Kể chuyện làng: Dưa món, món ăn gợi nhớ kỷ niệm ngày Tết

Trịnh Trúc Quỳnh Thứ bảy, ngày 18/11/2023 08:53 AM (GMT+7)
Một ngày cuối năm, đang tất bật vì vô số công việc thì chợt nhận được một hũ dưa món "nhà làm" từ người chị đồng nghiệp thân thiết, khiến lòng tôi bất giác mềm đi trong vài khoảnh khắc.
Bình luận 0

Cũng đã từ rất lâu, kể từ khi má tôi qua đời, tôi đã quên mất món ăn bản thân rất yêu thích thời còn thơ ấu. Giờ tan tầm, tôi khệ nệ ôm hũ dưa món, đứng chờ xe buýt giữa tiếng còi xe tấp nập của phố thị, chợt thấy môi mình mằn mặn vị nhớ thương. Dòng hoài niệm về những cái Tết tuổi thơ êm đềm bên gia đình, trong phút chốc quay trở về sống động như mới ngày hôm qua.

Kể chuyện làng: Dưa món, món ăn gợi nhớ kỷ niệm ngày Tết - Ảnh 1.

Dưa món ngày Tết. Ảnh: Tác giả cung cấp

Những ngày giáp Tết ở quê, khi công việc ruộng đồng đã dần trở nên nhàn tản hơn, má tôi lại cần mẫn chuẩn bị làm món dưa món. Cũng chẳng biết tên gọi "dưa món" có từ khi nào nhưng theo lời má tôi kể lại thì đây là một món ăn kèm đặc trưng trên các mâm cỗ của người miền Trung quê tôi. Người dân miền Bắc thường đón Tết trong bầu không khí se lạnh nên các món ăn thường có sự ưu tiên việc kết hợp hài hòa giữa món nước và món khô, giữa thịt và rau.

Mâm cỗ đúng chuẩn của người miền Bắc chẳng thể thiếu những chiếc bánh chưng có màu xanh đẹp mắt, ăn kèm với dưa hành, thịt đông. Với đặc trưng khí hậu nóng ẩm, người miền Nam thường yêu chuộng việc thưởng thức món bánh tét ăn kèm với tôm khô củ kiệu. Riêng với người miền Trung quê tôi thì dưa món là thứ không thể thiếu khi ăn kèm cùng bánh tét. Dưa món của người miền Trung vốn là thức ăn kèm được kết hợp từ nhiều loại rau củ như cà rốt, đu đủ, dưa leo, củ cải, củ kiệu... được ngâm chua mặn. Khi ăn, người thưởng thức sẽ cảm nhận được hương vị đậm đà kèm theo cảm giác giòn tan. Món ăn này nghe qua có vẻ đơn thuần nhưng để có được hũ dưa món đầy màu sắc và hương vị như thế đã mất không ít thời gian cũng như sự tỉ mỉ của người chế biến. Những ngày còn thơ, tôi đặc biệt yêu thích món ăn này vì ngày Tết nhà nhà đều thịt thà, bánh trái, kẹo mứt la liệt, nên trong bữa cơm gia đình, vị chua của dưa món thật sự là một "cứu tinh".

Kể chuyện làng: Dưa món, món ăn gợi nhớ kỷ niệm ngày Tết - Ảnh 2.

Dưa món nhà làm. Ảnh: Tác giả cung cấp

Thông thường, trước khi chế biến món ăn này, má tôi sẽ tỉ mỉ chuẩn bị sẵn một con dao nhỏ thật bén để dành tỉa gọt rau củ cùng ít nước mắm ngon để làm dưa món. Má tôi thường tranh thủ làm khá nhiều dưa món để dành biếu bà con họ hàng, phần còn lại thì để ở nhà ăn dần trong mấy ngày Tết. Dẫu gia cảnh nhà tôi không mấy khá giả nhưng năm nào má tôi cũng chăm chút cho những hũ dưa món. Má thường bảo món này đúng kiểu "của một đồng, công một nén", cũng bởi dưa này để lâu mấy cũng được, mọi người khi thưởng thức sẽ nhớ đến tấm lòng của gia đình mình. Đứa trẻ con là tôi khi ấy, không hiểu lời má nói, chỉ biết ngoan ngoãn gật đầu. 

Mãi đến sau này, khi đã trưởng thành, ngồi ngẫm lại lời má nói năm xưa, tôi mới nhận thấy biết bao tình cảm chắt chiu, vun vén yêu thương má dành cho gia đình và những người thân chung quanh vào mỗi dịp Tết đến xuân về. Để rồi mỗi khi nhận được bất kỳ món quà Tết nào dẫu chỉ đơn thuần là một trái dưa hấu, miếng kẹo lạc hay ít rau củ nhà trồng từ bà con, họ hàng chung quanh, má tôi cũng đều rưng rưng xúc động. Má hay bảo, kể từ khi cha qua đời, gia đình tôi sống dựa vào xóm giềng, họ hàng thân thuộc, nên khi nhận bất cứ điều gì từ những người chung quanh, cũng phải trân trọng và biết ơn.

Dưa món vốn được chế biến từ rất nhiều loại rau củ khác nhau, tuỳ theo sở thích của mỗi gia đình. Tuy nhiên, theo má tôi thì nguyên liệu dù được lựa chọn theo sở thích nhưng không thể thiếu ớt và tỏi, ngoài ra còn có thể kết hợp thêm cà rốt, su hào, đu đủ xanh, củ cải trắng và một "bí quyết" của gia đình tôi là thơm (dứa) phơi khô dành sẵn từ năm trước...

Khu vườn nhà tôi có trồng khá nhiều các loại rau củ như: củ cải trắng, cà rốt, su hào, dưa chuột nên má tôi thường tranh thủ ra chợ mua thêm hành tím và tỏi là có thể bắt tay vào chế biến. Chị em tôi thường được má giao nhiệm vụ ra vườn hái các loại rau củ quả mang ra giếng nước rửa sạch rồi hong cho khô ráo. Sau đó, má tôi sẽ gọt sạch vỏ rồi tỉa lại một chút cho đẹp mắt. Thông thường, má tôi sẽ cắt thành từng sợi dài ngắn khác nhau hoặc chia thành từng khoanh tròn rồi tỉa theo hình bông hoa. Loại mềm, nhiều nước thì có thể cắt lớn hơn một chút, loại cứng thì nhỏ hơn để dễ ăn sau này. Sau khi cắt gọt rửa xong, má tôi thường cho muối vào bóp cho rau củ mềm, sau đó sẽ xả qua nước lạnh rồi vắt ráo. Đợi khi trời có nắng, má tôi mang rau củ ra khay phơi nắng, chỉ cần heo héo là được.

Những ngày cận Tết ở Huế thường là những ngày thời tiết se lạnh, mưa giăng đầy trời, nên hễ may mắn có một ngày hửng nắng thì y như rằng bao nhiêu rau củ làm dưa món xuất hiện trước hiên nhà tôi. Những buổi sáng tinh mơ, khi vừa thức giấc giữa lưng chừng giấc mơ, tôi thường lặng lẽ đứng nhìn bóng dáng gầy gò của má rải những bông hoa được cắt tỉa gọn gàng trên một cái nia nhỏ hay cái mâm kim loại, để chờ ánh nắng vàng vọt hong cho thật ráo. Đứa trẻ là tôi cứ thế mà ngẩn ngơ, cảm tưởng như mùa xuân đã đến thật gần. Mãi cho đến khi trưởng thành, tôi vẫn chẳng thể quên được dáng hình tần tảo đầy thân thương ấy của má. Mỗi khi nhắm mắt, hoài niệm lại hình ảnh má tôi tỉ mỉ ngồi cắt tỉa và phơi rau củ chuẩn bị cho món dưa món ngoài hiên nhà, nước mắt tôi lại khẽ rơi dài trên má.

Chợt nhớ có những ngày cuối năm ở xứ Huế, nắng là thứ xa xỉ, nên muốn các nguyên liệu bằng rau củ này khô phải hong thêm bằng lửa than. Những gia đình truyền thống ở Huế xưa thường có một cái quây hình ống lớn đan bằng tre, sau đó sẽ cần mẫn quạt một lò lửa than bỏ vào trong đó rồi đậy lên trên bằng chính cái nia rau củ đã cắt tỉa.

Hũ keo sau khi má mua mới về sẽ rửa sạch phơi cho khô ráo, thơm mùi nắng, mới được mang ra sử dụng. Rau củ vừa khô héo sau khi được má tôi tỉ mỉ cho vào trong hũ xong cùng với nước mắm pha đường. Bí quyết của má tôi là nếu một ký củ quả vắt khô, sẽ chuẩn bị 500g đường cát, một muỗng cà phê bột ngọt, một xị nước mắm ngon kết hợp tỏi, ớt tươi xắt tùy thích. Phần đường sẽ được má tôi bắt lên bếp thắng dần dần cho ngả màu vàng sậm sau đó đổ thêm nước mắm, nêm bột ngọt. Vốn bản tính tỉ mỉ, má tôi thường chờ cho phần đường vừa sôi lên, sẽ nhanh tay nhấc nồi xuống chờ nước còn ấm thì nhanh tay đổ củ quả vào trộn đều, chờ khoảng vài giờ đồng hồ là cho vào keo thủy tinh hay hũ sành, dùng nẹp gài chặt lại.

Ba ngày sau, má tôi sẽ chắt nước ra, đem sên cho kẹo, rồi bỏ tỏi ớt vô trộn đều, gài chặt lại. Một tuần sau, dưa món thấm màu vàng nâu là ăn được. Mâm cơm ngày Tết đơn thuần ở gia đình tôi chỉ cần chén cơm trắng ăn cùng với thịt kho hột vịt, nhấm nháp thêm chút dưa món, là đủ đầy và hạnh phúc. Cắn một miếng dưa món, cảm nhận vị chua của rau củ hòa cùng sự ngọt ngào của đường phèn và vị mằn mặn của nước mắm, tạo nên một cảm giác vô cùng đặc biệt.

Ngẫm cho cùng, thiên nhiên ban tặng cho dải đất hẹp miền Trung tôi biết bao sản vật với đủ cung bậc mà người ta hay ví von như hương vị cuộc đời: ngọt, bùi, mặn, đắng, chua, cay… Với sự thông minh, vén khéo của người phụ nữ, hương và vị của các loài thực vật đã được kết hợp tinh tế và hòa quyện với nhau để cho ra đời những món ngon, đẹp mắt và có ý nghĩa. "Dưa món" là một trong những món ăn như thế, có đủ mùi vị, màu sắc, sự đậm đà mà chỉ nhìn đã thấy thèm. Bữa cơm ngày Tết mà thiếu đi món ăn này, cảm tưởng như thiếu đi nét văn hóa ẩm thực của quê nhà.

Nhiều năm gần đây, khi má đã đi xa, mỗi khi nhìn thấy mấy hũ dưa món ngoài chợ chuẩn bị đón xuân mới, lòng tôi lại nôn nao nhớ má. Dẫu chỉ đơn thuần là hũ dưa món nhưng món ăn ấy đong đầy biết bao sự chắt chiu và tình yêu thương của má dành cho các con. Chiều nay, đứa bé con nhà tôi cứ thế mà háo hức trước hũ dưa món chị đồng nghiệp vừa tặng. Tôi khẽ cười bảo: "Để sáng mai, mẹ con mình ra chợ mua rau củ quả về. Mẹ sẽ làm thử món dưa món, có thể sẽ không ngon bằng bà, nhưng đó là tấm lòng để tưởng nhớ đến dưa món của bà năm xưa".

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; điện thoại liên hệ: 0903226305.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem