Nằm trong Cụm di tích lịch sử - văn hóa Hoa Lộc được xếp hạng cấp tỉnh theo Quyết định số 54 ngày 8-10-1991 của Sở Văn hóa - Thông tin Thanh Hóa (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), nghinh môn nhà Lý và đền thờ Lý triều Hoàng Thái hậu từ lâu được xem là nét đẹp trong đời sống văn hóa - tinh thần của người dân xã Hoa Lý, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Nhắc tới Lý triều Hoàng Thái hậu lịch sử ghi nhận về bà như một bậc mẫu nghi tài đức vẹn toàn, có công phò vua giúp nước, an dân.
Các tư liệu lịch sử (chính sử, thần phả, sắc phong, truyền thuyết dân gian...) kể lại rằng: Vua Lý Thánh tông “đáng gọi là bậc vua tốt” nhưng ở tuổi 40 mà vẫn chưa có con trai nối dõi.
Vào năm Quý Mão, vua lệnh cho chi hậu nội nhân Nguyên Bông làm lễ cầu tự ở chùa Thánh Chúa. Ít lâu sau, Ỷ Lan phu nhân có mang, sinh Hoàng Thái tử Càn Đức. Khi Vua Lý Thánh tông mất, Hoàng Thái tử Càn Đức lên ngôi vua, đổi niên hiệu là Thái Ninh năm thứ nhất (1072).
Bấy giờ, vua mới 7 tuổi, tôn mẹ đẻ là Ỷ Lan nguyên phi làm Hoàng Thái phi, tôn mẹ đích là Thượng Dương Thái hậu làm Hoàng Thái hậu, cho phép được buông rèm cùng nghe chính sự.
Thái sư Lý Đạo Thành giúp đỡ công việc triều chính. Năm 1073, Dương Thái hậu mất, Hoàng Thái phi Ỷ Lan chính thức được tôn phong là Hoàng Thái hậu.
Trong thời gian buông rèm nhiếp chính, Lý triều Hoàng Thái hậu thi hành nhiều chính sách thân dân, lưu tâm đến thân phận người nghèo, khuyến khích nông nghiệp, cho phát tiền ở kho nội phủ để chuộc những người con gái nhà nghèo đã phải bán đi ở hay đem gả cho người góa vợ.
Lý triều Hoàng Thái hậu là người mẹ nhân từ, có công dìu dắt, dạy dỗ Vua Lý Nhân tông trở thành vị vua tốt, khuyên bảo nhà vua những điều hay, lẽ phải. Mùa thu năm Hợi, hội Tường Đại Khánh thứ 8 (1117), Lý triều Hoàng Thái hậu băng hà.
Vua cho hỏa táng, tôn dâng tên thụy là Phù Thánh Linh Nhân Hoàng Thái hậu, táng ở Thọ Lăng, phủ Thiên Đức. Do công đức của bà nên nhiều nơi ngưỡng mộ lập đền thờ cúng với ước mong được bà che chở, bảo hộ để cuộc sống được yên bình, no ấm. Bà được người đời tôn làm “Lý đại mẫu nghi”.
Trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân xã Hoa Lộc, nghinh môn nhà Lý cùng với đền thờ Lý triều Hoàng Thái hậu là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, để cháu con tỏ lòng thành kính trước một bậc mẫu nghi hiền đức.
Cũng như số phận của nhiều di tích văn hóa – lịch sử khác trên đất nước ta, trải qua biến thiên của thời gian, thăng trầm của lịch sử, toàn bộ đền thờ Lý triều Hoàng Thái hậu – Nguyên phi Ỷ Lan đã bị phá hủy, chỉ riêng nghinh môn vẫn được bảo tồn tương đối nguyên vẹn.
Hiện nay, toàn bộ khu vực nghinh môn nhà Lý và đền thờ Lý triều Hoàng Thái hậu (Nguyên phi Ỷ Lan) có diện tích hơn 700m2, bao gồm các hạng mục: cổng, tường rào, nghinh môn, đền chính, nhà sắp lễ, nhà khách và một số hạng mục phụ cận khác.
Nghinh môn được thiết kế theo kiểu cổng tam quan hai tầng. Lối vào chính được xây cuốn vòm, hai lối vào phụ nhỏ ở hai bên. Toàn bộ công trình xây gạch, bên ngoài có đắp trát, một số nơi có đắp vẽ họa tiết, hoa văn.
Nhìn dáng vẻ cổ kính, rêu phong mà vững chãi, uy nghi của nghinh môn và dụng công tìm hiểu, lắng nghe về cuộc đời, công lao của Lý triều Hoàng Thái hậu đối với đất nước, với Nhân dân mới càng thấm thía giá trị văn hóa - lịch sử của di tích này.
Bước qua nghinh môn là đến với khu vực đền thờ chính. Đền trước kia đã bị phá hủy hoàn toàn. Để tưởng nhớ công lao của Lý triều Hoàng Thái hậu - Nguyên phi Ỷ Lan, năm 2000, chính quyền và Nhân dân địa phương, các nhà hảo tâm đã cung tiến, quyên góp sức người, sức của để xây dựng lại khu vực đền chính.
Đền được thiết kế theo lối chữ Đinh với tiền tế 3 gian, hậu cung 1 gian. Tiền tế xây dựng theo hình thức đầu hồi bít đốc, 2 mái dốc lợp ngói mũi hài, riêng phần hiên được đổ mái bằng. Phần hậu cung xây cuốn vòm, trên lợp ngói mũi hài.
Tại đền, vào các ngày rằm, ngày đầu tháng (âm lịch) và các kỳ lễ lớn trong năm như: kỳ phúc, kỳ yên, kỳ thần, người dân địa phương và các vùng lân cận lại tựu trung về đây dâng nén hương thơm tỏ lòng thành kính, tri ân sâu sắc với bậc mẫu nghi tài đức vẹn toàn, cầu mong những điều tốt đẹp, may mắn, bình an, sung túc trong cuộc sống.
Được biết, ngoài đền thờ Lý triều Hoàng Thái hậu, trên đất Hoa Lộc còn có nghè cổ Yên Trung cũng là nơi thờ bà và thờ vọng các vị đại thần, công chúa, hoàng tử thời Lý. Điều đó góp phần khẳng định dấu ấn đậm nét của Vương triều nhà Lý trên mảnh đất Hoa Lộc nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung.
Mặc dù về quy mô, kiến trúc không còn nhưng nghinh môn thời Lý và đền thờ Lý triều Hoàng Thái hậu vẫn hàm chứa nhiều giá trị về mặt văn hóa – lịch sử.
Nằm trong cụm di tích lịch sử - văn hóa Hoa Lộc - nền văn hóa khảo cổ học thuộc hậu kỳ đá mới, sơ kỳ thời đại đồng thau cách ngày nay khoảng trên dưới 4.000 năm, nghinh môn nhà Lý góp phần làm danh giá thêm cho vùng đất vốn hội tụ tinh hoa văn hóa từ hàng ngàn năm trước.
Sức sống bền bỉ của di tích như một nét đẹp, trở thành niềm tự hào trong đời sống văn hóa - tinh thần của người dân nơi đây.
Với những giá trị sâu sắc về mặt văn hóa - lịch sử, nghinh môn nhà Lý và đền thờ Lý triều Hoàng Thái hậu vẫn luôn được chính quyền và Nhân dân địa phương bao đời nay gìn giữ, bảo tồn. Thiết nghĩ, nếu được quan tâm đầu tư, làm tốt công tác bảo tồn và phát huy, nghinh môn nhà Lý và đền thờ Lý triều Hoàng Thái hậu sẽ góp phần thúc đẩy phát triển du lịch ở địa phương.