Tại Họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khoá XV sáng 29/11 tại Quốc hội, trả lời câu hỏi báo chí về tiến trình sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân, dự luật đang được nhiều chuyên gia và chính đại biểu Quốc hội cho rằng nhiều quy định đã lỗi thời, lạc hậu.
Theo ông Trần Văn Lâm, bản thân ông cũng "rất sốt ruột, cần sửa càng sớm càng tốt khi nhiều chính sách thuế bất cập, trong đó có thuế thu nhập cá nhân", nhưng xét lại tổng thể thì "việc này tới nay chưa khả thi".
Đại diện Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho rằng, các nội dung chỉnh sửa, hoàn thiện pháp luật về thuế nhiều, không thể hoàn thiện tất cả trong một năm, nên cần chia nhỏ để đủ thời gian thực hiện. Chưa kể, mỗi dự án luật đều phải tuân theo trình tự, quy trình làm luật chặt chẽ.
Trong thời gian chưa sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, đại diện Ủy ban Tài chính ngân sách cho hay, nhiều chính sách thuế khác như thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, thu nhập doanh nghiệp được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý để Chính phủ đẩy nhanh tiến độ, trình Quốc hội vào năm 2024.
Trước đó ngày 2/11 thảo luận tại hội trường Quốc hội, Đại biểu Trần Văn Lâm, đoàn Bắc Giang, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đánh giá, dù có mặt đạt được, song phải chỉ ra những bất cập, hạn chế để cho năm tiếp theo. Trong đó đại biểu nhấn mạnh đến việc sửa đổi chính sách thuế thu nhập cá nhân, chính sách thu và hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT), các chính sách hỗ trợ hậu đại dịch Covid-19 và các chính sách mang tính căn cơ, lâu dài cho nền kinh tế.
Theo ông Lâm, có nhiều chính sách thu bất cập, lạc hậu, chậm sửa đổi. Ví dụ như Thuế thu nhập cá nhân hiện hành với quy định mức khởi điểm mức chịu thuế, phân chia bậc luỹ tiến, triết trừ gia cảnh không được cập nhật theo mức lương tối thiểu của người lao động, giá cả, lạm phát. "Có nội dung đã lạc hậu cả chục năm!", ông Lâm nhấn mạnh.