Vùng quê nơi Trần Quân Chính sinh ra và lớn lên là xã Quỳnh Long (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) cách biển của Vùng 4 Hải quân hơn ngàn cây số nhưng thật gần khi đến với khu lưu niệm của anh. Anh Chính có bố là cán bộ đoàn tàu Không số thời chiến tranh chống Mỹ, và lần lượt những đứa con trai của ông đều tiếp nối truyền thống ấy. Thật trùng hợp khi tất cả các anh em trong nhà của Trần Quân Chính đều trở thành lính biển Vùng 4 Hải quân. Anh Chính cũng có người em con chú ruột là một trong 64 liệt sỹ trận hải chiến Gạc Ma năm 1988.
Anh Chính vẫn thường nói vui rằng, giữa biển đảo, Trường Sa và bản thân tôi là một, cùng nhịp đập của trái tim tôi. Năm 1989, nối gót cha và anh trai của mình, Trần Quân Chính (sinh năm 1972) gia nhập bộ đội Hải quân, anh vui sướng dâng trào khi cầm trên tay giấy báo nhập ngũ và có những tháng ngày với quân trường, với sóng biển Vùng 4 Hải quân. Năm 1991, anh rời quân ngũ.
Sau khi giải ngũ, dù tham gia làm ăn ở nước ngoài, hay khi trở về quê hương kinh doanh, anh đều tận dụng hết thảy mọi không gian trống, mọi "khe hở" phù hợp để trưng bày những hình ảnh về lính biển, về Trường Sa, Hoàng Sa. Thế nhưng, niềm mơ ước mà Trần Quân Chính luôn ấp ủ thực hiện, đó là một ngày nào đó sẽ có một không gian đủ lớn, đủ xứng tầm để trưng bày nhiều hơn, lớn lao hơn những hình ảnh, kỷ vật liên quan đến Hải quân Nhân dân Việt Nam, đến Trường Sa thân yêu.
Khát khao cháy bỏng ấy, cho mãi đến năm 2023, anh mới có thể đầu tư nhà hàng cà phê "Hương Biển Xanh" với ngôi nhà sàn hai tầng. Kinh phí đầu tư cho kinh doanh còn khó khăn, mọi thứ còn phải chắt bóp, nhưng ngoài một số mô phỏng được tặng thì cũng khá nhiều thứ anh bỏ tiền mua. Trên gác 2 của ngôi nhà sàn, anh dành hết không gian để trưng bày.
Có những mô phỏng được các thế hệ quân nhân Hải quân tặng, nhưng cũng khá nhiều vật dụng anh bỏ tiền mua. Nhưng cho dù với bao nhiêu tiền thì anh cũng đặt mua cho bằng được tại xứ biển Khánh Hoà, Nha Trang nơi có Vùng 4 đóng quân.
Ban đầu luôn bị người thân phản đối bởi còn bao nỗi lo khác về kinh tế, chật vật trong đầu tư kinh doanh, thế nhưng, mỗi ngày trôi qua, mọi người dần hiểu và đồng cảm cùng anh, về nỗi niềm đau đáu của người lính biển này với bao ký ức đẫm hơi biển, hải đảo, những đôi cánh hải âu bay xa bao la trên biển trời Việt Nam. "Khó khăn mấy tôi cũng quyết tâm thực hiện, tôi muốn gửi gắm cho con cháu sau này cũng như lớp trẻ về một thời các thế hệ người lính Hải quân dũng cảm, oanh liệt, hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo..." – Anh Chính tâm sự.
Càng hiểu hơn mỗi khi thấy anh đứng bần thần trước những kỷ vật quân ngũ trong tủ kính khoá chặt. Và hiểu hơn nữa, khi đông đảo Cựu chiến binh cũng như đồng đội đang trong quân ngũ về đây và bồi hồi ôn lại năm tháng bên nhau. Và cũng có bao cán bộ hay người dân bình thường, già cũng như tuổi trẻ đều tìm đến quán cà phê này của anh để chiêm ngưỡng, chiêm nghiệm với sự thán phục về sức mạnh Hải quân Nhân dân Việt Nam, với niềm tin mãnh liệt và rất đỗi tự hào…
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; điện thoại liên hệ: 0903226305.