Dân Việt

Hệ sinh thái và năng lực "khủng" của tập đoàn thay thế "ông lớn" điện gió Đan Mạch

Nguyễn Thụy 24/11/2023 11:49 GMT+7
Marubeni, tập đoàn đa ngành Nhật Bản đang thay thế "ông lớn" điện gió Orsted (Đan Mạch) trong hợp tác với T&T Group tại Việt Nam, đạt lợi nhuận hàng năm khoảng 2 tỷ USD.

Trụ sở chính hiện nay đặt tại thủ đô Tokyo, Marubeni ra đời năm 1858. Tập đoàn niêm yết trên sàn chứng khoán Tokyo (TSE) với mã 8002. Năm 2013, TSE vinh danh Marubeni là công ty niêm yết trên TSE với kết quả tốt nhất về gia tăng giá trị doanh nghiệp nhờ nỗ lực tối đa hóa chỉ số lợi nhuận trên vốn ROE.

Hệ sinh thái và năng lực "khủng" của tập đoàn thay thế công ty điện gió Đan Mạch - Ảnh 1.

Trụ sở chính của Marubeni tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Bloomberg.

Theo thông tin từ Marubeni, hệ sinh thái của tập đoàn hiện nay gồm 6 lĩnh vực chính. Đó là nhóm hàng tiêu dùng, công nghệ thông tin và lâm sản; nhóm thực phẩm, nông nghiệp và hóa chất; nhóm năng lượng và khoáng sản; nhóm điện lực; nhóm vận tải, máy công nghiệp; và nhóm đầu tư tài chính.

Nổi bật trong nhóm thứ hai, Marubeni là chủ sở hữu của Hóa chất Helena, là công ty phân phối các sản phẩm hóa chất phục vụ nông nghiệp lớn thứ 2 tại Mỹ. Marubeni mua lại Helena từ tập đoàn hóa chất hàng đầu thế giới Bayer của Đức.

Hiện nay, Marubeni đang kinh doanh ở 68 quốc gia, tổng tài sản đạt khoảng 68 tỷ USD, theo thông tin từ tập đoàn.

Mở văn phòng đại diện tại Việt Nam năm 1991, Marubeni kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, từ lĩnh vực chính là phát triển các dự án điện đến các lĩnh vực như nông sản, xuất - nhập khẩu than, dệt may, giày dép.

Hệ sinh thái và năng lực "khủng" của tập đoàn thay thế công ty điện gió Đan Mạch - Ảnh 2.

Công ty gỗ xẻ Marubeni Lumber Việt Nam (thuộc tập đoàn Marubeni) tại KCN Nhơn Hội tỉnh Bình Định. Ảnh Marubeni Lumber

Ngày 8/2/2021, Ủy ban Nhân dân TP.Cần Thơ trao giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Marubeni đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn II trị giá khoảng 1,3 tỷ USD (công suất thiết kế 1.050MW) tại Trung tâm Điện lực Ô Môn. Đây là dự án FDI lớn nhất được ghi nhận tại Cần Thơ tới thời điểm đó.

Tuy nhiên, dự án đến nay vẫn chưa phát điện vì đang chờ dòng khí từ dự án khí Lô B trong bồn trũng Thổ Chu - Malay (ngoài khơi tỉnh Kiên Giang).

Ngày 30/10 vừa qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cùng các đối tác đã ký kết các hợp đồng liên quan và triển khai chuỗi dự án khí và điện Lô B. Với tổng quy mô lên đến 12 tỷ USD, chuỗi dự án này bao gồm dự án phát triển mỏ Lô B (thượng nguồn), dự án đường ống Lô B - Ô Môn (trung nguồn) và 4 nhà máy điện khí Ô Môn I, II, III, IV trong Trung tâm Điện lực Ô Môn (hạ nguồn).

Về điện gió, tập đoàn Orsted của Đan Mạch – thông qua liên danh với T&T Group – trước đây dự kiến cùng với T&T Group sẽ huy động tổng cộng khoảng 30 tỷ USD để phát triển các dự án điện gió ngoài khơi ở Việt Nam trong những năm tới. Tuy nhiên, cuối tháng 6/2023, Orsted cho biết đã quyết định ngừng kế hoạch này vì tập trung vào các thị trường khác.

Chỗ trống do Orsted để lại được Marubeni thay thế. Ngày 13/11 tại Hà Nội, ông Kakinoki Masumi, CEO của Marubeni đã gặp mặt Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ông Masumi cho biết Marubeni sẽ đầu tư hàng tỷ USD vào các dự án tại Việt Nam trong các lĩnh vực bao gồm năng lượng, chế biến, xuất khẩu hàng hóa, phát triển hạ tầng. Ông mong muốn Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam thúc đẩy quá trình thực hiện các dự án.

Tại Thái Bình, Marubeni chính là tổng thầu EPC (hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình) cho dự án nhiệt điện Thái Bình chạy bằng khí thiên nhiên LNG ở huyện Thái Thụy với tổng công suất thiết kế 4.500MW với tổng mức đầu tư khoảng 5,864 tỷ USD.

Dự án điện khí quy mô lớn này được xem là có tầm quan trọng cho cả khu vực trong việc góp phần cung cấp đủ điện ở miền Bắc. Theo thông tin từ UBND tỉnh Thái Bình trong tháng 9/2023, Thái Bình đang phấn đấu để nhiệt điện LNG Thái Bình được chấp thuận chủ trương đầu tư trong tháng 11/2023.

Hệ sinh thái và năng lực "khủng" của tập đoàn thay thế công ty điện gió Đan Mạch - Ảnh 3.

Phối cảnh Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình do Marubeni làm tổng thầu EPC. Ảnh tư liệu.

Thái Bình cũng là nơi Marubeni đang nhắm đến để phát triển 1 dự án điện gió ngoài khơi vì liên danh giữa T&T Group và Orsted trước đây đã đề xuất 2 dự án quy mô lớn đến hàng chục tỷ USD tại Thái Bình và Hải Phòng (mỗi nơi 1 dự án).

Tháng 7 vừa qua, Marubeni và tập đoàn Hưng Thịnh ký kết hợp tác phát triển toàn diện trong 3 lĩnh vực năng lượng xanh; đầu tư phát triển dự án bất động sản; nghiên cứu khả thi phát triển - vận hành thành phố thế hệ tiếp nối sử dụng giải pháp thông minh.

Đồng thời, 2 bên ký kết hợp tác đầu tư phát triển bất động sản tại Việt Nam, với dự án khởi đầu tọa lạc tại trung tâm hành chính mới của thành phố Thủ Đức, TP.HCM, có tổng mức đầu tư dự kiến trên 10.000 tỉ đồng.

Trước đó, từ tháng 5/2022, trong chương trình tài trợ của Chính phủ Nhật Bản về "Nghiên cứu tính khả thi kinh doanh để mở rộng cơ sở hạ tầng chất lượng cao ra nước ngoài", Marubeni đã hợp tác với Hưng Thịnh từ giai đoạn đăng ký, thuyết minh ban đầu với Chính phủ Nhật.

Sau đó, Chính phủ Nhật Bản công bố việc tài trợ cho chương trình này, trong đó Hưng Thịnh là đối tác của Marubeni.