Nam Định là nơi sinh của 5 trạng nguyên, có 2 trạng nguyên thần đồng đất Việt, đó là những trạng nguyên nào?

Thứ năm, ngày 04/08/2022 05:14 AM (GMT+7)
Nam Định là địa danh nổi tiếng cả nước về truyền thống hiếu học. Qua các triều đại lịch sử, nơi đây đã sản sinh ra nhiều “nhân kiệt”; trong đó có 5 vị Trạng nguyên có nhiều cống hiến cho quê hương, đất nước.
Bình luận 0

Để tưởng nhớ, vinh danh công lao của các vị Trạng nguyên, nhân dân các địa phương trong tỉnh Nam Định đã dựng đền, đình, từ đường để thờ phụng, nhằm giáo dục truyền thống cho các thế hệ con cháu. Trong đó có 5 di tích tiêu biểu đã được Nhà nước xếp hạng: Đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh, xã Liên Bảo (Vụ Bản); Đền thờ Trạng nguyên Đào Sư Tích, thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh); Đền thờ Trạng nguyên Trần Văn Bảo, xã Hồng Quang, Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền, xã Nam Thắng, Đình Xuân Lôi thờ Trạng nguyên Vũ Tuấn Chiêu, xã Nam Hùng (Nam Trực).

Nam Định là nơi sinh của 5 trạng nguyên, có 2 trạng nguyên thần đồng đất Việt, đó là những trạng nguyên nào? - Ảnh 1.

Di tích lịch sử - văn hoá quốc gia Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền, xã Nam Thắng (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định).

Vùng đất Thiên Bản xưa - Vụ Bản nay là quê hương của vị Trạng lường Lương Thế Vinh. Từ nhỏ “thần đồng” Lương Thế Vinh đã nổi tiếng khắp vùng bởi tư chất thông minh, nhanh trí, thi đỗ Trạng nguyên lúc 23 tuổi, làm quan tại Viện Hàn lâm, triều Vua Lê Thánh Tông. 

Không chỉ đóng góp nhiều công trạng với đất nước, Trạng nguyên Lương Thế Vinh còn được nhiều người biết đến bởi sự tài hoa, uyên bác trong nhiều lĩnh vực: âm nhạc, giáo dục, toán học, văn học, Phật học…

Ông là một trong 28 nhà thơ của hội Tao Đàn do Vua Lê Thánh Tông lập năm 1495. Đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh ở thôn Cao Phương, xã Liên Bảo được Bộ VH, TT và DL xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1990 có giá trị tiêu biểu về nghệ thuật kiến trúc. Đền được xây dựng trên nền nhà cũ của gia đình ông từng sinh sống. 

Đặc biệt tại cung đệ nhất (chính cung) còn lưu giữ được tấm hình kích thước 1x1m vẽ trên gỗ quý khắc họa chân dung Trạng nguyên Lương Thế Vinh ngồi trên án thư, mặc triều phục, tay cầm quạt ngồi buông chân, tư thế ung dung, phóng khoáng. 

Tương truyền bức vẽ này là của một họa sĩ người Trung Quốc vẽ tặng Trạng nguyên nhân dịp ông đi sứ sang bên này. Trải qua hơn 500 năm, Đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh đã được tu sửa nhiều lần nhưng vẫn bảo tồn được phong cách kiến trúc truyền thống của dân tộc; tiêu biểu như: 4 hàng cột lim kê trên những chân tảng đá liên kết với nhau bằng các xà ngang, xà dọc, vì kèo vững chắc; bộ cửa võng bằng gỗ lim chạm lộng, bong kênh tinh xảo, sơn son thếp vàng lộng lẫy. 

Từ khi xây dựng vào thế kỷ XVI, ngôi đền đã được nhiều nhà khoa bảng như: Tiến sĩ Đỗ Quang Dần, Tiến sĩ Phạm Đạo Phú, Hoàng giáp Tam đăng Phạm Văn Nghị, Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến… đến thăm viếng, đề thơ ca ngợi, làm câu đối phúng. Nhiều năm qua, một số đơn vị giáo dục trên địa bàn huyện đã tài trợ kinh phí để tôn tạo lăng mộ, xây dựng phòng truyền thống tại đền. 

Hàng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26-3), Huyện Đoàn Vụ Bản, Đoàn xã Liên Bảo cùng học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh lại tổ chức các hoạt động “về nguồn”, dâng hương, dọn dẹp, chăm sóc vườn cây xung quanh khu vực di tích, làm cho cảnh quan của ngôi đền thêm xanh - sạch - đẹp.

Trạng nguyên Nguyễn Hiền, sinh năm Ất Mùi (1235) là danh nhân văn hóa nổi tiếng với tài thơ phú, ứng đối. Ông thi đỗ Trạng nguyên năm Đinh Mùi 1247 khi mới 12 tuổi. Trạng nguyên Nguyễn Hiền có nhiều công trạng phò vua, giúp nước, cứu dân như: đối phó với giặc phương Bắc, đánh giặc cỏ ở Mường La, chiêu mộ dân đi khai hoang, phục hoá, đắp đê sông Hồng, đào kênh mương dẫn nước cho ruộng đồng. Về quân sự, ông cho mở các xưởng rèn vũ khí, thành lập các võ đường rèn luyện quân sĩ, sẵn sàng chiến đấu chống quân xâm lược. 

Ngày 14-8 (âm lịch) năm Ất Mão (1255), Trạng nguyên Nguyễn Hiền qua đời. Người dân quê hương tỏ lòng tôn kính đã xây đền thờ ông trên nền ngôi nhà cũ của gia đình tại thôn Dương A, xã Nam Thắng và suy tôn ông làm Thành Hoàng làng. 

Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền hiện còn lưu giữ cuốn ngọc phả cùng nhiều sắc phong, câu đối, đại tự kể về thân thế, sự nghiệp, ca ngợi công lao của ông. Không chỉ có ý nghĩa lịch sử, Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền còn là di tích mang đậm giá trị nghệ thuật kiến trúc đặc sắc. Đền xây theo kiến trúc “tiền chữ Nhất, hậu chữ Đinh”. Phía trước đền là hồ sen, xung quanh có nhiều cây cổ thụ. Hệ thống nghi môn có 4 cột đồng trụ: 2 cột giữa cao 7m, phía trên có khung bảng đắp nổi họa tiết tứ linh với đường nét tinh tế, tạo thành cổng chính của đền; 2 cột bên thấp, nhỏ hơn, hợp cùng với cột giữa tạo thành tả môn và hữu môn. 

Toà tiền đường được tu sửa vào cuối thời Nguyễn, gồm 5 gian, 2 chái với 6 bộ vì kiểu “thượng chồng rường, hạ kẻ bẩy”. Toà đệ nhị 3 gian có hệ thống cửa gỗ lim chắc chắn, chạm tứ quý “tùng, cúc, trúc, mai”, lưỡng long chầu nguyệt. Cung cấm 2 gian xây giao mái, bắt vần với toà đệ nhị. Tại chính cung có đặt ngai và bài vị thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền. 

Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền được Bộ VH, TT và DL xếp hạng Di tích cấp quốc gia từ năm 1994. Lễ hội Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền là lễ hội lớn tổ chức định kỳ hàng năm từ ngày 14 đến 16-8 âm lịch. Đây là dịp để người dân địa phương, du khách thập phương về đền thắp hương tưởng niệm, tỏ lòng tri ân với vị Trạng nguyên trẻ tuổi nhất cả nước thời kỳ phong kiến. 

Trong lễ hội, địa phương còn tổ chức các hoạt động tham quan, giáo dục truyền thống cho học sinh tại đền, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, các giải đấu TDTT, trò chơi dân gian đặc sắc. Là danh nhân văn hóa tiêu biểu của Việt Nam thế kỷ XIII nên hiện nay, ở hầu khắp các tỉnh, thành trên cả nước có nhiều tuyến đường, phố và các trường tiểu học, THCS, THPT chất lượng cao mang tên Nguyễn Hiền.

Thực hiện Luật Di sản văn hóa, những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị các di tích thờ Trạng nguyên ở tỉnh ta luôn được ngành VH, TT và DL, các cấp ủy, chính quyền và nhân dân quan tâm đẩy mạnh. Từ nguồn xã hội hóa do người dân địa phương đóng góp, con em xa quê, các tổ chức, cá nhân ủng hộ, các di tích đã được trùng tu, tôn tạo với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Các địa phương đều thành lập Ban quản lý di tích, thực hiện có hiệu quả công tác tổ chức, quản lý lễ hội theo nếp sống văn minh, đảm bảo cảnh quan môi trường văn hóa, an ninh trật tự, bài trừ mê tín dị đoan, khôi phục các hoạt động văn hóa, thể thao dân gian. 

Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Đình Xuân Lôi (Đình Quan Trạng), xã Nam Hùng thờ Trạng nguyên Vũ Tuấn Chiêu. Hàng năm cứ vào dịp kỷ niệm ngày mất của Trạng nguyên Vũ Tuấn Chiêu (29-8 âm lịch), Ban quản lý di tích tổ chức lễ hội nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức. Lễ hội kéo dài 4 ngày, từ ngày 27 đến ngày 30-8 âm lịch. Trong dịp này, người dân các làng lân cận tổ chức rước kiệu từ các làng lân cận về đền để tế lễ. Đoàn rước dài gồm các kiệu Đương cảnh Thành hoàng Bồ Đề ở xóm Bồ Đề, kiệu Vua Nghè ở xóm Kế, kiệu Hùng Vương ở xóm Tạo và kiệu Thành Hoàng làng Rục Kiều. 

Trong các ngày diễn ra lễ hội còn có các hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc như: diễn các tích chèo cổ, leo cầu phao, chơi tổ tôm điếm, đấu vật, ngâm thơ, thổi cơm thi… Đền thờ Trạng nguyên Trần Văn Bảo, xã Hồng Quang là di tích được UBND tỉnh xếp hạng cấp tỉnh năm 2021 thuộc loại hình lịch sử. Hàng năm, tại Đền thờ Trạng nguyên Trần Văn Bảo, người dân địa phương tổ chức 2 kỳ lễ chính vào các ngày 24, 25-9 âm lịch (hội làng truyền thống) và mùng 5 tháng Chạp (ngày mất của ông). 

Đền thờ và mộ Trạng nguyên Đào Sư Tích tại thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) được Bộ VH, TT và DL xếp hạng Di tích cấp quốc gia từ năm 2017. Tại Đền thờ Trạng nguyên Đào Sư Tích, từ ngày 12 đến 16-9 âm lịch hàng năm, nhân dân địa phương tưng bừng mở hội. Ngoài ra, vào ngày kị của ông (4-9 âm lịch) và ngày kị của Tiến sĩ Đào Toàn Bân (10-10 âm lịch), con cháu trong các dòng họ: Dương, Nguyễn, Lê, Phan, Đào, Phạm tề tựu tại đền tổ chức tế lễ với các nghi thức trang trọng như: tế nam quan, tế nữ quan, dâng hương, dâng lễ vật, rước kiệu…

Tại các di tích thờ Trạng nguyên, vào dịp lễ kị hàng năm, con cháu trong các dòng họ tổ chức dâng hương, cúng lễ, báo công, tạ ơn tiên tổ, trời đất. Chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ các di tích cho các tầng lớp nhân dân. 

Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp phối hợp với các cơ sở giáo dục trên địa bàn tổ chức các hoạt động dọn vệ sinh quanh khu vực các di tích; tổ chức các hoạt động ngoại khóa tìm hiểu về di tích, thân thế, sự nghiệp của các vị Trạng nguyên.

Các di tích thờ Trạng nguyên ở Nam Định không chỉ là những “địa chỉ” giáo dục truyền thống khoa bảng, hiếu học cho thế hệ trẻ mà thông qua lễ hội tổ chức tại các di tích đã thu hút đông đảo du khách thập phương về tham quan, chiêm bái, cúng lễ; qua đó tạo hiệu ứng tích cực trong thực hiện định hướng khai thác, phát huy giá trị văn hóa truyền thống quê hương để phát triển loại hình du lịch tâm linh của tỉnh Nam Định.

Khánh Dũng (Báo Nam Định)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem