Hàng chục nhà xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp Hoa Kỳ đã tham gia Triển lãm Thương mại Thực phẩm và Khách sạn Hà Nội 2023 khai mạc hôm nay 21/11.
Gian hàng Hoa Kỳ tại Triển lãm có các nhà xuất khẩu và đại diện từ Hội đồng xuất khẩu gia cầm và trứng Hoa Kỳ, Ủy ban quản lý nho khô, Ủy ban nhân sâm Wisconsin, Liên đoàn xuất khẩu thịt Hoa Kỳ, Ban bỏng ngô, Khoai tây Hoa Kỳ, Sữa California Ban Cố vấn và MEM Fairway với tư cách là thành viên của Hiệp hội Thương mại Nông nghiệp miền Tây Hoa Kỳ. Đây là nơi để kết nối và tìm các cơ hội hợp tác về xuất nhập khẩu nông nghiệp, thực phẩm giữa hai nước.
Phát biểu khai mạc Gian hàng Hoa Kỳ tại triển lãm, Đại biện lâm thời ĐSQ Hoa Kỳ Melissa Bishop cho biết: "Hoa Kỳ có truyền thống lâu đời về sự xuất sắc trong ngành thực phẩm và khách sạn. Đất nước chúng tôi nổi tiếng với nguồn tài nguyên nông nghiệp phong phú, công nghệ tiên tiến và cam kết về các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn. Chúng tôi tự hào về di sản ẩm thực đa dạng của mình, phản ánh sự hòa quyện giữa các nền văn hóa và hương vị hiện diện trong xã hội chúng tôi".
Đại biện lâm thời Melissa Bishop đã nghe giới thiệu và thử các sản phẩm nông nghiệp của Hoa Kỳ đưa sang Việt Nam, như thịt gà, thịt bò Mỹ, các loại pho mát, nhân sâm từ bang Wisconsin. Ở gian hàng nhân sâm, Đại biện lâm thời Bishop đã được giới thiệu sự kết hợp phong phú giữa các sản phẩm nông nghiệp cũng như ẩm thực Việt Nam và Mỹ, đó là món phở nhân sâm bò Mỹ.
Trả lời về tiềm năng hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, bà Bishop nhận xét: "Hiện tại chúng ta đã có mối quan hệ hợp tác rất mạnh mẽ trong lĩnh vực kinh tế và nông nghiệp... Khi Tổng thống Biden thăm Việt Nam, hai bên đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện, tôi nghĩ triển vọng thậm chí còn mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Sự hợp tác giữa tất cả các lĩnh vực khác nhau của chúng ta sẽ tiếp tục phát triển và kinh tế rất quan trọng. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam cũng vậy".
Những năm qua, Mỹ luôn nằm trong top thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Năm 2022, con số này là khoảng 14 tỷ USD, khẳng định vị trí Mỹ là thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam.
Còn trong 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Mỹ chiếm 20,6%, giảm 27,4% nhưng Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam, sau Trung Quốc. Những sản phẩm được thị trường Mỹ ưa chuộng nhất bao gồm gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, hạt điều, hồ tiêu, cà phê, rau quả.
Phát biểu với báo chí tại Triển lãm, Tham tán Nông nghiệp Mỹ Ralph Bean khẳng định, thực phẩm Việt Nam rất nổi danh ở Mỹ: "Khi sang Mỹ bạn có thể thấy rất nhiều nhà hàng Việt Nam và hầu hết người Mỹ đều quen thuộc, có rất nhiều tiệm bánh mỳ, không lâu nữa sẽ có nhiều quán bún chả. Hương vị Việt Nam rất được ưa chuộng. Ẩm thực Việt Nam rất nhẹ nhàng, sống động và người Mỹ đã quen thuộc với điều đó. Vì vậy tôi nghĩ họ rất rất cởi mở với ẩm thực Việt Nam".
Ông ghi nhận rằng thị trường xuất khẩu hồ tiêu và hạt điều của Việt Nam sang Mỹ "có nhiều cơ hội để phát triển", song nhấn mạnh thêm: "Một thị trường mà tôi thực sự nghĩ có nhiều tiềm năng là cà phê, loại cà phê Việt Nam rất đặc biệt, hương vị thật tuyệt vời, rất mạnh và có thị trường cho loại cà phê hương vị đậm đà như vậy ở Mỹ. Khi nhìn vào cái tên cà phê Robusta, khách hàng Mỹ nghĩ nó giống một loại cà phê hòa tan hơn, nhưng Robusta của Việt Nam rất tuyệt vời và tôi nghĩ có tiềm năng lớn để trở thành cà phê chất lượng cao ở Mỹ".
Đánh giá rằng hợp tác nông nghiệp hai nước "rất tuyệt vời", Tham tán Nông nghiệp Ralph Bean cho biết: Mỹ và Việt Nam đang hợp tác trong một số dự án quan trọng về nông nghiệp. Chẳng hạn phía Mỹ đang thảo luận với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về một dự án trị giá 4 triệu USD nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón và cắt giảm lượng phân bón dư thừa để cải thiện chất lượng môi trường.
Một vấn đề khác là phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi, phía Mỹ đang phát triển phần mềm trên thiết bị di động mà nông dân có thể sử dụng để tính toán nếu họ thay đổi khẩu phần thức ăn có làm giảm phát thải khí nhà kính không.
Ông nhấn mạnh: "Hai bên sẽ tiếp tục thảo luận để cùng nhau tìm ra những ưu tiên và lĩnh vực nào là tốt nhất để làm việc. Mỹ có nhiều công nghệ và cách tiếp cận nhưng phải thích ứng với tình hình cụ thể của Việt Nam".
Ông cho rằng thị trường Việt Nam rất triển vọng với các nhà xuất khẩu Mỹ trong cả triển vọng ngắn hạn và dài hạn. Về ngắn hạn, khi thu nhập tăng lên, mọi người sẽ ngày càng bổ sung nhiều protein hơn vào chế độ ăn uống của mình. Đó là cơ hội cho các nhà xuất khẩu các sản phẩm như thịt, pho mát và những thứ tương tự để phục vụ chế độ ăn uống được cải thiện.
Phía Mỹ còn mong muốn giới thiệu với Việt Nam cả hệ thống sản xuất có chất lượng cao và sử dụng rất hiệu quả tất cả các yếu tố đầu vào, để giúp nông dân giảm chi phí sản xuất.
Xuất khẩu trái cây cũng là lĩnh vực sự năng động lớn giữa Mỹ và Việt Nam, mỗi bên đều có các loại trái cây mà bên kia không có, vì vậy, đây là một cơ hội tuyệt vời để trao đổi và đem lại lợi ích cho người tiêu dùng - ông cho biết.
Triển lãm Thương mại Thực phẩm và Khách sạn Hà Nội đóng vai trò là nền tảng để các chuyên gia trong ngành, nhà cung cấp và người mua gặp nhau, trao đổi kiến thức, thúc đẩy quan hệ đối tác và khám phá các xu hướng trong lĩnh vực thực phẩm và khách sạn.