để bơi qua sông” - anh nhớ lại.
Anh Đông và bốn người đang bơi bị nước cuốn nhưng may mắn níu được vào cây rừng đổ xuống suối thoát chết. Họ băng rừng tìm đến nhà dân và được nấu cho ăn. “Thế mà vẫn bám với nghề, không sợ à?” - tôi hỏi. Anh chỉ cười: “Sợ chứ, nhưng nghề nó chọn rồi! Biết sao được”…
Sau hai ngày quần quật, nhóm anh Thắng cùng đồng nghiệp đặt xong 30 bẫy ảnh. Họ lại chia nhau đi tuần tra bảo vệ rừng kết hợp nhặt phân của động vật hoang dã và bắt sên, vắt. Một ngày, mỗi người bắt 2.000 con sên, vắt mang về xét nghiệm máu để xác định trong khu vực này có Sao la sinh sống hay không.
Tuyên chiến với bẫy thú
Ở phía bên Vườn quốc gia (VQG) sông Thanh cũng phát hiện được sự tồn tại của loài Mang lớn - một loài thú mang nguồn gen cổ đại có nguy cơ tuyệt chủng cực cao. Vì thế, ngoài nhiệm vụ giữ rừng, những cán bộ của VQG còn thêm một trọng trách: giữ gìn an toàn đa dạng hệ sinh thái cho loài thú quý hiếm.
Ông Đinh Văn Hồng - Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý VQG sông Thanh nói: “Để đảm bảo môi trường sinh sống cho loài thú quý hiếm này, thì việc đầu tiên, là phải loại bỏ hoàn toàn bẫy thú và nạn săn bắt động vật quý hiếm. Mà muốn làm được điều đó, thì phải có sự cố gắng từ cả phía người dân và lực lượng chuyên trách”.
Sự “cố gắng” mà ông Hồng nói, không hề dễ. Là bởi, đặt bẫy săn thú là thói quen lâu nay của những người dân địa phương lấy rừng làm kế sinh nhai.
“Cấm họ đặt bẫy, là cướp đi miếng ăn của họ. Đơn giản là thế, nên rất khó. Nhưng rồi cũng phải làm. Thậm chí, nhiều khi phải cứng rắn, rồi sau đó, tìm những cán bộ là con em ở địa phương về giải thích cho họ hiểu. May là đến hiện tại, cùng với việc giải quyết sinh kế cho người dân, họ gần như đã bỏ dần thói quen này” - ông Hồng cho hay.
Những cán bộ ở Khu bảo tồn Sao la cũng không tránh khỏi “đau đầu” với bẫy thú. Anh Blúp Cam (29 tuổi, cán bộ khu bảo tồn) giải thích, tập quán của người địa phương, họ vào rừng đặt bẫy nhưng bị người khác phá bẫy hay giải thoát thú là điều rất kiêng kỵ.
Người dân quan niệm việc tháo bẫy là có tội với thần rừng, bởi từ bao đời nay họ sống nhờ thần rừng giúp đỡ. Thú rừng là nguồn thực phẩm cho gia đình và cộng đồng.
Những ngày đầu vào làm việc ở Tổ tuần tra quản lý bảo vệ rừng, Blúp Cam bị dân làng ghét bỏ. Nhiều lần người dân đặt bẫy và sau đó bị tổ tuần tra phá bỏ, họ tìm đến nhà Blúp Cam đổ tội. Lần khác trong làng có người chết, họ nói do Blúp Cam và các thành viên tổ tuần tra chặt bẫy, thả thú nên “ma rừng về bắt”.
Hằng năm, hàng ngàn bẫy thú vẫn được đặt trong rừng, và các cán bộ quản lý rừng lại phải đi tháo dỡ. Một tập quán, muốn thay đổi chưa bao giờ là dễ dàng. Đó cũng là điều mà những cán bộ các khu bảo tồn hiểu rõ.
“Phải làm thế nào để cân bằng giữa việc bảo vệ rừng, bảo vệ những loài thú quý hiếm đồng thời có hướng cải thiện cuộc sống cho người dân bản địa. Đó mới là chuyện lâu dài và bền vững” - ông Đinh Văn Hồng chia sẻ.
Đã 10 năm kể từ ngày bẫy ảnh ghi nhận được sự tồn tại của Sao la, đến nay thì không còn tìm thấy chúng nữa. Đối với Mang lớn, từ năm 2017, hình ảnh của loài thú quý hiếm này được ghi nhận tại VQG sông Thanh.
Tuy loài Mang lớn vẫn thường xuyên xuất hiện hơn trong các bẫy ảnh, song nạn săn bắt bất hợp pháp cũng đã khiến quần thể loài này bị suy giảm nghiêm trọng. Vì vậy, việc bảo tồn, đảm bảo đa dạng sinh học, môi trường sống cho hai loại thú quý hiếm luôn khiến những cán bộ nơi đây trăn trở.
“Cho đến nay chúng ta vẫn chưa có một chiến lược bảo tồn cụ thể nào để bảo vệ các quần thể Mang lớn đang có nguy cơ tuyệt chủng này. Điều duy nhất chúng tôi có thể làm, là cố gắng bảo vệ những cánh rừng đặc dụng, rừng nguyên sinh này để tạo môi trường sống cho chúng” - ông Đinh Văn Hồng chia sẻ.
***
Sương đêm tràn ra từ những khe đá. Lạnh buốt. Mấy anh em trong tổ tuần tra cuộn tròn trong chiếc chăn mỏng, chốc chốc lại ngóc đầu ngước nhìn về phía xào xạc. Họ, ngủ mà như không, phần vì lạnh, phần phải canh chừng những nguy hiểm có thể ập đến bất ngờ. Cứ như thế, đã ròng rã gần chục năm nay…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.