Báo cáo của Bộ NNPTNT, trong tháng 11/2023, xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 4,79 tỷ USD, tăng 0,3% so với tháng 10/2023 và tăng 13% so với tháng 11/2022. Đáng chú ý, tất cả các nhóm hàng đều tăng so với tháng 11/2022: nông sản 2,49 tỷ USD, tăng 24,7%; chăn nuôi 41 triệu USD, tăng 9,7%; lâm sản 1,29 tỷ USD, tăng 2,8%; thủy sản 800 triệu USD, tăng 1,4%...
Tính chung 11 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 47,84 tỷ USD, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm thuỷ sản đạt 8,24 tỷ USD, giảm 18,9%; lâm sản 13,02 tỷ USD, giảm 17%; đầu vào sản xuất 1,82 tỷ USD, giảm 17,8%.
Riêng nhóm nông sản và chăn nuôi có giá trị tăng, cụ thể, giá trị xuất khẩu nhóm nông sản đạt 24,3 tỷ USD, tăng 17,1% (đóng góp bởi giá trị XK nhóm hàng rau quả 5,32 tỷ USD, tăng 74,5%; gạo 4,41 tỷ USD, tăng 36,3%; hạt điều 3,31 tỷ USD, tăng 17,4%, sản phẩm từ ngũ cốc 1,08 tỷ USD, tăng 5,4%) và sản phẩm chăn nuôi 453 triệu USD, tăng 23,5%. Đến nay, có 6 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 03 tỷ USD (Cà phê 3,54 tỷ USD, gạo 4,41 tỷ USD, hàng rau quả 5,32 tỷ USD với sự đóng góp tới 2 tỷ USD của trái sầu riêng, hạt điều 3,31 tỷ USD, tôm 3,38 tỷ USD, gỗ và sản phẩm gỗ 12,11 tỷ USD).
Đáng chú ý, giá xuất khẩu bình quân một số nông sản chính tăng mạnh, trong đó, gạo đạt bình quân 568 USD/tấn, tăng 17,3%, cà phê 2.570 USD/tấn, tăng 11,9%.
Cho đến nay, Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất; giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 23,2%, tăng 18%; Mỹ chiếm 20,6%, giảm 17,9% và Nhật Bản chiếm 7,4%, giảm 9,1%.
Trong thời gian qua, Bộ NNPTNT tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương theo dõi sát sao và báo cáo kịp thời Ban chỉ đạo điều hành giá và Tổ điều hành thị trường trong nước tình hình sản xuất, nguồn cung các sản phẩm nông sản đang vào vụ thu hoạch, biến động giá cả, đặc biệt là các mặt hàng đang chịu tác động lớn từ thị trường thế giới như mặt hàng gạo.
Tiếp tục triển khai Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 05/8/2023 của Thủ Tướng Chính phủ về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay.
Hướng dẫn các địa phương điều tiết kế hoạch sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu. Chủ động xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm, các trường hợp lô hàng bị cảnh báo tại thị trường nhập khẩu và đàm phán xử lý rào cản kỹ thuật, mở rộng thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản.
Trong tháng cuối cùng của năm 2023, để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ NNPTNT xác định sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU, liên minh kinh tế Á - Âu...
Tận dụng các FTAs, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới. Phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.
Theo dõi, nắm bắt tình hình giá cả, nguồn cung các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, báo cáo Tổ điều hành Thị trường trong nước và Ban Chỉ đạo giá của Chính phủ; đảm bảo nguồn cung phục vụ nhu cầu trong nước và cân đối cung cầu dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Phối hợp với các địa phương hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông sản vào vụ thu hoạch.
Tổ chức các hoạt động, như: các Diễn đàn 970 hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản; Tọa đàm phổ biến thông tin, quy định thị trường và thị hiếu tiêu dùng, kết nối tiêu thụ thông qua hệ thống tham tán thương mại, nông nghiệp tại các thị trường, các chuỗi phân phối bán lẻ trong nước, các sàn thương mại điện tử (Postmart, Shopee, Tiki, Lazada, Tiktok, Zalo…) đối với các mặt hàng nông sản, sản phẩm OCOP...