Dù chỉ là một nhân viên giao hàng nhưng cựu quân nhân Phạm Văn Hiếu luôn tâm niệm phải sống và cống hiến hết mình cho cộng đồng.
Tôi tình cờ quen anh Phạm Văn Hiếu trong một lần hiến máu tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương vào tháng 8/2023. Thật ngạc nhiên khi tôi biết anh Hiếu đã hiến máu toàn phần và hiến tiểu cầu được hơn 90 lần. Cứ hễ đủ thời gian, anh Hiếu lại có mặt ở viện hoặc tại địa phương để tham gia hiến máu, bắt đầu từ năm 2010.
Anh Hiếu sinh năm 1990, quê tại thôn Khê Hồi (xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) trong một gia đình nông dân đông con. Học hết lớp 12, Hiếu tình nguyện nhập ngũ vào Trung đoàn 102, Sư đoàn 308, Quân đoàn 1. Thời gian quân ngũ, Hiếu được rèn luyện trong môi trường kỷ luật, được giáo dục về lòng yêu nước, tinh thần cống hiến nên khi ra quân, Hiếu không chỉ chăm chỉ lao động mà còn cống hiến hết sức cho cộng đồng. Anh Hiếu cho biết, sau khi thực hiện xong nghĩa vụ quân sự, trở về địa phương, nghề nghiệp chính của anh là đi giao hàng, làm việc không có ngày nghỉ nhưng luôn dành thời gian đi hiến máu. “Tôi đam mê hiến máu vì đây là một nghĩa cử cao đẹp. Những giọt máu cho đi sẽ được các bác sĩ mang chữa trị cho mọi bệnh nhân chờ máu. Thấy họ bình phục, khỏe mạnh, bản thân tôi rất hạnh phúc”, Phạm Văn Hiếu chia sẻ.
Không những hiến máu định kỳ, anh Hiếu còn trở thành "địa chỉ đỏ" của một số bệnh viện mỗi khi cần máu gấp để cấp cứu người bệnh như Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Nhi Trung ương... “Có lần đêm đã khuya, nhận được điện thoại cần máu gấp của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để cấp cứu, tôi liền đi ngay vào viện hiến máu. Sau ca cấp cứu, nạn nhân qua cơn nguy kịch, tôi cũng thở phào đi về trong đêm lạnh giá mà lòng thấy ấm áp vô cùng”, anh Hiếu tâm sự.
Trên con đường đi làm về nhà của anh Hiếu, gia đình thường xuyên thắc thỏm, ngóng trông vì không ít lần nhận điện thoại anh báo đang trong... bệnh viện. Thực tế, trên đường gặp bất kỳ ai chẳng may bị tai nạn giao thông, anh đều dừng lại hỗ trợ đưa nạn nhân vào bệnh viện, trông nom cho đến khi người nhà của họ tới. Đã nhiều năm nay, anh cũng không nhớ hết đã đưa bao nhiêu nạn nhân tai nạn giao thông vào bệnh viện, với anh, đó là mệnh lệnh từ trái tim không phải thành tích hay mong muốn được đền đáp.
Đang trò chuyện, anh Hiếu nhận được cuộc điện thoại từ một người báo rằng, phát hiện một ổ gà trên đoạn đường gom cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ. Tôi thoạt nghĩ, việc vá đường thì không liên quan đến anh Hiếu nhưng kết thúc cuộc điện thoại, tôi mới biết anh đã tình nguyện 13 năm nay đi vá đường, xóa ổ gà, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.
Anh Hiếu cho biết, vào một ngày mưa năm 2010, trên đường đi làm về, anh bị ngã xe ở khu vực hầm chui qua đường cao tốc. “Do trời mưa và lúc đó đã sẩm tối nên tôi không quan sát thấy ổ gà trước mặt để tránh. Tôi bị ngã ra đường, rất may đằng sau không có phương tiện nào đi gần nên tôi chỉ bị thương nhẹ. Tôi tấp vào lề đường nghỉ ngơi thì tiếp tục thấy một người phụ nữ khác bị ngã xe tại chính ổ gà đó. Tôi quyết định phải đi vá đường từ ấy cho tới nay”, anh Hiếu tâm sự.
Ổ gà đầu tiên Phạm Văn Hiếu thực hiện vá cách đây 13 năm tại đoạn đường qua cầu chui cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ. Hiếu nhớ lại: "Khi tôi mang vật liệu đến thì ổ gà vẫn ngập nước, tôi phải tát nước ra cho cạn khô xong mới vá". Thấy anh Hiếu làm việc kỳ quặc, một vài người ra tưởng Hiếu đang “phá đường” chứ không phải vá đường. Họ báo cho chính quyền địa phương. Rất may, sau khi nghe giải thích, chính quyền hiểu được việc làm của Phạm Văn Hiếu và hỗ trợ anh vá đường lành lặn. Cứ thế, anh tranh thủ trên đường đi làm về xin vật liệu thừa tại các công trình xây dựng, đến tối sau khi ăn cơm xong lại mang vác đồ nghề đi vá đường. Hiếu còn tự trích tiền lương mua vật liệu vá đường cho dù lương của anh chỉ đủ chi tiêu trong gia đình.
Tuy chẳng bao giờ đưa những hình ảnh đi vá đường lên mạng xã hội nhưng tình cờ một số bạn trẻ biết đến việc làm ý nghĩa của Phạm Văn Hiếu đã sát cánh cùng anh trở thành những chú ong đêm, cần mẫn xóa ổ gà trên các tuyến đường phía Nam TP Hà Nội. Thậm chí có một cụ ông đã ngoài 70 tuổi ở xã Thắng Lợi (huyện Thường Tín) cũng tham gia nhóm vá đường của Hiếu.
Trong số hàng trăm lượt vá đường đã thực hiện có không ít những kỷ niệm vui buồn mà nhóm cũng như cá nhân anh Hiếu đã từng trải qua. Có lần khi vừa vá đường xong và đã đặt biển cảnh báo nhưng tài xế không chú ý nên đã chèn qua vết vá chưa khô, cả nhóm lại ngậm ngùi vá lại đến đêm khuya. Ngược lại, có lần gặp một ổ voi (khoảng 6m) gần Khu tập thể Nhà máy đường Vạn Điểm (huyện Phú Xuyên), Hiếu được một bác chủ công trình chở hẳn một xe tải vật liệu cách mấy chục ki-lô-mét đến hiện trường, rồi được người dân sống xung quanh ra giúp sức rất đông. Mỗi người một tay, chỉ một loáng ổ voi đã bị xóa sổ. Giọt mồ hôi hạnh phúc lăn dài trên gò má Hiếu trong màn đêm nhá nhem khuôn mặt người.
Chị Lê Thị Phượng-vợ anh Hiếu đã quen với cảnh hằng đêm đợi chồng đi vá đường về mới đi ngủ, tuy nhiên hai mẹ con luôn ủng hộ việc làm của chồng, của cha. Có lần, anh Hiếu đưa cả vợ con đi vá đường ban đêm như một chuyến trải nghiệm cuộc sống. Chị Phượng bảo rằng, thấy chồng đi làm cả ngày vất vả, tối về chẳng nghỉ ngơi lại đi vá đường. Chị rất xót cho sức khỏe của chồng nhưng ngược lại thấy anh vui vẻ, hạnh phúc vì làm công việc góp ích cho xã hội nên thỉnh thoảng hai mẹ con lại đồng hành với anh.
Trong căn nhà đơn sơ giản dị của Hiếu, tôi chẳng thấy những tấm bằng khen, bởi lẽ Hiếu làm những công việc góp ích cho xã hội một cách rất âm thầm, lặng lẽ. Hành trình 13 năm vá đường của Hiếu chỉ có người thân và một số bạn bè biết đến. Hiếu bảo, tôi làm việc này trước tiên để cảm thấy hạnh phúc trong lòng, lan tỏa tình nghĩa trong xã hội. Tôi rất muốn xã hội sẽ có thật nhiều việc tử tế nhưng tôi cũng ngại “khoe khoang”, sợ nói “làm màu”. Việc tôi làm còn rất nhỏ bé nhưng tôi sẽ cố gắng khi nào sức khỏe không cho phép và những con đường bị “tổn thương” cần đến tôi.
Không chỉ vá đường ở các huyện phía Nam TP Hà Nội, nhóm của Hiếu còn vá đường ở khu vực nội thành và một số tỉnh lân cận như Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình. Mới đây, tháng 4/2023, Hiếu cùng nhóm xuống đoạn đường gần Khu công nghiệp Đồng Văn 2 (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) để vá một ổ voi rất rộng và sâu. “Hôm đó nhóm có 10 người đi và mang theo một ô tô tải vật liệu. Ai cũng gắng sức đến hơn 12 giờ đêm mới xong. Mặc dù mọi người đều thấm mệt nhưng trong lòng rất hạnh phúc vì đã chữa lành được đoạn đường”, anh Hiếu tươi cười kể.
Vì lý do công việc mưu sinh mà một số thành viên không thể bảo đảm lâu dài tham gia nhóm, có người ra và có người lại vào. Tuy nhiên, người thủ lĩnh tinh thần Phạm Văn Hiếu vẫn bền bỉ, chưa bao giờ có ý định giải tán nhóm. Nhóm của Hiếu hằng tháng còn tổ chức trồng cây xanh, nhặt rác trên địa bàn huyện Thường Tín nhưng khi nói về mình, Hiếu luôn ngại ngần, khiêm tốn chẳng muốn khoe khoang.
Bí thư Đoàn Thanh niên xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, anh Lý Văn Sơn cho biết: “Anh Hiếu là một người sống tích cực, nhiệt tình, giản dị và thường xuyên tham gia các công tác xã hội tại địa phương. Nhiều năm nay, anh Hiếu đã tình nguyện đi vá đường, san lấp ổ gà, việc làm của anh đã thu hút nhiều thanh niên tham gia, thể hiện tinh thần cống hiến của tuổi trẻ. Ngoài ra anh Hiếu còn rất tích cực hiến máu nhân đạo, cứu giúp người bệnh. Mới đây, Phạm Văn Hiếu vinh dự được nhận danh hiệu "Người tốt, việc tốt" của UBND TP Hà Nội trao tặng.
*Bài viết có sự biên tập Sapo.