Hiện nay, mô hình lúa - tôm đang phát triển mạnh ở nhiều địa phương ven biển thuộc tỉnh Kiên Giang, nhất là các huyện An Minh, An Biên, U Minh Thượng, Gò Quao và Hòn Đất.
Tại xã Đông Thạnh, huyện An Minh, theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, sau khi thu hoạch tôm, người dân nơi đây lập tức bắt tay vào trồng lúa và những trà lúa này đang phát triển rất tốt. Nhiều nông dân cho hay, họ đang áp dụng mô hình lúa - tôm theo hình thức 1 vụ lúa, 1 vụ tôm trong năm.
Anh Phạm Văn Hoàng Diệu ở xã Đông Thạnh cho hay, phần lớn người dân trong xã làm theo mô hình lúa - tôm, nhờ vậy thu nhập tăng lên, đời sống dần cải thiện, trong khi môi trường sống cũng được đảm bảo nhờ hạn chế sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
"Mô hình này chủ yếu sử dụng chất thải tôm nuôi vụ trước làm phân bón cho cây lúa. Do làm 1 vụ lúa xong nghỉ, chuyển qua vụ tôm đã cắt đứt được chuỗi phát triển của sâu bệnh, nên sâu bệnh không lây lan qua các vụ được. Vì vậy, đỡ tốn rất nhiều chi phí trong sản xuất lúa. Về phía con tôm, nguồn nước sạch nên cũng phát triển tốt, đỡ tốn chi phí thức ăn" - anh Diệu nói.
Theo anh Diệu, trước đây, nông dân xã Đông Thạnh chỉ gieo sạ 1 vụ lúa duy nhất nên thu nhập rất bấp bênh. Từ năm 2016, mô hình lúa - tôm được ngành nông nghiệp phát động và người dân tích cực áp dụng. Do hiệu quả thấy rõ nên diện tích ngày càng tăng.
Đến nay, anh Diệu đã có 5ha làm theo mô hình lúa - tôm. Theo tính toán của anh, mô hình có thể cho lợi nhuận từ 180 – 200 triệu đồng/ha/năm từ nuôi tôm, trồng lúa, cá hoặc cua (thả thêm để tăng thêm thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích).
Ông Nguyễn Văn Khánh - Giám đốc Hợp tác xã Tôm - cua - lúa Thạnh An (xã Đông Thạnh) cho biết, từ năm 2018, nơi đây đã vận động xã viên chuyển sang sản xuất theo mô hình lúa - tôm. Tuy lúc đầu ít người làm vì chưa tin tưởng, nhưng không lâu sau ai nấy cũng muốn làm, diện tích thực hiện tăng mạnh. Đến nay, tất cả xã viên (61 người) đều làm theo mô hình, với tổng quy mô gần 400ha.
Hiện, các xã viên Hợp tác xã Tôm - cua - lúa Thạnh An đều gieo sạ lúa ST5 (giống lúa ST5 có thời gian sinh trưởng khoảng 120 ngày, phù hợp với điều kiện canh tác mô hình lúa - tôm) và được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ.
Làm theo mô hình trên, riêng cây lúa, các xã viên có lợi nhuận từ 24-25 triệu đồng/ha/năm. Riêng những xã viên giỏi, có thể đạt lợi nhuận trên 30 triệu đồng/ha/năm.
Ông Khánh cho biết, với những ưu điểm nói trên, dự kiến Hợp tác xã Tôm - cua - lúa Thạnh An sẽ mở rộng quy mô sản xuất lúa tôm lên khoảng 1.000ha.
Được biết, toàn huyện An Minh của tỉnh Kiên Giang đang có trên 47.000ha nuôi trồng thủy sản. Trong đó, diện tích mô hình lúa - tôm khoảng 39.000ha.
Thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa chuyên canh
Ngoài luân canh 1 vụ lúa, 1 vụ tôm, ở ĐBSCL, nông dân nhiều địa phương ven biển còn làm mô hình lúa - tôm theo dạng vừa nuôi tôm, vừa trồng lúa trong cùng một diện tích.
Mô hình này có ưu điểm là vốn đầu tư thấp, ít rủi ro, quy trình thực hiện đơn giản, có thể cho tổng thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa chuyên canh.
Cụ thể, về phía con tôm (tôm sú, tôm thẻ chân trắng hoặc tôm càng xanh tùy theo từng vùng nuôi và tùy mùa), giúp người dân đạt khoảng 500kg/ha/vụ, thu về từ 50 - 80 triệu đồng (tùy giá bán).
Về phía cây lúa, người dân trồng các giống lúa chất lượng cao như ST24, ST25, Jasmine, RVT,...với năng suất từ 4 - 4,5 tấn/ha/vụ, có thể thu lợi nhuận bình quân 30 triệu đồng/ha/vụ.
Theo Sở NNPTNT các địa phương ĐBSCL, lúa và tôm thực hiện theo mô hình đều được các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nên bà con rất an tâm đầu tư. Ngoài tăng thêm thu nhập trên cùng diện tích sản xuất, luân canh, xen canh tôm - lúa còn được xem là mô hình thích ứng rất tốt với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay.
Chưa dừng lại ở đó, hình thức nuôi này còn làm tăng khả năng cạnh tranh của con tôm vùng ĐBSCL trong bối cảnh giá bán tôm nguyên liệu trên thị trường thấp.
Hiện, diện tích mô hình lúa - tôm ở ĐBSCL đạt gần 190.000ha (chiếm 26,8% so với diện tích nuôi tôm của 8 tỉnh vùng ĐBSCL), dự kiến có thể tăng trong thời gian tới.
Nhiều chuyên gia cho rằng, mô hình lúa - tôm là mô hình "thông minh", tạo ra các sản phẩm sạch, có chất lượng cao, khả năng cạnh tranh mạnh trên thị trường.
Ở nhiều sự kiện bàn chuyện con tôm, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) luôn cho rằng, mô hình lúa - tôm rất độc đáo, riêng biệt, cần có những nghiên cứu, quy hoạch vùng nuôi đi kèm với đó là chứng nhận bền vững thể hiện tính đặc thù.
"Mô hình lúa - tôm của Việt Nam vốn tạo ra được nguồn sản phẩm khác biệt so với các sản phẩm công nghiệp khác hoặc các sản phẩm tương quan. Nếu được quy hoạch vùng tôm - lúa và có chứng nhận quốc tế nói trên, có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của nhiều thị trường trên thế giới về mặt tự nhiên, sinh thái và bền vững. Lúc này, mô hình lúa - tôm của Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh cao" - ông Hòe nói.
Hiện nay, mô hình lúa tôm được thực hiện tập trung chủ yếu tại các tỉnh Kiên Giang với 110.000 ha, Bạc Liêu 41.540 ha, Sóc Trăng 7.914 ha, Bến Tre 5.360 ha và Trà Vinh 3.164 ha. Ước tính mỗi năm sản lượng tôm đạt khoảng 100.000 tấn tôm sú, tôm thẻ chân trắng và trên 20.000 tấn tôm càng xanh.
Mới đây, tại hội thảo "Lúa gạo tăng giá, giải pháp để nông dân hưởng lợi lâu dài" do Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) và UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức, trong phần phát biểu của mình, ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã nhắc đến hiệu quả của mô hình lúa - tôm vùng ĐBSCL.
Theo ông Hoan, khi đến thăm mô hình con tôm ôm cây lúa (lúa - tôm), nông dân nói thu nhập từ cây lúa là phụ, cái chính là tôm, cá. Đây là một minh chứng rõ ràng về việc nông dân đã chuyển từ tư duy đơn giá trị sang đa giá trị trên một diện tích sản xuất, trong đó có sản xuất lúa.