Dân Việt

Thiên tai gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng, ngành nông nghiệp tìm giải pháp thích ứng, giảm nhẹ thiệt hại

Mùa Xuân 24/11/2023 16:50 GMT+7
Ngày 24/11, tại TP. Lào Cai, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và PTNT) phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lào Cai tổ chức tọa đàm “Giải pháp sinh kế thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng”.


Clip: Tọa đàm “Giải pháp sinh kế thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng”.

Thiên tai để lại hậu quả nặng nề cho nhân dân

Tại buổi tọa đàm, đại diện Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh Lào Cai cho biết: Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, địa hình đặc trưng chủ yếu là núi cao, khe sâu, phân tầng độ cao lớn, mức độ chia cắt mạnh. Do biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, diễn biến thời tiết, thiên tai phức tạp, khó lường nên từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 23 đợt thiên tai gây thiệt hại lớn về người, tài sản.

Theo đó, thiên tai đã làm 18 người chết, mất tích; 638 nhà ở bị thiệt hại và ảnh hưởng; hư hỏng 57 công trình phụ; hơn 12.470 ha lúa, mạ, cây ăn quả và nhiều loại cây trồng khác… bị thiệt hại; hơn 500 con gia súc, gia cầm bị chết.

15 điểm trường, phòng học chức năng bị hư hỏng; 3 nhà văn hoá thôn bản bị tốc mái và ảnh hưởng… Tổng ước giá trị thiệt hại về kinh tế là 1.115,6 tỷ đồng.

Giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng tại Lào Cai - Ảnh 1.

Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 23 đợt thiên tai gây thiệt hại lớn về người, tài sản. Ảnh: Mùa Xuân.

Từ những thiệt hại trên có thể thấy rằng tình hình thời tiết, thiên tai ngày càng phức tạp, cực đoan, khó lường do tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, nhận thức của một số người dân về phòng chống thiên tai còn nhiều hạn chế, chủ quan; điều kiện kinh tế người dân khó khăn; nơi ở hẻo lánh, xa trung tâm; giao thông đi lại khó khăn; kỹ năng chăm sóc cây trồng, vật nuôi còn hạn chế; chuồng trại chưa đảm bảo.

Công tác theo dõi, cập nhật thông tin về thiên tai ở một số địa phương còn chậm, chưa kịp thời. Đặc biệt khi có thiệt hại xảy ra thì việc xác định nguyên nhân, báo cáo còn chậm. Cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai cấp huyện, cấp xã đều là kiêm nhiệm, thường xuyên phải luân chuyển, thiếu kinh nghiệm…

Giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng tại Lào Cai - Ảnh 2.

Ông Lê Tân Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lào Cai phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Mùa Xuân.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Lê Tân Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lào Cai, cho hay: Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị mang tính dự báo thiên tai hiệu quả. 

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều loại hình thiên tai phức tạp, mức độ, hậu quả khác nhau... Do vậy, giải pháp đặt ra cho các vùng thiên tai là rất quan trọng trong tình hình hiện nay để hỗ trợ các hộ dân khu vực có thiên tai ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất.

Cũng theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tại Việt Nam, năm 2022, thiên tai xảy ra bất thường, cực đoan, trái quy luật ngay từ những tháng đầu năm và trên các vùng miền cả nước với 19/22 loại hình thiên tai, 1.072 trận thiên tai được thống kê, gồm: 7 cơn bão, 2 áp thấp nhiệt đới trên biển Đông; 258 trận dông, lốc, mưa lớn; 286 trận động đất; 310 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất, 191 vụ sạt lở bờ sông, bờ biển, 2 đợt rét đậm, rét hại, 14 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển va 2 đợt nắng nóng, hạn hán.

Thiên tai trong năm đã làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng (gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với năm 2021).

Tại khu vực miền núi phía Bắc địa hình chủ yếu là đồi, núi hiểm trở, chia cắt mạnh, theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, độ dốc lớn cùng với địa chất phức tạp, lượng mưa tập trung chủ yếu vào mùa mưa, suy giảm chất lượng và số lượng rừng đầu nguồn cùng với tập quán sinh sống, canh tác gần nguồn nước, ven sông suối của người Thái và trên sườn dốc của người Mông… Đây chính là những nguyên nhân chính khiến khu vực chịu thiệt hại nặng nề bởi các loại hình thiên tai như lũ quét, sạt lở đất, mưa lớn, lũ, ngập lụt, rét hại, sương muối, lốc, sét, mưa đá, động đất, hạn hán,...

Tìm giải pháp giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp khu vực miền núi phía Bắc

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến những nguyên nhân xảy ra thiên tai, những giải pháp thực tiễn để bảo vệ người, tài sản, vật nuôi... khi có thiên tai.

Giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng tại Lào Cai - Ảnh 3.

Tọa đàm “Giải pháp sinh kế thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng”. Ảnh: Mùa Xuân.

Đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, trong tình hình biến đổi khí hậu hiện nay có nhiều loại hình thiên tai, mỗi loại hình gây những tác động khác nhau đối với sản xuất và đời sống. Ứng với mỗi loại hình thiên tai cần áp dụng những giải pháp ứng phó phù hợp để giảm thiểu thiệt hại, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, như: Về trồng trọt cần sử dụng các giống cây trồng có khả năng chịu lạnh tốt như giống lúa lai, ngô lai F1, các giống lúa thuần thuộc dòng Japonica có gen chịu lạnh; các giống rau, cây ăn quả có nguồn gốc á nhiệt đới, ôn đới…; bố trí gieo trồng trong khung thời vụ an toàn, tránh các cao điểm rét đậm, rét hại.

Đối với thủy sản, thời tiết rét đậm, rét hại dài ngày vào mùa đông sẽ làm cho nhiều loài cá, tôm bị chết, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, sản lượng đặt ra cho cả người nuôi lẫn chỉ tiêu của ngành thuỷ sản. Do đó, với những hộ có đàn cá giống đang lưu giữ cần thả bèo 2/3 ao về phía Bắc để chắn gió, góc ao để những sọt rơm, rạ cho cá trú đông.

Với các loài thủy sản nuôi thương phẩm cần che kín ao bằng bạt nilon, lá dừa… để tránh gió lùa, đưa không khí lạnh đến làm nhiệt độ nước giảm thấp. Khi trời rét đậm, dùng tre nứa làm giàn trên mặt ao, hồ che phủ kín bằng bạt nilon để tăng khả năng giữ nhiệt độ. Dưới ao bơm nước sâu 1,4 - 1,5m. Mặt ao thả bèo tây, khoảng 2/3 diện tích ao về phía bắc để chắn gió.

Giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng tại Lào Cai - Ảnh 4.

Đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nêu ra một số giải pháp giảm thiểu thiệt hại do các loại hình thiên tai đến sản xuất nông nghiệp khu vực miền núi phía Bắc. Ảnh: Mùa Xuân.

Cùng với đó, tại các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó, có Lào Cai thường xảy ra thiên tai bất thường, bất ngờ; tình hình nắng nóng kéo dài và rét đậm, rét hại vào mùa đông, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp của người dân. Do vậy, cán bộ khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở cần tăng cường công tác dự báo, coi trọng công tác phòng ngừa, chủ động ứng phó. Có giải pháp cụ thể giúp bà con khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là vấn đề môi trường.

Đồng thời, hướng dẫn bà con nhân dân đảm bảo ấm và đủ độ thông thoáng, có mái che không để mưa hắt vào chuồng nuôi, những chuồng không xây tường bao quanh, cần dùng vật liệu sẵn có tại địa phương để che quanh cho đàn gia súc. Chuồng gia cầm phải chuẩn bị đầy đủ phên, bạt che chắn, chống gió lùa; bổ sung thêm bóng điện (bóng tròn, bóng hồng ngoại) để sưởi ấm cho gia cầm trong những ngày rét đậm, rét hại. 

Giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng tại Lào Cai - Ảnh 5.

Người dân thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã chủ động di chuyển đàn gia súc về tránh rét. Ảnh: Phạm Hưng.

Bên cạnh đó, việc dự phòng thức ăn rất quan trọng vì cung cấp thức ăn đầy đủ thì trâu, bò mới có đủ năng lượng chống lại giá rét, không bị chết rét. Nên dự trữ thức ăn cho trâu bò như phơi khô cỏ và chế biến phụ phẩm nông, công nghiệp, ủ chua một số loại cỏ, chế biến phụ phẩm nông, công nghiệp có sẵn ở địa phương để cung cấp thức ăn thô xanh cho trâu, bò trong vụ đông. Ngoài thức ăn thô xanh và thức ăn tinh, cần bổ sung vitamin và khoáng chất.

Có chế độ chăm sóc nuôi dưỡng tốt cho trâu, bò trong những ngày rét đậm, rét hại, luôn kiểm tra chuồng trại (đảm bảo khô, ấm và đủ thông thoáng), cung cấp thức ăn, nước uống đủ về số lượng và chất lượng. Không chăn thả trâu, bò khi nhiệt độ dưới 5 độ C. 

Vệ sinh thú y phòng bệnh, tẩy ký sinh trùng ngoại, nội ký sinh trùng; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh theo quy định của cơ quan thú y địa phương.

Giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng tại Lào Cai - Ảnh 6.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà, xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai nêu ý kiến tại buổi tọa đàm. Ảnh: Mùa Xuân.

Kết luận tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Hải, Trưởng phòng Chăn nuôi thú y - Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh: Hệ thống khuyến nông các cấp cần đẩy mạnh các biện pháp thông tin tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức, kết hợp với đào tạo, tập huấn, xây dựng các mô hình để chuyển giao kiến thức, kinh nghiệm cho từng người dân, từng hộ gia đình và cả cộng đồng hiểu rõ và tự giác, đồng lòng thực hiện.

Tăng cường công tác dự báo, coi trọng công tác phòng ngừa, chủ động ứng phó. Các cấp chính quyền cần phối hợp thực hiện hiệu quả đồng thời 2 mục tiêu của ứng phó là giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, tài liệu hướng dẫn để phát triển sản xuất nông nghiệp nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng.

Đẩy mạnh công tác đào tạo tập huấn, thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực cho cộng đồng về giảm nhẹ rủi ro thiên tai và quản lý rủi ro thiên tai. 

Bà Hải cũng nhấn mạnh, người dân cần tích cực ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ để xây dựng và nhân rộng mô hình phát triển sinh kế bền vững, giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng. Tăng cường phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để chuyển giao quy trình công nghệ, kinh nghiệm trong ứng phó với biến đổi khí hậu...