Dân Việt

Quảng Bình: Đây là cách huyện Bố Trạch khiến khách du lịch mua sản phẩm OCOP

Trần Anh 28/11/2023 05:50 GMT+7
Bố Trạch là huyện lớn thứ 3 cả nước, nơi có Di sản thế giới vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, huyện này cũng đang dẫn đầu toàn tỉnh Quảng Bình về sản phẩm OCOP. Tận dụng lợi thế du lịch, Bố Trạch đã có những cách làm hay trong việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Mở các điểm trưng bày sản phẩm OCOP

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Cẩm Long – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình), chia sẻ: "Thời gian qua, địa phương đã tập trung đẩy mạnh phát triển Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), xem đây là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là phát huy tối đa lợi thế du lịch của Di sản thế giới vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng trong quá trình xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm OCOP Bố Trạch".

Quảng Bình: Cách huyện Bố Trạch đưa sản phẩm OCOP tới khách du lịch - Ảnh 1.

Gian hàng sản phẩm OCOP huyện Bố Trạch gây ấn tượng bên lề Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình lần thứ XI. Ảnh: Trần Anh

Theo ông Nguyễn Cẩm Long, Bố Trạch hiện có 54 sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên, trong đó có 5 sản phẩm đạt 4 sao và 49 sản phẩm đạt 3 sao. 27 chủ thể có sản phẩm OCOP, 20/28 địa phương có sản phẩm OCOP.

Chính quyền địa phương đã hỗ trợ thực hiện một điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP kết hợp kinh doanh cafe ở thị trấn Hoàn Lão để người dân, du khách vừa uống cafe vừa thưởng thức, mua sắm các sản phẩm OCOP.

Cùng với đó, tiếp tục Phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình thực hiện thêm một trung tâm OCOP huyện tại thị trấn Phong Nha nơi có Di sản thế giới vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng thu hút rất đông khách du lịch.

Quảng Bình: Cách huyện Bố Trạch đưa sản phẩm OCOP tới khách du lịch - Ảnh 3.

Huyện Bố Trạch vừa tổ chức khai trương điểm trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP để tiếp cận gần hơn với người dân và khách du lịch.

Bà Dương Tuyết Lan – Du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh, cho biết: "Tôi cùng gia đình tới Phong Nha – Kẻ Bàng để đi tham quan các hang động, khi vào một quán cafe trên địa bàn huyện này thấy trưng bày rất nhiều sản phẩm OCOP, đều là đặc sản nơi đây. Nhiều sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đẹp, tôi đã mua về để làm quà cho người thân".

Bên cạnh đó, huyện Bố Trạch đã tổ chức các đợt trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu thông qua Hội chợ thường niên vào dịp tết nguyên đán, gian hàng chào mừng Đại hội nông dân các cấp và các hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh thu hút hơn 5.000 lượt khách tham quan và người tiêu dùng đến tham quan, mua sắm.

Quảng Bình: Cách huyện Bố Trạch đưa sản phẩm OCOP tới khách du lịch - Ảnh 4.

Điểm trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại một quán cafe trên địa bàn huyện Bố Trạch hứa hẹn sẽ thu hút đông người dân và khách du lịch. Ảnh: Lê Mai

"Mục tiêu xây dựng các điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP là ưu tiên hàng đầu trong thực hiện chương trình OCOP hiện nay của địa phương. Qua đó, thúc đẩy sản xuất, từng bước tạo dựng thương hiệu, nâng tầm giá trị cho sản phẩm, tạo thành một chuỗi liên kết giá trị cùng nhau phát triển. Đồng thời, là điểm dừng chân thu hút khách du lịch đến với Bố Trạch", ông Nguyễn Cẩm Long – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch, cho hay.

Phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình), chia sẻ: "Địa phương có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm OCOP. Một trong những thế mạnh của Bố Trạch là nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản; trồng và chế biến cây dược liệu và các sản phẩm cây con bản địa của từng địa phương.

Đặc biệt, Bố Trạch sở hữu nhiều tiềm năng và thế mạnh về du lịch nhất là lợi thế của quê hương di sản Phong Nha - Kẻ Bàng, hằng năm thu hút hằng trăm ngàn du khách thập phương. Phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch sẽ là định hướng lâu dài của huyện Bố Trạch".

Quảng Bình: Cách huyện Bố Trạch đưa sản phẩm OCOP tới khách du lịch - Ảnh 5.

Các sản phẩm OCOP huyện Bố Trạch được đánh giá chất lượng cao, mẫu mã đẹp. Ảnh: Trần Anh

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, để tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có, huyện sẽ tập trung chỉ đạo phát triển sản phẩm OCOP tập trung vào 4 nhóm sản phẩm chủ yếu gồm: Nhóm thực phẩm; Nhóm đồ uống; nhóm thảo dược và Nhóm dịch vụ du lịch nông thôn.

Thời gian tới, huyện sẽ phối hợp với Sở Du Lịch, Sở Nông nghiệp và PTNT để lựa chọn, hướng dẫn, hỗ trợ phát triển 1 - 2 mô hình OCOP du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái để đa dạng các sản phẩm OCOP cũng như phát huy lợi thế về du lịch của huyện nhà.

Quảng Bình: Cách huyện Bố Trạch đưa sản phẩm OCOP tới khách du lịch - Ảnh 6.

Gian hàng bày bán các sản phẩm OCOP huyện Bố Trạch tại Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng.