Giá trị kiến trúc độc đáo
Theo các tài liệu lịch sử, Phụng Dương Công chúa (1244-1291) là con Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ và Tuệ Chân phu nhân.
Khi trưởng thành bà được gả cho Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải với nghi lễ dành cho con gái Vua.
Nhân cách của bà được Thái sư Trần Quang Khải đánh giá: “Làm điều thiện, nói điều nhân, sống nết na, chết lưu danh, vượng phu ích tử”.
Hiện nay, Thái sư Trần Quang Khải và Công chúa Phụng Dương được thờ tại Đình và Miễu Cao Đài, xã Mỹ Thành (huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định).
Tấm văn bia cung cấp nhiều tư liệu về công chúa Phụng Dương, con gái của Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ và Tuệ Chân phu nhân được bảo quản tại nhà bia Đình - Miễu Cao Đài, xã Mỹ Thành (huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định).
Năm 1964, di tích Đình và Miễu Cao Đài được Nhà nước cấp bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Kiến trúc Đình Cao Đài được xây dựng theo kiểu chữ “nhất”, hậu chữ “đinh”.
Phía trước tòa tiền đường là hệ thống cột đồng trụ mang dáng vẻ uy nghi có gắn nghê chầu. Tòa tiền đường 5 gian bằng gỗ lim, mái lợp ngói nam.
Trên các con rường chạm lá lật, bẩy chạm tứ linh, tứ quý. Nối liền tiền đường là trung đường và hậu cung xây kiểu chữ “đinh”, mái cong lợp ngói mũi hài. Đình Cao Đài hiện còn lưu giữ được một số di vật quý, trong đó tiêu biểu là tấm bia đá soạn khắc năm 1293 được dựng trên lưng rùa đá, mặt trước đục kín chữ, xung quanh trang trí các họa tiết: cúc dây, sen dẹo.
Nội dung bia cung cấp nhiều tư liệu về Công chúa Phụng Dương, thái ấp của Thái sư Trần Quang Khải và việc rút lui chiến lược của quân đội nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ 2 (1285).
Đình - Miễu Cao Đài, xã Mỹ Thành (huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) thờ công chúa Phụng Dương. Công chúa Phụng Dương được gả cho Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải với nghi lễ dành cho con gái Vua Trần.
Trước sự xuống cấp của di tích, năm 2016 Đình - Miễu Cao Đài đã được khởi công trùng tu, tôn tạo bằng nguồn kinh phí xã hội hóa qua 2 giai đoạn.
Giai đoạn I, triển khai tu sửa các hạng mục: Hậu cung, trung đường. Giai đoạn II trùng tu, tôn tạo các hạng mục: Tiền tế, tả vu, hữu vu, lát sân, xây tường bao… với kinh phí hàng tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa.
Chùa Hổ Sơn, xã Liên Minh (huyện Vụ Bản) thờ công chúa Huyền Trân và Thụy Bảo công chúa. Đây là địa chỉ văn hóa tâm linh được nhiều du khách lựa chọn đến tham quan, chiêm bái.
Công chúa Huyền Trân (1287-1340) là con gái của Vua Trần Nhân Tông, em gái của Vua Trần Anh Tông. Năm 1306, Công chúa Trần Huyền Trân được gả cho Vua Chiêm Thành là Chế Mân, sau Chế Mân đã dâng tặng nước Việt châu Ô, châu Lý (từ đèo Hải Vân đến Quảng Trị ngày nay).
Nhờ cuộc hôn nhân này, mối quan hệ giao bang Đại Việt - Chămpa trở nên thân thiết và lãnh thổ của Đại Việt được mở rộng về phía Nam.
Năm 1307, Chế Mân qua đời, Huyền Trân được đưa về Thăng Long. Năm 1311, bà đến làng Hổ Sơn, huyện Thiên Bản (nay là huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) lập am dưới chân núi Hổ để tu hành.
Tại Chùa Hổ Sơn còn thờ Công chúa Thụy Bảo. Bà là con gái vua Trần Thái Tông Trần Cảnh và là cô ruột của Công chúa Huyền Trân.
Trò chơi bịt mắt bắt vịt trong phần hội chùa Hổ Sơn, xã Liên Minh (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định)-nơi thờ công chúa Thụy Bảo và công chúa Huyền Trân của nhà Trần.
Điểm đặc biệt của Chùa Hổ Sơn là tọa lạc trên sườn núi cao hơn 10m so với mặt đất với kiến trúc “tiền chữ nhất, hậu chữ đinh” gồm 3 gian: bái đường, trung đường và tam bảo.
Tòa bái đường có 3 gian, mái quấn vòm, lợp ngói nam. Tòa trung đường gồm 3 gian, khung làm bằng gỗ lim, cột vuông.
Trải qua những thăng trầm lịch sử, chùa vẫn giữ được 27 tượng thờ và 27 đồ thờ cổ, trong đó nhiều cổ thư, cổ vật quý như tượng hai công chúa, 4 sắc phong của các triều đại phong kiến, một số bát hương sứ, sành mang phong cách nghệ thuật thời Lê…
Để bảo tồn, phát huy giá trị di tích, năm 2020, Chùa Hổ Sơn được tu bổ, tôn tạo từ nguồn kinh phí xã hội hóa.
Công trình Chùa Hổ Sơn được xây dựng trên nền đất cũ và được quy hoạch mở rộng khuôn viên với tổng diện tích 13ha, gồm 30 hạng mục công trình lớn nhỏ. Đến nay, Chùa Hổ Sơn là một trong những địa chỉ văn hóa tâm linh thu hút đông đảo khách thập phương đến tham quan, chiêm bái.
Lễ hội đặc sắc
Cùng với giá trị kiến trúc - nghệ thuật, lịch sử - văn hóa, ở những di tích thờ các vị Công chúa thời Trần còn diễn ra lễ hội truyền thống gắn với các nghi thức tâm linh tưởng nhớ nhân vật được phụng thờ.
Với ý thức gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, vào các ngày 9-4 âm lịch (ngày kỵ của Công chúa Huyền Trân) và ngày mồng 5 tháng Giêng (ngày kỵ của Công chúa Thuỵ Bảo) diễn ra các nghi thức văn hóa tâm linh trang trọng do làng Hổ Sơn và làng Tiền tổ chức.
Vào sáng 9 tháng 4 âm lịch hàng năm, dân làng Hổ Sơn tổ chức rước kiệu lên chùa, rước chân nhang hai Công chúa về đình làng làm lễ, chiều 14 tháng 4 âm lịch lại rước về chùa. Trong những ngày diễn ra lễ hội, dân làng thường tổ chức thi làm cỗ chay, làm bánh dày dâng thánh.
Múa lân, sư trong lễ hội Đình làng thôn Tiền, xã Tam Thanh (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) - nơi thờ Công chúa Thụy Bảo. Bà là con gái vua Trần Thái Tông Trần Cảnh và là cô ruột của Công chúa Huyền Trân.
Ở xã Mỹ Thành, cứ 3 năm một lần, dân làng lại mở hội lớn vào ngày kỵ của Công chúa Phụng Dương (22 tháng 3 âm lịch).
Lễ hội Đình Cao Đài, ngoài các nghi thức tế lễ còn có các trò độc đáo như: tích “Thuyền chài bắt giặc Tàu Ngô”, tích “Quan huyện, quan trấn đốc thúc dân đi mở đường”, “tục thổi cơm thi”... Các tích trò được duy trì, phục dựng đã tái hiện lại quang cảnh sinh hoạt của thái ấp xưa một thời phồn thịnh.
Nghi thức tế nam quan trong lễ hội làng Lựu Phố.
Ở Đền Lựu Phố, xã Mỹ Phúc (huyện Mỹ Lộc), ngày 7-7 âm lịch, lễ hội đền thu hút đông đảo khách thập phương về dự.
Điều đặc biệt trong lễ hội là tục dâng lễ Công chúa Bạch Hoa bằng cơm gạo đỏ (hoặc xôi gấc) với muối vừng.
Theo thư tịch cổ, Bạch Hoa Công chúa là người ham đọc sách. Tháng 3 năm Mậu Dần (1398), Hồ Quý Ly ép Vua Trần Thuận Tông phải nhường ngôi cho con là Trần Án mới 3 tuổi. Công chúa Bạch Hoa phải đi lánh nạn ở Chùa Diên Bình (nay thuộc tỉnh Hà Nam).
Tương truyền, Công chúa thích ăn cơm gạo đỏ, uống nước hạt bạch cúc, đêm ngày tụng kinh niệm Phật. Bên cạnh đó, bà còn lên núi hái lá về làm thuốc chữa bệnh cứu người. Bà mất năm Giáp Tuất (1454) niên hiệu Diên Ninh đời Vua Lê. Tuy không mất tại quê nhà nhưng nhân dân làng Lựu Phố nhớ công đức của bà đã lập đền thờ.
Đến nay, làng Lựu Phố vẫn giữ được đạo sắc phong triều Vua Duy Tân thứ 5 (1911) phong cho xã Lựu Phố, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định tôn thờ Tiên Thiên Bạch Hoa Công chúa.
Vào ngày giỗ của Bạch Hoa Công chúa, nhân dân ở hai nơi Thanh Liêm (Hà Nam) và Gia Viễn (Ninh Bình) đều về Lựu Phố dâng hương tưởng niệm. Trong lễ hội làng Lựu Phố vẫn duy trì tục cúng lễ món cơm gạo đỏ, xôi gấc và muối vừng.
Nghi thức rước kiệu trong lễ hội làng Lựu Phố thờ Bạch Hoa công chúa-một công chúa vào thời mạt Trần.
Các vị Công chúa thời Trần đều là những tấm gương tiêu biểu của phụ nữ Việt Nam với trung, hiếu, nghĩa vẹn toàn.
Việc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích thờ các vị Công chúa thời Trần đã thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, giáo dục thế hệ trẻ nhận thức vai trò quan trọng của phụ nữ trong quá trình dựng nước và giữ nước vẻ vang của lịch sử dân tộc...