Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 10/2023, Việt Nam đã xuất khẩu được 635.102 tấn gạo, trị giá 406,8 triệu USD, tăng 4,9% về lượng và tăng 7,7% về trị giá so với tháng trước.
Luỹ kế 10 tháng năm, xuất khẩu gạo của nước ta đạt gần 7,05 triệu tấn với kim ngạch thu về 3,95 tỷ USD, tăng 15,9% về lượng và tăng 34% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy kim ngạch xuất khẩu gạo hiện đã thiết lập cột mốc kỷ lục mới, vượt xa con số 3,45 tỷ USD đạt được trong cả năm 2022.
Kết quả này cũng giúp Việt Nam vượt qua Thái Lan 6,88 triệu tấn để vươn lên trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới.
Trong 10 tháng, Philippines là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của nước ta với khối lượng đạt 2,63 triệu tấn, trị giá 1,4 tỷ USD, giảm 4% về lượng nhưng tăng 11,1% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2,63 triệu tấn, trị giá 1,4 tỷ USD.
Đáng chú ý, Indonesia đã vượt qua Trung Quốc để trở thành thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của nước ta với khối lượng lên đến 1 triệu tấn, trị giá 554,6 triệu USD, tăng đột biến 18 lần về lượng và 20 lần về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường này chiếm 14,6% tổng lượng gạo xuất khẩu của nước ta trong 10 tháng qua.
Theo Cơ quan Hậu cần Quốc gia Indonesia, Chính phủ nước này đang lên kế hoạch ấn định hạn ngạch nhập khẩu gạo trong năm 2024 ở mức 2 triệu tấn, giảm so với mức 3,8 triệu tấn của năm nay. Số lượng gạo nhập khẩu năm tới sẽ phụ thuộc vào cung và cầu trong nước. Chính phủ Indonesia cũng tuyên bố sẽ gia hạn chương trình hỗ trợ gạo hàng tháng cho khoảng 22 triệu hộ gia đình thu nhập thấp đến tháng 6/2024 nhằm bảo vệ người nghèo trước tình trạng giá cả tăng vọt.
Vào ngày 3/11 vừa qua, Bulog thông báo đã ký hợp đồng nhập khẩu 1 triệu tấn gạo trong tổng hạn ngạch bổ sung được giao là 1,5 triệu tấn từ 4 quốc gia gồm Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Myanmar.
Nước này cũng đang thăm dò khả năng nhập khẩu từ Ấn Độ, Campuchia và các quốc gia khác nếu đáp ứng được yêu cầu. Đợt nhập khẩu bổ sung này là nhằm tăng cường kho dự trữ gạo của chính phủ đến năm 2024.
Với Trung Quốc, mặc dù xuất khẩu gạo sang thị trường này có dấu hiệu chậm lại thời gian gần đây, nhưng tính chung 10 tháng vẫn tăng trưởng 16,7%, đạt 883.967 tấn.
Ngoài ra, lượng gạo xuất khẩu sang một số thị trường khác cũng tăng trong 10 tháng nay như: Ghana và Singapore cùng tăng 40%, Mozambique tăng 62,5%, UAE tăng 24,4%... Đáng chú ý, Thổ Nhĩ Kỳ tăng 150%, Đài Loan tăng 107,4%, Ba Lan tăng 117,7%, Senegal tăng 420,3%, Chile tăng 3.149%...
Nhu cầu và giá gạo thế giới tăng cao đã góp phần vào đà tăng trưởng của ngành gạo trong thời gian. Tính riêng trong tháng 10, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam đạt đỉnh mới là 640 USD/tấn, tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trên thị trường thế giới, hiện giá gạo chào bán của Việt Nam hiện đã vượt xa so với các nước xuất khẩu hàng đầu khác như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan… Tính chung trong 10 tháng năm 2023, giá xuất khẩu gạo trung bình của cả nước đạt 560 USD/tấn, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Tại thị trường trong nước, tính đến đầu tháng 11, giá lúa gạo tại các tỉnh ĐBSCL tăng thêm từ 9 - 11% so với tháng trước. Như vậy, giá lúa gạo nội địa đã tăng từ 40 – 53% so với đầu năm nay, riêng gạo xát trắng loại 1 đã tăng tới gần 73%; còn so với cùng kỳ giá cũng cao hơn 33 – 52%.
Theo ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, đối với sản phẩm gạo của Việt Nam, trong nhiều năm trở lại đây dưới dự chỉ đạo của Bộ NNPTNT cùng với sự chỉ đạo của địa phương, đặc biệt là nông dân trực tiếp canh tác thì trong 2 năm vừa qua không có bất kỳ lô hàng gạo nào của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU bị cảnh báo về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.
Như vậy, chất lượng gạo của chúng ta đều đáp ứng hoàn toàn yêu cầu từ các thị trường, đặc biệt là thị trường EU là một trong những thị trường đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn rất cao nhưng chúng ta vẫn đáp ứng được.
Trong báo cáo tháng 11, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023- 2024 đạt kỷ lục 517,8 triệu tấn (xay xát), giảm 340.000 tấn so với dự báo tháng trước nhưng tăng 4,4 triệu tấn so với niên vụ 2022-2023.
Như vậy, tổng nguồn cung gạo toàn cầu niên vụ 2023-2024 dự kiến đạt 692,6 triệu tấn, tăng 1,6 triệu tấn so với dự báo trước đó nhưng thấp hơn 3,6 triệu tấn so với niên vụ 2022-2023 và là năm thứ hai liên tiếp nguồn cung gạo toàn cầu giảm.
Sự sụt giảm nguồn cung toàn cầu trong niên vụ 2023-2024 so với niên vụ trước là kết quả của việc tồn kho đầu kỳ giảm 8 triệu tấn xuống còn 174,8 triệu tấn, nhiều hơn mức tăng sản lượng 4,4 triệu tấn toàn cầu. Trung Quốc chiếm phần lớn sự sụt giảm về tồn kho đầu kỳ toàn cầu trong vụ 2023-2024, với lượng tồn kho giảm 6,4 triệu tấn xuống còn 106,6 triệu tấn.
Thương mại gạo toàn cầu trong năm dương lịch 2024 dự kiến đạt 52,85 triệu tấn (xay xát), tăng 345.000 tấn so với dự báo trước đó nhưng thấp hơn 460.000 tấn so với ước tính 53,3 triệu tấn của năm 2023. Đồng thời USDA cũng điều chỉnh thương mại gạo toàn cầu vào năm 2023 giảm 505.000 tấn so với dự báo tháng 10 và thấp hơn 1% so với một năm trước đó. Sự sụt giảm dự kiến trong thương mại gạo toàn cầu trong cả năm 2023 và 2024 chủ yếu dựa trên các lệnh cấm xuất khẩu gần đây và các hạn chế xuất khẩu khác của Chính phủ Ấn Độ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.