Từ các mô hình trồng hoa kiểng công nghệ cao góp phần thực hiện định hướng phát triển cây giống, hoa kiểng mang tầm quốc gia và cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, bền vững.
Sản xuất, kinh doanh hoa kiểng là nghề truyền thống của người dân các huyện: Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành.
Trong những năm gần đây, nghề này không ngừng phát triển về số hộ sản xuất và sản lượng. Hiện toàn tỉnh có 7.907 hộ, trong đó, huyện Chợ Lách chiếm hơn 80% tổng số hộ.
Hàng năm, cung ứng cho thị trường khoảng 15 - 18 triệu sản phẩm hoa, kiểng các loại như: mai vàng, hoa giấy, kiểng thú, hoa treo, kiểng lá, cây công trình…
Gần đây, người dân đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hoa, cây kiểng nhằm cung ứng ra thị trường sản phẩm chất lượng cao, hạ giá thành sản xuất.
Gia đình bà Nguyễn Thị Nga, ngụ xã Vĩnh Thành (huyện Chợ Lách) có 1,8ha diện tích đất trồng kiểng treo các loại như: son môi tím, son môi đỏ, hạt dưa, đô la, đồng tiền, yến thảo, kiểng màu, kiểng lá, đại phát tài, phát lộc hoa… hàng năm cho ra thị trường hàng ngàn chậu.
Bà Nga cho biết: “Gia đình tôi sản xuất hoa treo 12 năm nay và gần chục năm ứng dụng công nghệ hiện đại như: nhà lưới, hệ thống tưới tự động. Hiện nay, nhiều hộ dân sản xuất hoa kiểng xung quanh cũng ứng dụng công nghệ này nhằm giảm chi phí nhân công, tránh sâu bệnh khi sản xuất trong nhà lưới, giảm ánh nắng mặt trời…”.
Bà Nguyễn Thị Nga (xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hoa treo để cung ứng ra thị trường.
Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thắng Lợi (xã Long Thới, huyện Chợ Lách) là một trong những đơn vị điển hình của tỉnh trong việc ứng dụng CNC trong sản xuất cây giống, hoa kiểng.
Giám đốc HTX Nông nghiệp Thắng Lợi Bùi Hồng Khánh cho biết: Thời gian gần đây, HTX đã ứng dụng CNC trong sản xuất giá thể sạch bệnh để sản xuất cây giống, hoa kiểng và túi tự hủy. Với 2 sản phẩm này, nông dân sản xuất cây giống, hoa kiểng không phải trồng ngoài đất rồi bứng vô chậu tốn nhiều chi phí, công lao động và rút ngắn thời gian sản xuất.
Mới đây, HTX đã ký hợp đồng mua 2.000 cây cúc mâm xôi sạch bệnh ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô từ Trung tâm Giống và Hoa kiểng Bến Tre. Khi có cây giống sạch bệnh, chất lượng cao được trồng trên giá thể sạch bệnh chắc chắn sẽ nâng cao năng suất, giá trị trong dịp Tết sắp tới.
Dự kiến HTX sẽ cung ứng nguồn cây giống, giá thể này cho bà con sản xuất cây giống và bao tiêu toàn bộ sản phẩm để cung ứng ra thị trường trong dịp Tết năm 2024.
Thời gian gần đây, Trung tâm Giống và Hoa kiểng Bến Tre đã tập trung ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy mô để cho sản phẩm hoa kiểng giống chất lượng phục vụ bà con sản xuất. Hiện tại, trung tâm đang sản xuất các loại giống như: kiểng lá, phú quý, dạ yến thảo, hoa chuông, hoa hồng, các loại lan, cúc mâm xôi, chuối, cây dược liệu, cây giống…
Thực hiện Đề án Phát triển cây giống và hoa kiểng Chợ Lách mang tầm quốc gia của tỉnh, Trung tâm Giống và Hoa kiểng Bến Tre được giao nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển các giống cây, hoa kiểng ứng dụng CNC. Từ tháng 7-2022, trung tâm đã tái khởi động lại phòng nuôi cấy mô, phòng thí nghiệm và xây dựng nhà lưới, nhà màng.
Hiện nay, một số sản phẩm nuôi cấy mô đã được các hộ dân, HTX trên địa bàn đặt hàng để sản xuất trong dịp Tết. Đồng thời, trung tâm còn đặt hàng Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thực hiện đề tài xử lý ra hoa mai vàng, hoa giấy để ứng dụng, nhân rộng mô hình ứng dụng CNC trong sản xuất.
Phó giám đốc Trung tâm Giống và Hoa kiểng Bến Tre Bùi Trường Thọ cho biết: Hiện tại trung tâm tập trung nghiên cứu - ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh nhằm tăng năng suất, chất lượng nông sản.
Đồng thời, chú trọng phát huy tốt vai trò của nhà khoa học trong việc nghiên cứu, hỗ trợ đẩy nhanh ứng dụng KHCN vào sản xuất và triển khai đầy đủ, đồng bộ, kịp thời các chính sách hỗ trợ ứng dụng KHCN cho nông dân và doanh nghiệp.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh cho biết: “Tỉnh đang triển khai Đề án Phát triển cây giống và hoa kiểng Chợ Lách mang tầm quốc gia, với tổng kinh phí đầu tư gần 85 tỷ đồng.
Đề án do UBND tỉnh phê duyệt và là một trong 11 công trình, dự án trọng điểm của tỉnh được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đề án sẽ tiến hành xây dựng vùng sản xuất chuyên canh tập trung đạt 300 - 500ha trên diện tích 1.500ha cây giống, hoa kiểng của huyện Chợ Lách gắn với phát triển chuỗi giá trị cây giống, hoa kiểng.
Mục tiêu của đề án là phát triển sản xuất giống cây trồng, hoa kiểng theo hướng công nghiệp nhằm cung cấp cho việc sản xuất đủ giống có năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường; góp phần thực hiện thành công định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”.
Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ cho rằng: Việc xây dựng Đề án Phát triển cây giống và hoa kiểng Chợ Lách mang tầm quốc gia là đúng đắn và cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian sắp tới.
Các đơn vị liên quan đang phối hợp chặt chẽ để triển khai các công việc cần thiết, có lộ trình, mục tiêu rõ ràng, cụ thể để thực hiện. Huy động hiệu quả nguồn lực về cơ sở vật chất, con người và khẩn trương bắt tay vào thực hiện.
“Việc xây dựng cũng như phát triển Trung tâm Giống và Hoa kiểng Bến Tre cần có sự kế thừa truyền thống nghề làm cây giống của người dân gắn với hợp tác, liên kết, phát triển kinh tế tập thể để tập hợp được sức mạnh của người dân, cùng khắc phục khó khăn và cùng hưởng lợi. Nhà nước lắng nghe kinh nghiệm của người dân và hỗ trợ cho người dân về kỹ thuật, phát triển thị trường, nghiên cứu khoa học, kết hợp giữa truyền thống với khoa học kỹ thuật hiện đại để sản xuất cây giống đạt chuẩn, mang tầm quốc gia”. (Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ).