Hiện, anh Trần Xuân Vinh thuê 14ha đất ruộng trồng lúa kém hiệu quả ở xã Long Phước (huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh) để chuyển sang trồng chuối sáp nghệ.
Sau vài nhát chặt của anh Vinh, cây chuối sáp to đùng đổ ầm xuống đất. Số phận cây chuối mẹ chấp dứt sau khi bị cắt buồng trái để đàn con trồi lên tiếp tục sinh sản.
"Tôi thích trồng chuối vì rất dễ mà cũng ăn chắc", xách buồng chuối đi, anh Vinh nói gọn lỏn.
Theo anh Vinh, vườn chuối này anh trồng từ năm 2018, sau khi chân ướt, chân ráo từ Tiền Giang lên. Giống chuối sáp này anh cũng lấy từ tỉnh An Giang lên.
"Chất lượng loại chuối sáp này khỏi phải bàn, dẻo, ngọt, thị trường ưa thích, đầu ra ổ định", anh Vinh tiếp thị.
Về kỹ thuật trồng chuối sáp, anh Vinh chia sẻ, thay vì lên liếp trồng chuối sáp như các hộ nông dân khác, anh xẻ rãnh trên ruộng đất lúa để tăng cường thoát nước cho vườn chuối sau này.
"Cây chuối không sợ ngập nước. Nó có thể chịu ngập 1-2 tuần mà không chết. Nhưng nếu để ngập nước kéo dài, cây sẽ cho năng suất thấp", anh Vinh thổ lộ.
Sau khi xẻ rãnh thoát nước, anh Vinh bắt đầu đào hố để đặt giống. Mỗi hố cách nhau khoảng 3m. Trước khi đặt giống, anh bón lót, như phân lân, phân chuồng ủ hoai mục. Mỗi hố đặt giống chuối anh bón 5-10kg phân nhằm tạo dinh dưỡng và làm tơi xốp đất.
"Khi thấy gốc chuối bén rễ, ra lá thì trộn phân NPK với nước rồi phun tưới. Sau đó, bỏ thêm diêm ở gốc chuối là được", anh Vinh cho biết.
Theo anh Vinh, từ khi đặt giống đến khi cây chuối trổ buồng, ra hoa là khoảng 7-8 tháng. Sau 1 tuần ra hoa, chuối sẽ cho trái. Lúc này có thể thu hoạch phần hoa chuối. Khoảng 100 ngày sau, nông dân thu hoạch buồng chuối. Mội buồng chuối sáp có 6-8 nải, nặng 8-12kg/buồng.
Theo anh Vinh, việc bán bắp chuối đã đủ chi phí phân thuốc hàng năm cho vườn chuối đang trồng. Riêng thân và lá chuối được anh Vinh ủ hoai để làm phân hữu cơ bón cho vườn chuối.
Sau khi thu hoạch buồng chuối, anh Vinh sẽ hạ cây chuối mẹ và chỉ giữ lại 3-4 cây con tại gốc để "ăn tiếp".
"Công việc chăm sóc vườn chuối tương đối nhàn. Thi thoảng, tôi với nhân công phải ra dọn vườn, tỉa lá già, sâu, tỉa cây con, cây yếu, bón phân, xịt thuốc...", anh Vinh bộc bạch.
Tuy nhiên, anh Vinh cũng cho rằng, không vì chăm bón nhàn mà bỏ bê vườn chuối. Ngược lại, cần chăm sóc tốt cho vườn chuối để cho năng suất cao, trái to.
"Phải tỉa bớt cây, giúp đất đủ dinh dưỡng nuôi cây. Cây đủ dinh dưỡng sẽ cho trái lớn, thương lái mới thích", anh Vinh chia sẻ.
Theo anh Vinh, so với chuối xiêm, chuối sáp dễ trồng hơn nhiều và giá trị kinh tế cao hơn gấp đôi. Hiện, mỗi năm anh thu hoạch 3 vụ chuối. Mỗi vụ thu cho 10 tấn/ha. Trừ chi phí, anh Vinh thu lời hơn 100 triệu đồng/ha.
"Thương lái đang bao tiêu sản phẩm. Họ đến tận vườn thu chuối sau khi nhân công thu hoạch. Thường thì tôi không đủ sản lượng chuối cung cấp cho thương lái sau mỗi vụ", anh Vinh cho biết.
Hiện, sản phẩm chuối sáp nghệ của anh Vinh chủ yếu tiêu thụ tại địa phương và thị trường TP.HCM. Chuối được thương lái thu mua và giao tận tay tiểu thương để đưa đi tiêu thụ.
Để tăng sản lượng chuối sáp nghệ cung cấp cho đối tác bao tiêu, đang Vinh đang tổ chức liên kết sản xuất và bao tiêu cho nông dân.
Theo đó, anh Vinh chỉ thu 70% chi phí cây giống cho nông dân trong liên kết trồng chuối sáp. Anh đảm nhiệm cả hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc chuối cho nông dân.
Sau khi thu mua toàn bộ sản lượng chuối nông dân trồng, anh Vinh mới thu 30% chi phí cây giống còn lại. Giá chuối sáp được ký hợp đồng với giá sàn là 7.000 đồng/kg.
Đồng thời, anh Vinh cũng được đang mở rộng diện tích trồng chuối sáp nghệ để tăng sản lượng cung cấp cho đối tác thu mua.
Theo Hội Nông dân xã Long Phước, mô hình trồng chuối sáp nghệ của anh Vinh đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là mô hình sản xuất mẫu tại địa phương để bà con học tập kinh nghiệm trồng chuối.
Sắp tới, Hội sẽ nhân rộng mô hình để bà con nông dân học tập nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập. Ngoài thu nhập kinh tế cao, anh Vinh còn tạo nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương.
Cây chuối sáp có 2 loại là chuối sáp trắng và chuối sáp nghệ. Chất lượng 2 loại chuối này cũng có sự khác nhau đôi chút. Chuối sáp trắng trái to, phần thịt trái màu trắng, còn chuối sáp nghệ thịt vàng, ăn dẻo, rất ngọt. Giá bán của 2 loại chuối này được thương lái mua bằng giá, không có sự chênh lệch.
Đặc sản chuối sáp để sống rất khó ăn mà phải luộc chín hoặc nướng. Khi luộc chín, chuối sáp có vị ngọt thanh, cảm giác giòn sần sật.
Trong chuối sáp có chứa nhiều chất vitamin B6 giúp tế bào thần kinh khỏe mạnh. Chuối sáp có chứa hàm lượng sắt dồi dào, giúp kích thích quá trình sản sinh hemoglobin, từ đó giúp giảm chứng thiếu máu…